Vào tháng 5 năm 1981, tại Hưng Bình, thuộc tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc, một người dân thôn Đậu Mã – Cao Quân Điền đang làm đồng thì đột nhiên phát hiện ra có thứ gì đó lấp lánh trong đất. Chứng kiến điều này, hẳn nhiều người sẽ bị món đồ đó hấp dẫn mà đào lên ngay lập tức. Tuy nhiên, Cao Quân Điền lại lặng lẽ chôn nó xuống đất.
Thật ra, Cao Quân Điền đã bị thu hút bởi thứ đó, anh ta lôi nó ra xem xét một hồi. Người đàn ông phát hiện ra đó là một con ngựa bằng vàng cực kỳ tinh xảo. Quân Điền ngạc nhiên đến mức không thốt nên lời nhưng anh cũng nhận ra món đồ đó là cổ vật.
Sau khi thấy mình đào được một con ngựa vàng, Cao Điền Quân lại lặng lẽ chôn xuống đất. (Ảnh: Sohu)
Anh ta lo món cổ vật bị người khác phát hiện và mình không bảo vệ được nó nên đã chôn nó xuống đất. Sau khi làm xong công việc đồng áng, anh đi tới bảo tàng Mậu Lăng cách đó không xa xin gặp người quản lý và thuật lại mọi chuyện đã xảy ra. Vừa nghe xong câu chuyện, các chuyên gia lập tức tổ chức một chuyến đi tới làng Đậu Mã để tận mắt nhìn thấy con ngựa vàng mà Cao Quân Điền đã tìm thấy.
KHO BÁU CHỒNG KHO BÁU
Dưới sự hướng dẫn của Cao Quân Điền, các chuyên gia đã nhanh chóng tìm thấy con ngựa vàng. Cao Điền Quân có nằm mơ cũng không ngờ rằng với con ngựa đó, các nhà khảo cổ khai quật thêm được một kho báu với rất nhiều cổ vật giá trị to lớn. Từ cánh đồng của anh, các chuyên gia đã tìm thấy lăng mộ nghi ngờ là của Hán Vũ Đế hoặc một vị hoàng thân quốc thích thời nhà Hán.
Trong khu lăng mộ, các chuyên gia đã tìm thấy 4 ngôi mộ cổ có niên đại hơn 2.000 năm. Cũng trong các ngôi mộ, nhóm khảo cổ đã tìm thấy hơn 230 món cổ vật khác nhau như đồ đồng cổ, đồ sơn mài và đồ trang sức vàng, bạc, ngọc bích…
Theo các nhà khảo cổ, cái lư hương bằng vàng mô phỏng núi Bác là cổ vật quý giá nhất được tìm thấy trong mộ cổ. (Ảnh: Sohu)
Trong đó, món đồ giá trị nhất phải kể đến cái lư hương bằng vàng được tìm thấy ở ngôi mộ đầu tiên. Cái lư hương này cao 58 cm, bao gồm 3 phần là đế, tay cầm và thân. Lư hương được chế tác mô phỏng theo hình dáng của núi Bác.
Núi Bác vốn là một ngọn núi thần tiên trong truyền thuyết. Về sự tồn tại của ngọn núi này, các chuyên gia đã giải thích như sau:
Thứ nhất, theo cuốn sách "Khảo cổ đồ" do Lữ Đại Lâm, một nhà khảo cổ học nổi tiếng thời Bắc Tống đã viết, núi Bác nằm ở quận Bác Sơn, thuộc tỉnh Sơn Đông. Núi Bác nổi tiếng bởi vẻ đẹp thanh tao như một ngọn núi thần tiên.
Thứ hai, khi Hán Vũ Đế đi qua vùng biển ở Thanh Châu, ông đã nhìn thấy trong ảo ảnh những ngọn núi thần tiên. Sau khi trở về kinh đô, ngọn núi tiên thường xuyên xuất hiện trong tâm trí của ông. Chính vì thế, Hán Vũ Đế đã tìm những người thợ giỏi nhất để đúc ra một chiếc lư đồng mô phỏng theo ngọn núi tiên Bồng Lai trong "Sơn Hải Kinh" và đặt tên cho nó là núi Bác.
Được biết lăng mộ này thuộc về Bình Dương công chúa, chị của Hán Vũ Đế. (Ảnh: Sohu)
Bên trên thân lư hương là dòng chữ chạm trổ thể hiện trọng lượng và thời gian đúc nó. Ngoài ra, trên đế của lư hương có khắc 2 chữ "Vị Ương", các chuyên gia cho rằng nó là một bảo vật của cung điện Vị Ương của triều đại nhà Hán.
Hơn nữa, trên các món đồ đồng khác, họ còn tìm thấy dòng chữ "Dương Tín Gia", từ đó có thể xác định là Dương Tín công chúa (thường được biết đến với tên gọi Bình Dương công chúa), chị gái của Hán Vũ Đế. Vì vậy, các nhà khảo cổ đã xác nhận rằng đây là lăng mộ của Dương Tín công chúa. Và những món cổ vật được tìm thấy trong mộ của công chúa cũng được công nhận là bảo vật cấp quốc gia.