Năm 2020 đang chứng kiến một thử thách lớn mang tên Covid-19, ở thời điểm bắt đầu, không ai có thể tiên đoán được rằng chỉ trong một thời gian ngắn, Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế thế giới, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn dẫn tới giao thương, đặc biệt là xuất nhập khẩu trở nên vô cùng khó khăn. Trước bối cảnh mới, để giữ vững được hoạt động kinh doanh ổn định ở cả thị trường nội địa và quốc tế, đảm bảo đời sống cho người lao động, doanh nghiệp nào cũng phải vạch cho mình những bước đi cẩn trọng và bài bản.
Vinamilk là một trong số những doanh nghiệp đang cho thấy sự bền bỉ và chắc chắn của mình giữa "sóng gió" Covid. "Con thuyền khổng lồ" của ngành sữa Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi, điều chỉnh cỗ máy để vượt sóng và tiến lên phía trước.
Vinamilk giữ được thị trường xuất khẩu ngay trong đại dịch
Theo báo cáo tài chính quý đầu tiên "thời Covid-19", Vinamilk tiếp tục ghi nhận doanh thu xuất khẩu tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019, lên 1.081 tỷ đồng. Ngay trong bối cảnh Covid-19 đang "nóng" dần lên trên bản đồ thế giới thì tháng 2/2020, Vinamilk đã ký hợp đồng xuất khẩu sữa trị giá 20 triệu đô-la Mỹ tại Hội chợ Gulfood Dubai 2020.
Tiếp đà lạc quan của quý 1, trong quý 2/2020, công ty đã liên tiếp giành được hàng loạt hợp đồng như Xuất khẩu chính ngạch lô sữa đặc Ông Thọ sang Trung Quốc ngay trong thời điểm "giãn cách xã hội" tại cả hai nước. Tiếp đó, Vinamilk ký và xuất khẩu thành công hợp đồng xuất khẩu trị giá 1,2 triệu đô gồm 85 container sản phẩm sữa đậu nành hạt và trà sữa sang Hàn Quốc.
Sản phẩm sữa hạt của Vinamilk bước đầu ghi nhận tín hiệu tích cực tại thị trường Hàn Quốc
Cuối quý 2, tin vui của ngành sữa một lần nữa gọi tên Vinamilk khi là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sản phẩm sữa vào Nga và Liên minh Kinh tế Á Âu. Công ty hiện vẫn duy trì tốt việc xuất khẩu đi các thị trường như Nhật Bản, Đông Nam Á, Mỹ, Canada, Úc... Mới đây nhất, trong tháng 7, đã có thêm một nhà máy sữa của Vinamilk (tại TP.HCM) được cấp phép để xuất khẩu vào Trung Quốc.
Cũng theo báo cáo tài chính công bố mới nhất của Vinamilk, quý 2/2020, công ty đạt 15.495 tỷ đồng doanh thu thuần và 3.085 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2019. Vinamilk cũng liên tục nhận được các bình chọn kinh doanh xuất sắc.
Riêng mảng xuất khẩu, nhờ hàng loạt hợp đồng xuất khẩu đã ký/thực hiện giao hàng trong quý 1 và quý 2, Vinamilk đạt 1.370 tỷ đồng doanh thu xuất khẩu trực tiếp quý 2/2020, tăng 26,8% so với quý đầu tiên của mùa dịch và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát toàn cầu khiến kinh tế trong nước và thế giới chịu ảnh hưởng nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn ghi nhận kết quả tích cực đóng góp 9% tổng doanh thu hợp nhất của công ty.
Điều gì giúp Vinamilk giữ được thị trường xuất khẩu?
Trong một chia sẻ gần đây với báo chí, Tổng Giám đốc Vinamilk, Bà Mai Kiều Liên nói: "Covid-19 là một trong rất nhiều biến cố bất ngờ ập đến, buộc ai cũng phải ứng biến." Sự ứng biến của doanh nghiệp sữa lớn của cả nước này như thế nào? Thực tế, điểm lại các hoạt động xuất khẩu của Vinamilk gần đây cũng có thể thấy những "vũ khí" giúp doanh nghiệp chinh chiến trên thị trường quốc tế là:
Thứ nhất: Chuẩn quốc tế và đáp ứng tiêu chí về chất lượng
Chia sẻ với truyền thông nhân sự kiện xuất khẩu thành công lô sữa hạt đầu tiên vào một trong những thị trường khó tính nhất thế giới, đại diện Vinamilk cho biết: "Đưa được sản phẩm ra khỏi biên giới Việt Nam đã khó, đưa được sản phẩm vào thị trường nước bạn và quan trọng là cạnh tranh để tồn tại còn khó hơn nhiều". Và chìa khóa lớn nhất cho cạnh tranh chính là chất lượng, đặc biệt đối với sản phẩm dinh dưỡng.
Đơn cử, Vinamilk là doanh nghiệp tiên phong xây trang trại bò sữa Organic theo chuẩn Châu Âu đầu tiên tại Việt Nam. Chỉ trong khoảng một năm sau đó, sữa tươi 100% Organic Vinamilk đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước. Không lâu sau, chính tiêu chuẩn Organic Châu Âu là tấm vé thông hành cho sản phẩm này nhập khẩu vào Singapore – đất nước phát triển nhất nhì khu vực, từ đó tạo bước đà cho sản phẩm sữa tươi Organic mở rộng thị trường tại Đông Nam Á, cụ thể là thị trường Thái Lan đầu tháng 06 vừa qua, trong lúc Covid-19 vẫn đang tạo ra những áp lực lớn cho kinh tế toàn khu vực.
Sản phẩm Sữa tươi Organic của Vinamilk trên kệ siêu thị tại Singapore
Thứ hai: Chủ động trong chuỗi cung ứng, dự trữ nguyên liệu và tích cực khai thác các cơ hội
Bà Mai Kiều Liên, TGĐ Vinamilk chia sẻ: "Lý do của sự thành công này là chúng tôi chủ động trong chuỗi cung ứng, dự trữ nguyên liệu và những thị trường nào bị đứt gãy chuỗi cung ứng thì mình có thể chào hàng ngay, vừa đáp ứng được chất lượng tốt vừa cạnh tranh về giá cả".
Về vùng nguyên liệu sữa, Vinamilk hiện đang quản lý và khai thác sữa từ đàn bò 150.000 con, có 12 trang trại trong nước đều đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó là 13 nhà máy, sẵn sàng đáp ứng công nghệ, dây chuyền sản xuất và khả năng cung cấp hơn 200 chủng loại sản phẩm.
Trang trại bò sữa Organic đạt chuẩn Châu Âu của Vinamilk tại Đà Lạt
"Tôi luôn nghĩ mình là một mắt xích trong chuỗi giá trị, cứ làm tốt về giá, chất lượng và dịch vụ thì trước sau cũng chiếm được thị trường xuất khẩu. Ban đầu có thể khó khăn vì đối thủ trong ngành hàng này rất nhiều, nhưng cứ từ từ, xác định thế mạnh của mình ở đâu rồi hãy bước vào" – vị thuyền trưởng của Vinamilk cho biết thêm.
Thứ ba: Xây dựng hình ảnh thương hiệu từ sự am hiểu thị trường địa phương
Cuối năm 2019, Vinamilk ra mắt thương hiệu chính thức cho thị trường Trung Quốc bằng sự kiện gây được ấn tượng lớn với cả giới truyền thông và người tiêu dùng. Sản phẩm của doanh nghiệp này đã lên kệ của các siêu thị lớn như Hema (Alibaba) hay Thiên Hồng của tỉnh Hồ Nam và cũng hiện diện trên trang thương mại điện tử tại Trung Quốc. Hay như khi ra mắt sản phẩm sữa hạt tại Hàn Quốc mới đây, doanh nghiệp này đã ngay lập tức tạo được ấn tượng với thiết kế hình ảnh sản phẩm đẹp và cao cấp theo đúng định vị dành cho thị trường này.
Điều chỉnh để phù hợp với văn hóa địa phương, nhưng cũng có những sản phẩm dù đã được Vinamilk xuất khẩu khắp thế giới nhưng vẫn giữ nguyên thương hiệu bằng tiếng Việt trên bao bì như sữa đặc Ông Thọ - một nhãn hàng đã có lịch sử hơn 40 năm tuổi.
Năm 2019, Vinamilk nhận giải thưởng Doanh nghiệp Xuất khẩu Châu Á tại Singapore (thuộc bảng Doanh nghiệp lớn với sản phẩm sữa đặc)
Có thể thấy, với mỗi thị trường, Vinamilk đều có những bước đi được "may đo" khác nhau để phát huy được thế mạnh, gia tăng tính cạnh tranh và dần xây dựng chỗ đứng cho mình.
Bắt đầu hành trình đưa sữa Việt đi khắp thế giới từ năm 1997, tính đến nay, Vinamilk đã có mặt tại 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, ghi nhận tổng kim ngạch đạt 2,2 tỷ USD với sự tăng trưởng ổn định qua các năm.