Devialet vẫn luôn là một ẩn số đối với tôi! Thương hiệu âm thanh đến từ Pháp có sản phẩm đầu tiên nổi lên trên thị trường là chiếc loa ‘hình con nhộng’ Phantom, dù đến từ một thương hiệu có tuổi đời không lâu và có giá lên tới gần 90 triệu Đồng nhưng vẫn được cộng đồng đón nhận. Tới 2020, hãng lần đầu tiên bước chân vào thị trường tai nghe True Wireless với cặp Gemini có giá bán lên tới 10 triệu Đồng, vượt trội so với các thương hiệu lớn như Sony với dòng WF-1000X và Apple AirPods Pro.
Tất cả những sản phẩm này đều được các chuyên gia và người dùng đánh giá rất cao, nhưng tôi chưa có cơ hội trải nghiệm thực tế nên cũng không rõ được ‘thực hư’ ra sao. Vì vậy mà tôi cũng rất hoài nghi về chất lượng mà các sản phẩm này đem lại, chúng có gì đặc biệt mà đòi hỏi mức giá vượt trội so với các đối thủ cùng loại vậy?
Mãi tới 2023, tôi mới ‘bắt’ được sản phẩm mới nhất từ Devialet là thế hệ thứ 2 của tai nghe Gemini để trải nghiệm thực tế. Cặp tai nghe này có giải đáp được những sự hoài nghi của tôi hay không, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
Mở hộp rồi cho lên tai nghe!
Khác với kiểu thiết kế đơn giản của tai nghe bên trong, hộp của Gemini II có màu đỏ tươi pha cam nhìn rất nổi bật.
Bộ phụ kiện của tai nghe không quá cầu kỳ: một sợi dây sạc USB type-C và 3 bộ đệm cao su và tập hướng dẫn sử dụng. Với một cặp tai nghe cao cấp tôi muốn có thêm phụ kiện, ví dụ như đệm bọt biển chẳng hạn!
Một trong những nhược điểm rất lớn của cặp Gemini thế hệ đầu tiên được người dùng chỉ ra là sự cồng kềnh của nó. Hộp sạc lẫn tai nghe của phiên bản này đều ‘quá khổ’, gây bất tiện trong quá trình đem đi cũng như giảm đi tính công thái học khi đeo lên tai. Ở phiên bản này, tai nghe và đặc biệt là hộp sạc đã ‘giảm cân’ rõ rệt, tôi thoải mái đút túi quần, túi áo mà không bị cộm lên.
Vỏ hộp Gemini II làm từ nhựa lì kết hợp nhựa bóng mờ, với logo của hãng được in dập chìm và sẽ hiện lên khi đặt dưới nắng. Nhìn hộp sạc này thực sự là sang, nhưng tôi cũng sẽ có một chút lo lắng về việc lớp nhựa bóng này theo thời gian có thể bị xước, làm giảm tính thẩm mỹ.
Tai nghe có thời lượng sử dụng liên tục là 5 tiếng, và nâng lên 22 tiếng khi kết hợp với hộp sạc này. Đây vẫn là một thời lượng pin đủ với mục đích sử dụng hàng ngày, mỗi ngày tôi sử dụng tai nghe khoảng 4 - 5 tiếng thì sau ngày thứ 4 sẽ bắt đầu phải sạc tai nghe. Ta có thể sạc tai nghe bằng dây USB type-C hoặc qua chuẩn không dây Qi.
Và đây là cặp tai nghe của chúng ta ngày hôm nay: cặp Devialet Gemini II. Thiết kế của cặp tai nghe này giống như 2 chiếc loa Phantom cùng thương hiệu được thu nhỏ lại vậy! Tai nghe hình oval hơi bầu, với 1 đường tròn chính là mặt cảm ứng điều khiển với logo của hãng.
Điểm thiết kế khác biệt dễ nhận thấy nhất với thế hệ trước đó là Gemini II có hệ thống microphone lớn đặt dọc ở mặt ngoài, chứ không chỉ là 2 chiếc lỗ nhỏ nữa. Thiết kế của tai nghe nhìn chung khá đơn giản, nhưng có một số chi tiết tạo điểm nhấn nhỏ như 1 vòng sáng xung quanh mặt cảm ứng, phần còn lại được cắt vát và hơi lõm xuống để phản chiếu ánh sáng chiếu vào. Hiệu ứng ánh sáng này sẽ rõ hơn ở bản màu trắng hay một dòng cao cấp hơn với mặt ngoài mạ vàng là Devialet Gemini II Opéra de Paris.
Có kích thước nhỏ hơn phiên bản trước nhưng Gemini II vẫn là một cặp tai nghe hơi dày, nên khi đeo lên tai vẫn sẽ ‘lồi’ ra ngoài một chút chứ không nằm phẳng với tai.
Khi đeo Gemini II lên, ta sẽ cảm giác ‘đầy tai’ giống như những cặp tai nghe WF-1000X của Sony, khác với cảm giác đeo của Apple AirPods. Ống âm của cặp tai nghe này thuộc dạng dài, nên sẽ đi sâu vào ống tai của người nghe nên những bạn không quen sẽ cảm giác hơi ‘chật’, nhưng sau một thời gian thì sẽ quen.
Cũng vì kiểu đeo này mà Gemini II cho chất lượng chống ồn tự nhiên rất tốt, nếu đã chọn đúng loại đệm thì chỉ cần đeo lên thôi cặp tai nghe này đã khử được hiệu quả 80% âm thanh ở bên ngoài rồi chứ chưa cần phải sử dụng tới chống ồn chủ động. Và khi bật chống ồn chủ động thì gần như tất cả những âm thanh bên ngoài từ giọng nói, tiếng xe chạy, tiếng gõ phím và quạt khi ngồi ở văn phòng được triệt tiêu hiệu quả, chỉ trừ những âm thanh quá bất ngờ thì Gemini II không chặn được thôi.
Vì kiểu đeo chặt và lại có chống ồn chủ động cường độ cao nên Gemini II sẽ cho cảm giác hơi bí, ù. Hiện tượng này xảy ra rõ nhất khi đeo tai nghe trong điều kiện ồn ào và không bật nhạc, còn khi đã bật nhạc lên rồi thì tôi không còn để ý tới nữa.
Công nghệ chống ồn mà Devialet sử dụng là Adaptive Noise Cancellation, tức là đã tự động điều chỉnh cường độ theo độ ồn của môi trường, tuy vậy cường độ này ta sẽ không tự tay điều chỉnh được trong ứng dụng Gemini App mà chỉ có thể tắt đi hoặc chuyển sang chế độ nghe môi trường (Transparency).
Bên cạnh việc không tùy chỉnh được nhiều về khả năng chống ồn (điều những hãng như Bose, Sony, Samsung làm rất tốt), Gemini II cũng thiếu đi công nghệ hỗ trợ nào đó đặc biệt. Ta không có âm thanh 360 độ Spatial Audio, không có khả năng tìm kiếm tai nghe bằng chip Tile (tai nghe Skullcandy hay tích hợp tính năng này), kết nối nhanh với smartphone Android bằng Google Fast Pair hay Nhận biết cuộc hội thoại của AirPods Pro.
Những tính năng này không phải ai cũng dùng tới, tuy vậy với một cặp tai nghe có giá bán cao hơn vượt trội so với các lựa chọn khác, chắc chắn nhiều bạn sẽ cảm thấy ‘thiêu thiếu’ khi soi kỹ về mặt tính năng hỗ trợ của Gemini II.
Thứ mà mọi người vẫn chờ đón ở những cặp tai nghe đến từ một hãng chuyên về âm thanh như Devialet vẫn luôn là khả năng tái tạo âm thanh, vậy Gemini II có những gì để đáp ứng nhu cầu này? Đảm nhiệm phần tạo âm thanh cho Gemini II là một cặp màng loa 10mm được phủ titanium với mục đích là tăng độ cứng, từ đó màng loa có thể di chuyển một cách chính xác hơn, tăng độ chi tiết - điều này sẽ được đánh giá ngay sau đây.
Ngay từ lần đầu đưa cặp tai nghe này lên tai, ta đã biết ngay đây là một cặp tai nghe có thể mạnh về dải trầm, khi mà dải này có lượng đầy đặn, nhiều hơn rõ rệt so với mức trung bình. Tuy vậy, cái cách Gemini II xử lý lượng âm trầm dồi dào này tạo nên điểm khác biệt so với những cặp tai nghe cũng dành cho bass-head ở phân khúc thấp hơn.
Trong bài Here Comes The Sun của Jacob Collier và dodie, những âm trống khi chơi có độ gằn, xuống tới tần số thấp (sub-bass) chứ không chỉ có mid-bass nên không cho cảm giác dồn ứ. Những âm trống thật hoặc âm bass điện tử qua cách thể hiện của Gemini II có kết cấu (texture) rõ ràng, giúp ta nghe được các sắc thái nhỏ chứ không phải là một-cục-bass. Âm trầm của Gemini II đúng là nghe ‘đã tai’, nhưng khi ngồi nghe thật kỹ thì ta cũng thấy được đằng sau đó là tính kỹ thuật, một điểm thường thấy ở tai nghe được cân chỉnh một cách nghiêm túc.
Ưu điểm của loại màng loa phủ titanium thể hiện rõ nhất ở ranh giới giữa dải trầm và giọng ca sĩ. Âm trầm sau khi chơi ‘đã’ rồi thì sẽ ngắt đủ nhanh để không ảnh hưởng đến dải trung, chơi một cách ngang hàng chứ không đứng ở phía sau để tạo thành một bức màn (veil) che hết những thứ khác. Giọng ca sĩ qua cách thể hiện của Gemini II cũng hợp với chất âm chung khi có độ dày dặn, hơi tối nhẹ nhưng vẫn giữ được độ tự nhiên để phù hợp với nhiều thể loại nhạc khác nhau.
Trong bài Vẫn, giọng 24k.Right có sức nặng, cứng cáp kết hợp với âm trầm nhấn liên tục từ dòng nhạc Jersey club tạo nên một không khí năng động, gấp gáp. Ngược lại, Gemini II khi chơi những giọng hát nữ trong những bài hát chậm rãi như Marina trong To Be Human cũng không cho cảm giác bị 'sai', mặc dù thiếu đi sự nổi bật vì phần trung cao (high-mid) không lên quá cao nhưng vẫn luôn giữ được độ tự nhiên, dễ nghe.
Dải âm có phần ‘lùi về phía sau’ một chút là dải cao, cũng là dễ hiểu thôi khi tổng thể chất âm của Gemini II theo hướng dày, hơi tối. Ít về lượng nhưng dải cao vẫn thể hiện được tính kỹ thuật khi những tiếng hi-hat, cymbal thể hiện dày dặn, ‘tơi’ chứ không dính chùm vào nhau. Trong một bài nhạc, đây sẽ không phải là thứ nổi bật lên tất cả để chiếm được sự chú ý của người nghe, và có lẽ Devialet cũng đã chủ đích làm như vậy vì điểm tỏa sáng trong chất âm của cặp tai nghe này vẫn là dải trầm.
Có kiểu âm đậm, dày nên khả năng tái tạo âm trường sang 2 bên của Gemini II cũng gặp những hạn chế, âm thanh thường đi ra tới 2 bên tai chứ chưa ‘vượt’ ra khỏi giới hạn đó như những cặp tai nghe có kiểu âm sáng, ‘thanh’ hơn. Tuy vậy trong khu vực mà Gemini II thể hiện thì tai nghe vẫn sắp xếp được các thành phần âm thanh một cách hợp lý, có chiều sâu (từ trước ra sâu) nên không cho cảm giác mọi thứ đang phải tranh nhau vị trí thể hiện.
Kiểu âm của Gemini II không thể gây ‘Wow’ được ngay từ lần đầu nghe, vì ta sẽ chỉ có thể đánh giá đây là một “cặp tai nghe đậm âm trầm” mà thôi. Tuy vậy khi sử dụng trong thời gian dài, ta mới dần dần nhận ra rằng đây là một cặp tai nghe có kỹ thuật tốt, mọi dải âm đều thể hiện một cách có chủ đích để tạo thành một chất âm tổng thể dễ phối nhạc, dễ thích.
Đúng chất một sản phẩm từ thương hiệu âm thanh
Có lẽ trong nhiều bài viết đánh giá tai nghe khác, tôi cũng đã nhắc đến việc thị trường âm thanh đang có sự rẽ nhánh, các hãng mạnh về mặt công nghệ sẽ thể hiện điều này trên các sản phẩm của mình, còn các thương hiệu đã sản xuất sản phẩm âm thanh thì sẽ tập trung nhiều hơn vào khả năng tái tạo nhạc.
Điều này cũng được thể hiện rất rõ ở Devialet Gemini II. So với các sản phẩm khác trên thị trường như Sony WF-1000XM5, AirPods Pro 2, Samsung Galaxy Buds 2 Pro thì Gemini II vẫn sẽ chưa thể theo kịp được về mặt công nghệ hỗ trợ, đặc biệt là về khả năng điều chỉnh linh hoạt tính năng chống ồn chủ động.
Nhưng nếu chỉ đạt điểm 7 cho công nghệ, Devialet Gemini II lại ‘nhảy’ lên hẳn điểm 9, điểm 10 về mặt chất lượng âm thanh - điều tôi vẫn cho là quan trọng nhất với một cặp tai nghe. Kèm theo đó cặp tai nghe này cũng có thiết kế rất đặc trưng của Devialet, có các chi tiết nhỏ tạo nên được ‘độ sang’, khác biệt so với các sản phẩm khác trên thị trường.
Với mức giá lên tới 11.590.000 Đồng, cặp tai nghe này sẽ chỉ thực sự đáng tiền với những bạn có tài chính dư dả, không ngại chi cho các sản phẩm âm thanh với chỉ 2 tiêu chí: Nhìn sang - Nghe hay, đơn giản vậy thôi!
Sản phẩm được cung cấp bởi Devialet Việt Nam / Tam Sơn