Khi gặp lại Võ Thanh Hòa trong buổi trò chuyện lần này, bản thân tôi cảm thấy giật mình khi gần 15 năm đã trôi qua rồi... Nói gần 15 năm là tính từ khi tôi có dịp biết Võ Thanh Hòa khi anh đóng vai nam chính Phúc lúc nhỏ trong Miền Đất Phúc, bộ phim truyền hình từng một thời "đạp sóng rẽ gió" thập niên 2000. Sau đó, Võ Thanh Hòa tiến công màn ảnh rộng với vai diễn đáng nhớ nhất của anh trong Cánh Đồng Bất Tận. Còn giờ đây, ngồi trước mặt tôi là đạo diễn Võ Thanh Hòa đang mỉm cười rạng rỡ vì sản phẩm Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử đang thu về nhiều thành tích đáng kể ngoài rạp chiếu. Cũng từ đây, Võ Thanh Hòa trở nên thoải mái, dạn dĩ hơn hẳn khi chia sẻ về lần cộng tác cùng Thu Trang - Tiến Luật và góc nhìn về phim truyền hình Việt trong nhiều năm trở lại đây.
Một nhóm giang hồ hở tí là cầm gậy gộc đánh nhau thì không thể đi đường dài được
Hiện nay thị trường phòng vé Việt đang là bài toán khiến nhiều người quan ngại. Bởi lẽ nếu như không có dịch, sức mua của người Việt Nam ngày càng tăng, tổng doanh số 3 phim mùa Tết năm ngoái lên đến 500 tỷ. Hiện tại sau khi trải qua một mùa dịch, thói quen và hành vi tiêu thụ của người Việt đã thay đổi. Khán giả trở nên kén chọn và khắt khe hơn trong việc mua vé xem phim. Là một nhà làm phim, Võ Thanh Hòa có thể đo được mức độ mong muốn mua vé của khán giả so với kỳ Tết trước khác nhau thế nào không?
Chắc chẳng có chuyên gia nào đo lường được chuyện này. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là hàng năm, phim nước ngoài bỏ tiền PR rất nhiều, nhất là các phim bom tấn. Tất cả khi nhập về Việt Nam đều đi theo một quy trình nhất quán. Cụ thể như phim có bao nhiêu suất, rồi các nhà phát hành phải ký cam kết, đính kèm đó là số tiền PR cực kì lớn. Chính vì vậy, phim Việt Nam của mình sẽ dựa theo những cái đó. Nghĩa là, họ đã PR cho có khách ra rạp rồi, mình làm sao cho khán giả ra rạp coi phim của mình, thấy mình luôn là được. Việc này sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho mình. Năm nay không có phim lớn từ Disney hay Marvel. Kể cả khi đến lúc đó tự nhiên nghe có phim Châu Tinh Trì ra rạp, khá nhiều người sẽ sợ, nghĩ phim mình chịu không nổi. Nhưng thực tế, phim Châu Tinh Trì kéo khách ra rạp nhiều, nhờ đó, khán giả lại thấy phim của mình và có thể sẽ xem phim của mình luôn thì đây cũng là một cách PR chéo với nhau. Như vậy, tổng tiền bỏ vào marketing cao sẽ mang lại thị phần khán giả cao hơn.
Còn năm nay là kiểu "mạnh phim Việt tự sống, tự cung tự cấp" nên lượng tiền bỏ ra PR và cách tiếp cận cũng phải thông minh hơn, nên tốn kém nhiều hơn. Đó là lý do mà sức mua giảm. Bởi vì khán giả không thấy đủ hấp dẫn để ra rạp. Có thể ví von việc này như các nhà hàng có ngon đến mức nào đi chăng nữa mà chỉ bán có một món thì mình sẽ thấy ngán. Phải bán nhiều món ngon thì mới hút khách. Đây chính là vấn đề mà thị trường phim Việt đang gặp phải hiện nay. Nên trước khi Chị Mười Ba 2 khởi chiếu, tôi thật sự mong Wonder Woman 1984 trở thành bom tấn. Tuy phim chiếm nhiều suất nhưng sẽ kéo khách về rất nhiều.
Nhưng rõ ràng Wonder Woman đã không phải là một cú nổ phòng vé, lúc đó anh cảm thấy như thế nào? Anh nhận định như thế nào về sức ảnh hưởng Wonder Woman với thị trường khi Chị Mười Ba cũng đã dời lịch chiếu sau 1 tuần?
Tôi và vợ vốn là fan của Wonder Woman, rất thích chủ đề nữ quyền. Mọi người có thể tưởng tượng, nếu phần 1 của phim là một cái gì đó rất bùng nổ, thì phần 2 mang đến một chút thất vọng so với phần 1. Tất nhiên nếu nhìn theo góc độ phụ nữ, đạo diễn Wonder Woman là nữ, thêm vào đó là các kiểu văn hóa Mỹ được mô phỏng đậm chất DC. Nếu nói Wonder Woman 1984 dở không hẳn là dở, nhưng không đủ sức hấp dẫn khiến người xem trầm trồ. Do đó, Wonder Woman đã không trở thành hiện tượng phòng vé, thì câu chuyện lại quay về việc Chị Mười Ba phải tự lực cánh sinh, hút khách ra rạp bằng cách riêng của mình.
Hiện tại, sức nóng của Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử có giống như anh tưởng tượng, hay anh có kỳ vọng một con số nào đó lớn hơn?
Thú thật, mức độ mà mình cảm thấy thoải mái sẽ bằng sự thật trừ đi kỳ vọng đúng không? (cười). Nên là, lúc nào tôi cũng kỳ vọng rất thực tế. Đây không phải việc do mình thích, hay đồng nghiệp của mình thích, mà phải là do khán giả quyết định, thành ra tôi luôn đặt kỳ vọng ở mức độ vừa phải, vừa với những gì mình suy nghĩ. Kết quả hiện nay đang tốt hơn mình và cả ekip chờ đợi.
Hiện tại tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Nếu mọi người có dịp trải nghiệm cảm giác một chiếc rạp kín khán giả tới hàng A, rồi khi đến đoạn chiếu loạt nhân vật đang đi slow motion ở cuối phim, rồi thì đèn sáng lên, sau đó dàn diễn viên ở ngoài bước vào trong, khán giả như bùng nổ, đồng loạt đứng dậy vỗ tay, hú hét,... Đã rất lâu rồi tôi mới nghe được những tiếng vỗ tay trong rạp phim. Khi đi xem phim, theo phép lịch sự là mình phải giữ yên lặng, nhưng mọi người vẫn vỗ tay đến cuối phim. Đây chính là một niềm hạnh phúc, dù chỉ là nhỏ nhoi đối với tôi. Dù tiếng vỗ tay có đôi khi chỉ lộp độp thôi nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Động lực của tôi chính là khán giả. Mình phải có mục tiêu để hướng đến, chính là khán giả, phần còn lại là hành động của mình thế nào. Mình làm bất kì điều gì hướng tới khán giả thì đó chính là động lực của mình. Nhìn chung, trải nghiệm cảm giác đó giúp mình có thêm năng lượng để làm phim tiếp theo, tiếp theo nữa.
Đạo diễn phần 1 của Chị Mười Ba là người khác, vậy khi nhận làm phần 2, anh có thử thách hay có áp lực vô hình nào?
Đó là áp lực hữu hình luôn chứ không phải vô hình (cười). Về bản chất, từ web drama nó là một hiện tượng mạng cho tới sự thành công phòng vé ở phần 1. Tất cả đều là một cái mốc mà khi bắt đầu vào cuộc chơi này, dự án này, việc đầu tiên mình phải tự hỏi bản thân là mình có làm tốt được như vậy hay không? Chưa tính đến là hơn hay thua, mình chỉ muốn biết là mình có làm tốt được hay không, và mình làm được cái gì khác hay chỉ có thể "vuốt đuôi" theo câu chuyện đó. Ở góc độ là một đạo diễn, tôi phải đem đến điều gì đó mới mẻ cho một bộ phim, từ nội dung đến cách suy nghĩ, cách diễn và cả thương hiệu này. Do đó, từ những ngày đầu tiên, khi anh Tiến Luật gọi, hai anh em cũng đi uống cà phê như thế này, sau đó anh Luật đặt vấn đề làm đạo diễn, thế là tôi nói "Cho em 2 ngày suy nghĩ". Trong 2 ngày đó, tôi xem từ web drama cho đến phim điện ảnh, xem những điểm mạnh mà phim đang có là gì, và xem luôn những điểm yếu mà mọi người đang mắc phải là gì, đồng thời nhìn nhận bản thân mình có những cái gì để mà đem ra chơi với người ta. Nếu đem tay không vào chơi bắt cướp chắc chết (cười).
Sau 2 ngày thì có một cuộc họp rất nghiêm túc. Tôi đã hỏi Thu Trang và Tiến Luật muốn gì ở phần 2, muốn nó tiếp tục là một thương hiệu từ Thập Tam Muội phát triển lên với những câu từ đao to búa lớn đó, những cách tiếp cận, những plot-twist đó, hay cần một cái gì mới. Hai anh chị ngay lập tức trả lời là muốn cái mới. Tôi đáp: "OK, nếu vậy thì em sẽ làm kịch bản đơn giản thôi. Em không làm cái gì đao to búa lớn cả, anh chị cho em từ khóa đi. Là tình anh em, nghĩa khí giang hồ, cú lật, hay là muốn phát triển thương hiệu Chị Mười Ba, hai anh chị phải cho em từ khóa, nhưng mà phải sắp xếp rõ ràng. Cái nào anh chị ưu tiên số 1, số 2, số 3 thì phải đưa cho em để em tính toán. Em nghĩ đây là một trong số ít những thương hiệu sẽ đi được đường dài nên anh chị cần một nền tảng. Và em biết là ở phần cuối anh chị định khép nó lại rồi. Nhưng vì nó đã thành công nên anh chị muốn phát triển đúng không? Nhưng đi tiếp đường đó thì không được đâu. Em sẽ đặt lại một nền móng khác. Nếu anh chị tin tưởng cho em xây móng, anh chị phải tin tưởng em. Em cần phải là người xây nhà, em không cần là người làm phần 3, phần 4, phần 5".
Tôi đã bắt đầu Chị Mười Ba 2 với một tâm thế rất mới. Một nhóm giang hồ hở tí là cầm gậy gộc lên chửi bới, đánh nhau thì không thể đi đường dài được. Cái chất giang hồ đó nó cũng không hề giống của người Việt Nam mình nữa. Tại sao mình phải học Hong Kong? Tại sao mình phải học Hàn Quốc? Tại sao mình phải học Trung Quốc? Mà không phải là giang hồ theo đúng kiểu của Việt Nam mình? Và giang hồ của Việt Nam mình là gì? Là mấy đứa đầu đường xó chợ thì hoàn toàn không phải. Tôi nói với anh Tiến Luật và chị Thu Trang: "Phải đề cập đến những người thật sự sống máu mặt và cố gắng làm ăn nhiều hơn người bình thường, hai anh chị làm phim phải đi theo con đường đó. Vậy mới đúng chất người Việt Nam mình". Mình phải dựa trên sự thật để xây dựng lên thành phim, nhờ đó mới đi đường dài được. Kể những câu chuyện về con người muốn rút chân ra khỏi giới giang hồ còn khó hơn khi đặt chân vào. Tôi đã nghĩ hai anh chị nên khai thác góc độ đó. Thật ra, tôi có chuẩn bị một số kịch bản được quay ở các nước Đông Nam Á đàng hoàng. Mình mong muốn như vậy, nhưng anh chị vẫn còn chần chừ lắm. Kiểu như, không biết là làm như thế này có được không...
Như anh đã đề cập ở phía trên, những kế hoạch quay ở nước ngoài là như thế nào, đã thực hiện được chưa hay vẫn chỉ là kế hoạch?
Phần này thì chưa, nhưng những phần sau tôi mong muốn sẽ có. Thứ nhất, không phải cứ lôi cả đoàn đi ra nước ngoài quay rồi về PR là phim mình quay ở nước ngoài. Không phải như vậy. Mình phải nghiên cứu được rằng ở bên đó, thế giới ngầm ở nước người ta như thế nào, dân anh chị, những người sống trong thế giới đó, văn hóa có gì khác biệt. Cái đó mới là điểm tươi mới. Đặc biệt hơn, phim mình sẽ không chỉ có diễn viên Việt Nam thôi.
Về cơ bản, tôi muốn có những nét thật mới trong phim. Tại sao một thứ mà đã có thương hiệu rồi mà mình không làm cho nó trở nên tốt hơn. Mình chờ là chờ cái gì? Bây giờ đã là lúc nào rồi? Năm ngoái tôi xem Friendzone và cảm thấy rất thích ở chỗ, cốt truyện của phim vô cùng đơn giản, kể về một người quay quảng cáo đi qua rất nhiều nước, mỗi một nước đều có một cameo, như ở Việt Nam mình có Chi Pu chẳng hạn. Nếu tôi có thể áp dụng chuyện đó cho Chị Mười Ba thì đó không phải là điều gì quá khó. Ví dụ như có thể mời Tony Jaa đóng với chị Thu Trang, đảm bảo đó sẽ là một cái gì đó rất là "wow" đúng không? Vậy thì tại sao mình không dám nghĩ, mình phải dám nghĩ trước đã. Đó là cách mà mình tiến đến.
Kiều Minh Tuấn là một người rất khó chịu trong khâu làm nội dung
Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử đã được phát triển theo hướng giản dị, đơn giản nên không mang đến cảm giác ôm đồm như phần đầu tiên. Liệu đây có phải là phong cách làm phim của anh hay không, đó là luôn coi trọng sự giản dị?
Không phải. Có những phim sẽ rất phức tạp và hack não mọi người đấy. Nhưng ở phim này, như đã nói, khi mình xây móng, đơn giản nhưng phải chắc chắn là tiêu chí đầu tiên. Trong một bộ phim 90-100 phút, mình không thể nào xây dựng nhân vật nào cũng hay. Nếu như có quá nhiều nhân vật thì nhân vật nào cũng sẽ bị nhạt và ít đất diễn. Bởi vì bị giới hạn thời gian, mình không thể nào ôm tất cả vào làm một. Mình xây dựng ít nhân vật, mà mỗi nhân vật mình dựng tuyến cho họ thật rõ ràng. Đây chính là phần xây nền móng.
Gốc làm nghề của tôi khi làm film-maker luôn xuất phát từ quan điểm là khán giả sẽ xem và cảm nhận cái gì. Kể cả là phim trước đây hay sau này cũng sẽ đều như vậy. Tôi không đặt ở vị trí là mình là người làm nghề. Như chuyện mình làm cảnh đó thật sự sướng, có một cú máy rất dài, hoặc là có những đoạn đặc biệt, không có ai khác làm được ngoài mình. Mình không đặt cái đó là ưu tiên đầu tiên, mà luôn đặt mình vào khán giả khi xem đoạn phim đó sẽ cảm thấy như thế nào. Đầu tiên là phải có niềm tin. Họ phải tin Chị Mười Ba rất nghĩa khí, họ phải tin ở đó có tình anh em, họ phải tin những người đó sống chết thế nào vì nhau. Khi khán giả tin nhân vật thì nhân vật làm gì, họ cũng cho là đúng.
Quyết định để Chị Mười Ba lùi lại để nhường spotlight lại cho lứa đàn em là quyết định của ai? Của anh hay do Thu Trang đã muốn vậy ngay từ đầu?
Thật ra nó bắt nguồn từ nội dung phim. Ban đầu phim vốn có tên là Giải Cứu Kẽm Gai, nên dĩ nhiên các nhân vật như Kẽm Gai sẽ có spotlight nhiều. Thu Trang thật sự có một bước lùi lớn về diễn xuất lẫn sản xuất để làm nên Chị Mười Ba 2 như vậy. Thế nhưng phim nếu muốn hay thì không chỉ nhân vật đứng trong spotlight phải mạnh mà cả các tuyến phụ khác hay cả nhân vật phản diện cũng phải mạng tương đương.
Anh lấy cảm hứng từ đâu để xây dựng nên nhân vật Thắng Khùng?
Ban đầu tôi xây dựng Thắng Khùng như một phản diện chính của phim, nhưng sau đó lại chỉ là hàng "pha ke" mà thôi. Tôi muốn cái tên phản diện của mình không cần phải gồng quá sức, không "đao to búa lớn" này kia. Chính độ điên của Thắng Khùng làm nên cái sợ ở người xem. Thật ra tôi còn muốn Thắng Khùng máu lửa hơn nữa. Đang cười đang nói tự dưng quay sang đục một thằng, như vậy. Chính cái sự khó đoán thế mới tạo nên thương hiệu của Thắng Khùng. Cũng có câu "chó sủa là chó không cắn", không phải cứ la hét, gầm rú thì người ta sẽ sợ. Vì lẽ đó tôi và Tuấn mới ngồi bàn với nhau. Và tôi phải công nhận Kiều Minh Tuấn là một người rất khó chịu trong khâu làm nội dung. Khó chịu lắm chứ không phải khó chịu thường nữa. Cái gì còn cấn là Tuấn không diễn tiếp được. Ví dụ nếu cảnh đó chỉ là bước ra, diễn hài nhảm rồi bước vào thì Tuấn xác định không làm. Dàn diễn viên mất đến 1 tháng để đọc kịch bản này đấy! Tôi không nghĩ có quá trình đọc, sửa kịch bản nào lâu hơn đâu. Và chính người diễn viên phải chịu trách nhiệm biên tập cho câu thoại của nhân vật mình đóng luôn. Chứ tôi hay biên kịch sẽ không nhét chữ vào mồm diễn viên một cách máy móc.
Anh có áp lực nào không khi phải làm việc chung với một nhóm diễn viên, ngôi sao có cái tôi làm nghề lớn?
Khi xem bóng đá, nếu một câu lạc bộ phải đổi huấn luyện viên mới thì người này không quan trọng ở việc giỏi về chuyên môn như thế nào, mà điều cần bàn là người này có đủ tầm để các ngôi sao trong CLB chịu làm việc chung hay không. Trước đó tôi đã trải qua một dự án khá giống vậy rồi là Ông Ngoại Tuổi 30. Lúc ấy tất cả diễn viên mà tôi chọn đều là những cái tên trẻ. Xong phim đó tôi mới rút ra được rất nhiều kinh nghiệm. Như là khi làm việc với diễn viên trẻ, có nhiều thứ mình không thể bồi đắp cho họ chỉ trong vòng 1-2 tháng. Bạn có thể có sự nhiệt huyết, có tinh thần, có chút dễ thương nhưng chắc chắn sẽ không thể có kinh nghiệm. Đó là lý do tôi muốn cộng tác với những cái tên lớn hơn, và việc làm việc với ngôi sao chưa bao giờ là áp lực với tôi cả.
Tôi bắt đầu làm phim điện ảnh cùng với Trấn Thành mà! (cười) Nhưng thật sự không hiểu sao ở Chị Mười Ba thì áp lực ấy lại rất lớn. Tôi đem nhiều cá tính nhân vật mới vào phim, nhưng đã là ngôi sao thì ai mà chả có cá tính riêng, ai mà chả muốn có đất diễn riêng của mình. Vậy làm sao để khiến những yếu tố đó trở nên hài hòa đây, làm sao để một rừng cá tính đó gom lại với nhau và tạo thành một tập thể diễn xuất tốt? Vậy thì mình phải biết lắng nghe diễn viên, dành thời gian để lắng nghe, trao đổi cùng họ. Trước khi muốn diễn viên nghe mình thì mình phải nghe diễn viên cái đã. Tôi nghĩ hiện nay, một trong những người làm việc tốt nhất với diễn viên đó là anh Nguyễn Quang Dũng. Tôi có dõi theo và học hỏi được rất nhiều từ anh. Và tôi vui lắm khi sau buổi công chiếu thì anh Dũng là một trong những người đầu tiên nhắn tin chúc mừng tôi. Ngoài ra tôi còn phải cảm ơn một người nữa trong Chị Mười Ba đó là anh Tiến Luật. Chị Trang rất giỏi nhưng sẽ khó mà có vị trí này nếu không có anh Luật. Anh Luật là người thổi một nguồn năng lượng tích cực đến với mọi người, đồng thời rút ra hết mọi áp lực tiêu cực, buồn phiền.
Phim truyền hình trong Nam hiện giờ thua ngoài Bắc rất xa...
Phần kịch bản có đến tận 3 cái tên tham gia: Thu Trang - Khương Ngọc - Bình Bồng Bột. Vai trò của từng người trong khâu này là gì?
Phần ý tưởng gốc là do Thu Trang và Khương Ngọc xây dựng nên. Sau đó tôi bước vào, rồi cả ba bàn bạc một thời gian thì kéo thêm Bình Bồng Bột tham gia dự án. Bình Bồng Bột là người viết lại toàn bộ kịch bản từ đầu đến đuôi, vì Bình là biên kịch mà. Nhưng đó chỉ mới là version 1 thôi. Sau đó dựa trên ý kiến mọi người sẽ có thêm version 2, 3,... Phần biên kịch xong thì đến biên tập. Đó là lúc vai trò của tôi tỏa sáng. Tôi "lead" một nhóm biên tập 3 người và bắt đầu chỉnh sửa để làm ra phiên bản cuối cùng.
Tôi cũng bật mí luôn là cho tới khi tất cả mọi người lên Đà Lạt quay phim thì trận đánh cuối chưa hề có trong kịch bản. Ngay khúc đó chỉ ghi ngắn gọn "Hồi sau sẽ rõ". (cười) Vì khi ấy tôi chưa tìm được địa điểm ăn ý để quay trận đánh cuối ấy. Sau cùng thì chúng tôi chốt được địa điểm quay cách Đà Lạt tận 30 km. Ngoài ra, các diễn viên đều biết sẽ có trận đánh cuối, biết cả về những kết quả thế này, thế kia. Về diễn biến thì tôi viết nó trong những khoảng thời gian nghỉ, sau đó giao cho một người phụ trách phân chia tình tiết cho các diễn viên. Nếu là phim hành động thì tôi nắm được bao nhiêu phút có một trận nhỏ, tới mấy phút nữa có thêm trận lớn. Chị Mười Ba 2 không phải phim hành động, mà là phim hài. Nên tôi phải có chiến thuật khác, rải khoảng 3 hay 4 trận đánh khắp phim, về quy mô tăng dần từ nhỏ đến lớn kiểu vậy.
Khi nhận một kịch bản có màu sắc hành động nhiều như vậy thì anh có nghĩ mình hơi liều không, vì đây vốn đâu phải thế mạnh của mình?
Tôi đúng là chưa có cơ hội tiếp xúc với các tựa phim hành động, nhưng trong những phim tôi đã làm vẫn có một số cảnh hành động. Ví dụ như trong Bệnh Viện Ma của Trấn Thành - Hari Won có cảnh rượt đuổi, hành động. Hành động chưa bao giờ là thế mạnh của tôi chứ không phải tôi không biết làm. Vì đã quay - dựng rất nhiều lần nên tôi biết điểm yếu của mình ra sao. Tôi cũng phải tìm hiểu thêm về các đạo diễn hành động khác, về gu hình ảnh của họ hay trò chuyện cùng quay phim về cách quay cảnh hành động. Vậy nên mỗi trận đánh trong Chị Mười Ba nó tạo cho khán giả những cảm xúc khác nhau, và chúng cần thiết để dẫn đến sự bùng nổ của trận đánh kết cục.
Võ Thanh Hòa là một đạo diễn mạnh ở các phim thuần về giải trí hơn. Vậy anh nghĩ sao nếu có những đánh giá cho rằng phim của mình không có giá trị nghệ thuật?
Có thể họ đúng, vì đây thật sự không phải lúc để làm phim arthouse. Mình có cảm hứng với điều gì, làm tốt nhất công việc nào thì mình cứ làm công việc ấy. Nếu điều họ nói là đúng và mình cũng cảm thấy đúng thì mình lắng nghe thôi. Vừa phải có giải trí, vừa phải có "art" trong đó, mấy người làm được? Đợt khi tôi xem Parasite thì tôi cảm thấy đã cực. Phim vừa giải trí, vừa có dụng ý nghệ thuật và những tầng nghĩa chồng chất lên nhau. Khi làm nghề này ai chả mong mình làm được giống như thế. Nhưng mà phải biết thực lực của mình ở đâu. Tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân là một đạo diễn quá giỏi hay là một film-maker thuộc hàng top của Việt Nam. Thế nhưng mục tiêu của tôi vẫn là trở thành một trong những đạo diễn thuộc thế hệ tiếp theo có thể giúp điện ảnh Việt đi lên. Để làm được chuyện đó thì đây phải là lúc dành cho công cuộc rèn luyện, mài giũa chứ không phải cố gắng trèo lên những cột mốc đỉnh cao. Tôi làm phim giải trí nhưng khán giả xem xong họ cảm thấy giải trí thì đó cũng là thành công mà. Chứ không phải kiểu "Phim tôi có nghệ thuật đủ trong đó, tôi chỉ không giải thích cho mấy người nghe thôi!". Nói vậy chứ Chị Mười Ba cũng có không ít thứ được cài cắm, như về câu chuyện hay góc quay. Nếu để ý kĩ xíu thì Kẽm Gai trong tất cả các cảnh đều đi xuống, chỉ có cảnh cuối là đi lên thôi. Hay Chị Mười Ba từ đầu đến cuối phim đều đi lên theo góc nghiêng, chưa bao giờ đi xuống. Nó là hàm ý điện ảnh nhưng cần mạnh hơn nữa, mà nếu mạnh nữa thì nó phải ở dự án khác chứ không phải Chị Mười Ba.
Vì sao nổi tiếng là một diễn viên nhưng anh lại lựa chọn rẽ sang làm đạo diễn? Liệu có điều gì từng làm anh phật ý trong quá trình mình đi diễn lúc xưa?
Có chứ. Một số lần tôi đọc kịch bản, thấy nhân vật của mình hay lắm, nhưng khi lên set quay thì cách làm việc của ekip và đạo diễn khiến cho mình cảm thấy không thoải mái, dẫn đến quá trình sản xuất không đạt như kỳ vọng của mình. Cái thời gian mà phim truyền hình Việt Nam đang trên đà cực thịnh, họ làm phim nhiều lắm. Làm theo kiểu mì ăn liền ấy. Từ 1 ngày rưỡi đến 2 ngày phải có 1 tập dài khoảng 45 phút thì tốc độ làm việc phải nhanh đến mức độ nào. Với tốc độ và cường độ làm việc như vậy, ekip cần thợ diễn hơn diễn viên. Họ không cần xem xét chiều sâu của nhân vật gì cả, chỉ cần thấy ai đó hợp thì bốc vào rồi cho diễn thôi. Đó không phải cách làm phim. Đó không phải là phim! Lúc bấy giờ tôi mới trộm nghĩ nếu mình không tự đi giải quyết câu chuyện này thì chắc sẽ chẳng ai làm đâu. Tôi có thể ngồi một chỗ, chờ đợi mọi thứ tốt hơn rồi làm nghề tiếp, nhưng không. Tôi lựa chọn đứng dậy và làm cái mình muốn.
Phim truyền hình của mình, sau mốc cực thịnh, đã suy thoái một thời gian dài và đến giờ vẫn chưa hồi phục nổi. Trong Nam mình hiện giờ thua ngoài Bắc rất xa. Bởi vì team ngoài Bắc họ tập trung, chịu đầu tư và luôn nghiêm túc với câu chuyện làm phim của họ. Trong Nam thì anh chị em làm nghề có một câu nghe khá vui là "Đi làm phim là đi bào". Kiểu như một người có thể đóng 2-3 phim cùng một lúc, hay NSX trong một năm "bào" được 5-7 phim. Ừ thì ai thích thì cứ đi "bào", nhưng "bào" đến một lúc hết sạch rồi, đến lúc khán giả quay lưng hết thì thua. Bạn cứ mải mê làm 10 phim nhàn nhạt, không có tí cá tính nào thì làm sao phát triển tiếp được trong ngành công nghiệp làm phim này?
Nhưng thực tế là không phải ai cũng thấy được toàn cảnh bức tranh như vầy. Ai cũng "bảo lưu" câu chuyện kiếm tiền của mình. Nó không xấu, không hề. Thế nhưng bản chất khi đã là một film-maker thì cần nhìn nhận một hướng, đó là khi mình làm sản phẩm có giá trị hơn thì thị trường tự khắc mở rộng quy mô hơn, khán giả yêu thích phim Việt hơn. Đó mới là môi trường sạch sẽ để phát triển. Tại sao bạn phải đi "bào" 3 phim trong khi chỉ với 1 phim chất lượng thì đã giúp bạn kiếm được bằng 3 phim kia? Một vai diễn tốt thì vẫn ổn hơn 3 vai diễn dở. Nhưng những người đang nắm cán cân và tạo ra môi trường này, họ chỉ muốn làm phim giá thấp, thích an toàn để sau cùng có phim được duyệt, được chiếu và được kiếm tiền. Nhưng tiền không quyết định được gì trong nghề này hết. Nếu có thì ở Hàn Quốc đã không có Hậu Duệ Mặt Trời hay Hạ Cánh Nơi Anh rồi. Đó là những dự án có mức đầu tư lớn nhưng tồn tại sự mạo hiểm. Mạo hiểm là thứ NSX phải chịu nhiều nhất nhưng họ vẫn một mực làm. Kết quả là nền điện ảnh Hàn ngày càng đi lên và vươn tầm thế giới. Vậy tại sao Việt Nam không học hỏi như vậy, mà cứ phải theo đuổi những cách làm phim nhàn nhạt, trăm kiểu như một? Vì thế, tôi quyết định mình phải đứng dậy, làm và thay đổi.
Cảm ơn Võ Thanh Hòa vì những chia sẻ rất ý nghĩa và sâu sắc. Mong rằng Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử sẽ kết nạp thêm nhiều anh em ngoài rạp, từ đó đưa vũ trụ phim xã đoàn phát triển mạnh hơn nữa!
Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.