BBDO là công ty quảng cáo đa quốc gia, có trụ sở chính tại New York, Mỹ. Với hơn 15.000 nhân viên hoạt động tại 81 quốc gia, BBDO là một trong 3 mạng lưới agency quảng cáo lớn nhất toàn cầu.
Năm 2007, BBDO tiến vào thị trường Việt Nam, với tên gọi được "Việt hóa" là Bay Bổng Đầu Óc. Đây là agency đứng sau nhiều dự án quảng cáo của các nhãn hàng lớn như "Lang Liêu Hậu Truyện" (Vinasoy), "Tết mà vui cái đã" (Pepsi), "Mirinda ngon xoắn lưỡi" (Mirinda)...
Tuy nhiên, cũng giống nhiều doanh nghiệp phải đầu hàng vì Covid-19, BBDO Việt Nam đã tuyên bố đóng cửa sau 13 năm gắn bó với ngành quảng cáo. Ông David Smail, cựu Chủ tịch, Giám đốc sáng tạo BBDO Vietnam trong giai đoạn 2007-2016 vừa có một bài chia sẻ dài trên trang LinkedIn của mình về việc agency này ngừng hoạt động và gửi lời chào tạm biệt các cộng sự từng gắn bó.
Sau khi nhắc lại những ngày tháng khởi đầu cùng nhiều kỷ niệm vui vẻ trong 13 năm BBDO Việt Nam hoạt động, cựu Chủ tịch ngậm ngùi:
"Tôi tin vào câu nói "bạn càng làm việc chăm chỉ, bạn càng dễ gặp may". Và quả là chúng ta đã làm việc rất chăm chỉ.
Nhưng...đôi khi, làm việc chăm chỉ thôi chưa đủ. Tại một số thời điểm, những thử thách trở nên thật khó để vượt qua. Nên tiếp tục đương đầu hay cúi chào rồi rời khỏi sân khấu bỗng trở thành câu hỏi nặng nề
Trong năm thứ 13 này, có lẽ vận may đã hết. Như chúng ta đều biết, thế giới đã thay đổi.
Dù tôi đã rời BBDO Việt Nam vài năm trước đây nhưng tôi vẫn muốn nói lời cảm ơn tới tất cả mọi người, các khách hàng, đồng nghiệp, đối tác và bạn bè. Tôi xin gửi tới các bạn sự biết ơn vô hạn từ tận đáy lòng.
Các bài thuyết trình của BBDO trước đây thường kết thúc bằng slide cuối, với nội dung: Công việc, công việc và công việc. Còn rõ ràng bí mật thành công của BBDO Việt Nam chính là: Con người, con người và con người.
Vì vậy, dù tâm trí của bạn đang trôi nổi nơi nào, xin hãy nhớ rằng bạn luôn là một phần của đại gia đình này.
Cảm ơn các bạn".
Cũng theo chia sẻ từ người trong ngành, 2020 là năm khó khăn với giới agency. Đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp phải thắt chặt quảng cáo, hoặc hạn chế quảng cáo vì nhu cầu tiêu dùng thực sự của khách hàng đi xuống. Với một số agency nhỏ, công nợ từ khách hàng quá lớn, trong khi bản thân khách hàng cũng gặp khó trong việc xoay sở dòng tiền.
Kết quả là khách hàng không thể thanh toán, agency không có tiền chi phí và tạm ứng cho các dự án mới nên buộc phải đóng cửa.