Căn bệnh ung thư phổ biến
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến. Tại Anh, mỗi năm căn bệnh này ghi nhận khoảng 47.000 bệnh nhân.
Theo số liệu WHO công bố vào năm 2020, Việt Nam có thêm hơn 26.200 ca mắc mới ung thư phổi và gần 24.000 ca tử vong, ung thư phổi chỉ xếp thứ 2 sau ung thư gan.
Tuy nhiên, nếu ung thư phổi được phát hiện kịp thời sẽ có thể nâng cao hiệu quả điều trị. Vậy các dấu hiệu để nhận biết ung thư phổi là gì? Trả lời cho vấn đề này, Tiến sĩ Deborah Lee, Chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại Dịch vụ y tế quốc gia, Vương Quốc Anh (NHS), cho biết có một số dấu hiệu có thể cảnh báo sớm căn bệnh ung thư phổi.
Dấu hiệu cảnh báo sớm khi ngủ
Theo Tiến sĩ Lee, một trong những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo ung thư phổi là tình trạng khó thở.
Tiến sĩ cho biết: “Cảm giác khó thở là một trải nghiệm vô cùng khó chịu và đáng sợ. Triệu chứng khó thở có thể xuất hiện đột ngột hoặc xuất hiện từ từ trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng."
Tuy nhiên, ở một số thời điểm nhất định trong ngày tình trạng khó thở có thể trở nên “tồi tệ" hơn.
Tiến sĩ Lee nói thêm: “Tình trạng khó thở cũng có thể tồi tệ hơn vào ban đêm khi bạn cố gắng nằm xuống để ngủ. Tình trạng khó thở do khối u ở phổi chèn ép có thể kéo dài dai dẳng.”
Những người bị ung thư phổi có thể bị khó thở nếu ung thư phát triển làm tắc nghẽn các đường hô hấp chính.
Ngoài ra, ung thư phổi có thể gây ra tình trạng tràn dịch màng phổi, khiến chất lỏng tích tụ xung quanh phổi. Chất lỏng tích tụ trong lồng ngực có thể gây khó thở. Các phương pháp điều trị có thể được sử dụng để hút chất lỏng ra khỏi ngực và giảm nguy cơ tràn dịch màng phổi tái phát.
Tuy nhiên, ung thư phổi không phải là căn bệnh ung thư duy nhất có thể gây ra tình trạng khó thở.
Tiến sĩ Lee chỉ rõ: “Ung thư phổi gây ra tình trạng khó thở, nhưng các bệnh ung thư khác cũng có thể gây ra tình trạng này, ví dụ như ung thư hạch, nơi các cụm hạch bạch huyết mở rộng có thể đè lên khí quản và đường thở. Ngoài ra, khi mắc các bệnh ung thư khác và các khối u đã lan rộng ra, gây di căn ở phổi cũng cũng có thể gây ra tình trạng khó thở.
Các dấu hiệu khác
Ngoài dấu hiệu khó thở kể trên, theo Dịch vụ y tế quốc gia, Vương Quốc Anh (NHS), các triệu chứng “cảnh báo đỏ" của ung thư phổi bao gồm:
1. Ho
Ho là biểu hiện rõ ràng đầu tiên của ung thư phổi. Đa số những người mắc ung thư phổi đều sẽ xuất hiện tình trạng ho khan. Nếu tình trạng ho khan kéo dài dù đã dùng thuốc điều trị nhưng cũng không thấy thuyên giảm thì mọi người nên chú ý và tốt nhất nên lập tức đến bệnh viện kiểm tra.
2. Ho ra đờm kèm máu
Nếu như cơ thể xuất hiện tình trạng ho ra máu, cho dù chỉ là ho ra một chút máu thì mọi người cũng cần nên chú ý vì đây có thể là triệu chứng của ung thư phổi.
3. Đau vai
Đau vai cũng có thể là một trong những triệu chứng của ung thư phổi. Rất có thể vị trí của các khối u ở gần vai, khi kéo căng cơ ngực sẽ dẫn đến tình trạng đau vai. Mặt khác, có thể do các tế bào ung thư đã di căn đến xương quai xanh, cổ, tạo áp lực lên dây thần kinh gây ra hiện tượng đau vai.
4. Các triệu chứng khác
Ngoài ra, người bệnh có thể sẽ xuất hiện một số hiện tượng như tức ngực, sụt cân, khàn giọng... Cũng có người bệnh sẽ xuất hiện hiện tượng khó nuốt. Những triệu chứng này thường xuất hiện vào thời kỳ đầu và triệu chứng cũng không biểu hiện rõ ràng, vì vậy người bệnh thường xuyên xem nhẹ. Vì vậy, mọi người nên chú ý tới tình trạng sức khoẻ của bản thân, chú ý các triệu chứng nhẹ của cơ thể để có thể kịp thời điều trị.
“Khi các dấu hiệu trên xuất hiện với tần suất nhiều và không có dấu hiệu thuyên giảm, mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra để phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.” Tiến sĩ Lee nói thêm.
Ung thư phổi - phòng ngừa thế nào?
Chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư phổi bằng cách tránh xa các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi và xây dựng một số thói quen lành mạnh. Cụ thể:
1. Ngừng hút thuốc
Hút thuốc được xem là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư phổi. Chuyên gia chỉ ra rằng thuốc lá là yếu tố gây ra khoảng 70% ca mắc ung thư phổi ở Anh. Do đó, bỏ thuốc lá có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư phổi, ngay cả khi bạn đã hút thuốc lá trong nhiều năm. Ngoài ra, việc bỏ thuốc lá còn giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư phổi cho những người xung quanh bởi khói thuốc cũng có thể trở thành tác nhân gây ung thư phổi.
2. Tránh các chất độc hại
Các nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với các chất sau đây làm tăng nguy cơ ung thư phổi: amiăng, asen, crom, niken, cadmium. Khi tần suất tiếp xúc với các chất này càng nhiều, nguy cơ ung thư phổi càng tăng. Vì vậy, những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường chứa các chất kể trên cần có các biện pháp bảo hộ hợp lý để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
3. Chế độ ăn uống lành mạnh
Hãy lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với các loại trái cây và rau củ đa dạng. Rau củ quả là nguồn thực phẩm giàu vitamin, chất xơ và chất chống oxy hoá, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn uống lành mạnh giúp phòng ngừa hoặc giảm thiểu các nguy cơ mắc ung thư và các loại bệnh mãn tính khác.
4. Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường khả năng chống chọi của cơ thể với các yếu tố độc hại bên ngoài gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục không chỉ an toàn và khả thi trong quá trình điều trị ung thư mà còn có thể cải thiện mức độ hoạt động về thể chất và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguồn: Express, MayoClinic