Không còn giãn cách xã hội, không còn những bản tin COVID trên loa phát thanh, chúng ta cũng không còn tâm lý phải đứng cách xa nhau và nhiều người thậm chí còn không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Thế nhưng, có một thực tế là đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.
Giống như những bản cập nhật phần mềm mới cho hệ điều hành của bạn, virus SARS-CoV-2 vẫn đang liên tục tự "update" chính nó lên phiên bản mới. Từ Alpha, Beta, Gamma, Delta cho đến Omicron, cứ mỗi lần virus biến đổi, một làn sóng dịch mới lại xuất hiện.
Bây giờ, ngay trong chính biến thể Omicron (BA.1), các nhà khoa học cho biết virus corona đang tạo ra một "tiểu triều đại" mới. Các biến thể phụ (subvariant) của Omicron đang liên tục thay thế nhau trong trò chơi tiến hóa:
Khi BA.2 (Omicron "tàng hình") đánh bại chủng Omicron ban đầu (BA.1), khả năng lây truyền của nó đã tăng lên tới 60%. BA.3 là một chủng virus hiếm, nó cho chúng ta một khoảng lặng dễ thở hơn chút khi làn sóng dịch BA.2 thoái trào. Nhưng ảo ảnh về sự suy giảm của dịch bệnh không kéo dài lâu.
Với sự xuất hiện của BA.4 và BA.5, hai biến thể phụ này đang nổi lên như một làn sóng dịch mới tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tới 56% những người nhiễm COVID-19 tại Mỹ lúc này là từ biến thể BA.5, thêm vào đó là 17% nhiễm biến thể BA.4:
Tại Pháp, 59% các trường hợp nhiễm mới COVID-19 được xác định là biến thể BA.5. Biến thể này cũng đang thống trị bảng xếp hạng ở Anh và Đức. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết BA.5 và BA.4 đã lây lan tới hơn 60 quốc gia trên thế giới.
Và trong khi Bộ Y tế cho biết Việt Nam vẫn đang ở trong làn sóng dịch của biến thể phụ BA.2 -với biểu hiện lâm sàng nhẹ và đã được kiểm soát, những ca bệnh đầu tiên nhiễm biến thể BA.5 cũng đã được ghi nhận trong cộng đồng.
Vậy BA.5 nguy hiểm đến đâu, biến thể mới này có thể gây ra điều gì trong thời gian tới? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Nguồn gốc đặc biệt của BA.5: Biến thể thế hệ thứ ba của "tiểu triều đại" Omicron
Có thể bạn chưa biết, Omicron thường được coi như một biến thể duy nhất của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, thực chất không phải vậy. Nó là hẳn một bộ ba biến thể con (nghĩa là chúng thực chất là một nhóm virus đột biến từ cùng một virus mẹ), bao gồm:
BA.1, BA.2 và BA.3 cùng xuất hiện vào cuối tháng 11 năm 2021 tại Nam Phi. Cả ba biến thể virus này đều có sự khác nhau trên gen, đủ để chúng có 3 cái tên riêng biệt trong bảng chữ cái Hy Lạp.
Nhưng vì một số lý do, WHO đã gộp chúng vào thành một nhóm chung, cả ba đều được ấn định là biến thể phụ của Omicron. Trong số đó, BA.1 đã nhanh chóng đánh bại biến thể Delta và trở thành làn sóng lây nhiễm mạnh nhất kể từ đầu năm 2022.
BA.2 sau đó tiếp quản vị trí mà BA.1 để lại, nó được mệnh danh là Omicron "tàng hình" và gây ra làn sóng dịch tiếp theo. Đây chính là biến thể đẩy tình hình dịch bệnh tại Việt Nam lên tới đỉnh vào tháng 3 và tháng 4 và cho tới tận bây giờ, biến thể này vẫn chiếm ưu thế ở nước ta.
BA.3 thì là một biến thể hiếm, dù xuất hiện cùng BA.1 và BA.2, nó bị cả hai biến thể này áp đảo và không đóng góp đáng kể vào bất kỳ làn sóng dịch nào. Cho đến khi BA.4 và BA.5 xuất hiện vào tháng 1 và tháng 2 ở Nam Phi, cả hai biến thể này được coi là "đời cháu" hay thế thệ thứ ba của Omicron, vì chúng đều xuất phát từ nhánh BA.2.
BA.4 và BA.5 mang nhiều đột biến giống hệt với BA.2. Ngoài ra, cả hai tiếp tục có các đột biến mới khác BA.2 nhưng vẫn giống hệt nhau trên gai protein S. Do đó, chúng thường được nhắc đến cùng nhau trên các báo cáo và bảng tin.
Một số nhà khoa học thậm chí gọi chúng là BA.4/5. Mặc dù vậy, BA.5 vẫn có một số đột biến khác biệt với BA.4 nằm trên phần thân virus, không thuộc gai S. Gai protein S là thứ mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để bám vào tế bào và lây nhiễm. Nếu đột biến xảy ra ở protein gai, virus sẽ dễ dàng xâm nhập tế bào cơ thể hơn.
Ngoài ra, những đột biến này cũng cho phép virus lẩn tránh hệ miễn dịch. Và bởi các vắc-xin của chúng ta đang được phát triển dựa trên protein gai S của virus, các đột biến của khu vực này cũng có thể làm giảm hiệu lực của vắc-xin.
Hiệu năng lây lan của BA.5: Gấp đôi Omicron, gấp 6 chủng SARS-CoV-2 ban đầu, tương đương bệnh sởi
BA.5 cùng với BA.4 hiện được cho là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng các ca nhiễm mới COVID-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt lúc này là tại Hoa Kỳ và Châu Âu.
"Tình hình đang đi theo chiều hướng xấu", Jason Salemi, phó giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng, Đại học Nam Florida, cho biết. "Rõ ràng là Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số ca bệnh và nhập viện ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ".
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hiện cứ 3 người Mỹ thì có một người sống trong khu vực có nguy cơ mắc COVID-19 từ trung bình trở lên. Và cứ 5 người thì có một người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Phó giáo sư Salemi cho biết đó là tỷ lệ cao nhất mà nước Mỹ phải đối mặt kể từ tháng 2. Hiện có hơn 100.000 trường hợp COVID-19 mắc mới được xác nhận ở Mỹ mỗi ngày – và tỷ lệ này đã duy trì trong suốt 6 tuần qua.
Tại Châu Âu, tình hình cũng không khả quan hơn là mấy. Theo Trung tâm Khoa học Kỹ thuật Hệ thống Đại học Johns Hopkins, tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở Châu Âu đã tăng từ 33 trường hợp/100.000 dân lên 57 trường hợp/100.000 dân vào tuần trước. Đây là mức tăng 70% và là mức tăng mạnh nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu dự đoán biến thể BA.4/5 có thể sẽ thống trị khu vực này vào cuối tháng 7.
Adrian Esterman, một giáo sư Thống kê Sinh học và Dịch tễ tại Đại học South Australia cho biết sự lây lan của biến thể BA.5 có thể được đo trên hệ số R0 của nó.
R0 là số người trung bình mà một trường hợp nhiễm virus ban đầu có thể lây ra, bên trong một quần thể không có miễn dịch (từ vắc-xin hoặc từ việc đã bị nhiễm COVID-19 trước đó).
Trong so sánh:
Chủng SARS-CoV-2 ban đầu ở Vũ Hán có R0 = 3,3.
Biến thể Delta có R0 = 5,1.
Omicron (BA.1) có R0 = 9,5.
Biến thể phụ BA.2 có R0 = 13,3.
BA.4/5 có R0 = 18,6.
Điều này có nghĩa là hệ số lây nhiễm của biến thể BA.5 đã tương đương với virus sởi –chủng virus lây lan mạnh nhất trong số các virus lây nhiễm trên người, và trong suốt lịch sử.
BA.5: Biến thể nổi bật với tính năng thoát miễn dịch và tái nhiễm
Con đường thống trị của biến thể BA.5 không chỉ đến từ hệ số lây nhiễm cao của nó (chỉ số tính trên các bệnh nhân chưa có miễn dịch), mà nó còn đến từ khả năng thoát miễn dịch của biến thể này, để gây tái nhiễm cho những người đã nhiễm các biến thể trước của COVID-19, và cả những người có miễn dịch từ việc tiêm phòng.
Tái nhiễm được định nghĩa là một đợt nhiễm COVID-19 mới sau ít nhất 12 tuần (3 tháng) kể từ lần cuối cùng bạn nhiễm bệnh. Khoảng thời gian này được quy định vì nhiều người bị nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục thải ra các hạt virus sau nhiều tuần dù đã hồi phục.
Trevor Bedford, một nhà virus học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho biết sự lây lan nhanh của một biến thể không chỉ bởi nó tìm thấy một vật chủ mới nhanh hơn, mà còn đến từ việc nó có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ của vật chủ cũ tốt hơn.
Đặc tính đó – được gọi là khả năng trốn tránh miễn dịch, hay thoát miễn dịch – chính là thứ đã giúp biến thể Omicron đầu tiên (BA.1) vượt mặt biến thể Delta và chiếm ưu thế vào mùa đông năm ngoái. Bây giờ, chính khả năng này cũng đang giải thích tại sao số ca nhiễm BA.5 lại đang tăng lên.
Khi mọi người được tiêm phòng hoặc bị nhiễm bệnh, họ phát triển các kháng thể có thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 bằng cách bám vào các protein gai S của nó — một lần nữa, đây là các protein trên bề mặt virus sử dụng để nhận ra và lây nhiễm các tế bào của chúng ta.
Nhưng các đột biến mới của virus trong gai này đã làm giảm khả năng hoạt động của kháng thể. Các nghiên cứu gần đây cho thấy kháng thể thu được từ những người đã tiêm đủ cả 3 mũi vắc-xin COVID-19 hoặc những bệnh nhân đã bị lây nhiễm đột phá với các biến thể virus trước đó có hiệu lực trung hòa BA.4/5 thấp chỉ bằng 1/3-1/4 lần so với biến thể BA.1 hoặc BA.2.
Điều này có nghĩa là tấm lá chắn của chúng ta với COVID-19 đang mỏng hơn bao giờ hết. Một số người mắc bệnh gần đây cũng có thể bị tái nhiễm. Anne Hahn, nhà virus học và miễn dịch học tại Đại học Yale, cho biết: "Tôi nghe rất nhiều người vừa bị COVID vào tháng Hai, tháng Ba hoặc tháng Tư nói rằng họ vừa lại bị lại".
Trước khi BA.4 và BA.5 trở thành biến thể thống trị ở Nam Phi vào tháng 4, nghiên cứu cho thấy tới 98% dân số nước này đã có kháng thể chống lại COVID-19 từ tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh trước đó hoặc cả hai cộng lại.
Tuy nhiên, ngay cả với hai lớp phòng thủ bảo vệ đó, nhiều người ở Nam Phi vẫn bị nhiễm BA.4 và BA.5. "Và mọi người không nên quá ngạc nhiên nếu họ bị nhiễm bệnh", Stephen Goldstein, một nhà virus học tại Đại học Utah cho biết.
Tính đến thời điểm này, "BA.4 và BA.5 là những biến thể có khả năng phá vỡ hàng rào miễn dịch dễ dàng nhất. Chúng thực sự có khả năng gây ra nguy cơ tái nhiễm với COVID-19", giáo sư Tulio de Oliviera, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến và Đáp ứng Dịch tễ (CERI) ở Nam Phi nhấn mạnh thêm.
Khả năng gây bệnh nặng của BA.5
Sau khi biết được khả năng lây lan và tái nhiễm đột biến của BA.5, câu hỏi tiếp theo là: Liệu biến chủng virus này có độc tính cao hơn các biến thể Omicron trước đó hay không?
Trong một nghiên cứu đăng trên bioRxiv ngày 26 tháng 5, các nhà khoa học Nhật Bản đã thử nghiệm BA.5 trên những con chuột và thấy nó có thể gây bệnh nặng hơn các thế hệ Omicron trước. Nguyên nhân được quan sát thấy là vì BA.4/5 có khả năng tái tạo trong phổi hiệu quả hơn so với BA.2.
Tuy nhiên, dữ liệu thực tế từ đợt dịch BA.4/5 ở Nam Phi không cho thấy tỷ lệ nhập viện và tử vong do BA.4/5 tăng tương ứng theo số ca nhiễm:
Giáo sư Oliviera giải thích điều này là do đa số người dân ở Nam Phi đã có miễn dịch từ việc bị nhiễm bệnh trước đó, từ vắc-xin hoặc cả hai.
"Chúng tôi tin rằng sự miễn dịch lai này ở Nam Phi là yếu tố duy trì làn sóng BA.4 và BA.5 với tỷ lệ nhập viện và tử vong rất thấp", ông nói. "Bây giờ, mức độ nghiêm trọng không còn là một đặc tính của riêng biến thể, mà còn được quyết định bởi quần thể mà nó lây nhiễm".
Ví dụ ở Anh, khoảng 70% những người đang nhiễm COVID từ biến thể BA.4/5 là những người chưa từng bị nhiễm bệnh lần nào kể từ đầu dịch. Điều này cho thấy rõ ràng tái nhiễm là một vấn đề của biến thể mới, nhưng việc đã nhiễm bệnh hay đã tiêm vắc-xin vẫn là những biện pháp bảo vệ ban đầu đối với BA.4/5.
Meaghan Kall, nhà dịch tễ học tại Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết số ca nhập viện và tử vong ở Anh trong làn sóng BA.5 cũng chỉ tăng nhẹ. "Điều này cho thấy sự bảo vệ của vắc-xin chống lại bệnh nặng và tử vong trước biến thể này vẫn rất mạnh mẽ", Kall nói.
Tuy nhiên, một diễn biến khác lại đang diễn ra tại Bồ Đào Nha. Đất nước này cũng đang phải chống chịu với làn sóng BA.4/5 tăng vọt, với tỷ lệ tiêm chủng rất cao. Làn sóng nhập viện và tử vong vì biến thể mới cũng đã tăng rất cao, tới mức tương đương làn sóng Omicron đầu tiên tấn công vào nước này.
Vậy nguyên nhân đến từ đâu? Christian Althaus, một nhà dịch tễ học tính toán tại Đại học Bern, cho biết lời giải thích nằm ở bức tranh nhân khẩu học của Bồ Đào Nha. "Họ có một dân số già và càng có nhiều người già thì càng có nhiều người bị bệnh nặng", cô nói.
Ngoài sự khác biệt về nhân khẩu học, bức tranh của các quốc gia đối với COVID-19 hiện nay cũng được tạo thành từ những mảnh ghép hết sức phức tạp, từ khả năng miễn dịch, mật độ dân số, số lần mỗi người từng bị nhiễm bệnh trước đó hoặc số mũi tiêm họ đã được chủng ngừa đến loại vắc-xin nào họ đã tiêm, những biến thể nào mà họ đã gặp phải và cơ sở vật chất y tế họ có để đối phó với làn sóng dịch mới.
Một yếu tố quan trọng nữa là chính sách mở cửa của các quốc gia. Althaus cho biết so với các quốc gia Châu Á, phần còn lại của thế giới đang nới lỏng quá mức các biện pháp phòng dịch. Do đó, họ đã phải chứng kiến các làn sóng BA.4/5 sớm hơn.
Vậy điều gì có thể xảy ra và chúng ta nên làm gì?
Trong khi Goldstein cho biết ông cảm thấy "nhẹ nhõm một phần" khi BA.4/5 không phải mối đe dọa tận thế, ít nhất các loại vắc-xin vẫn đang hoạt động hiệu quả trong việc phòng ngừa các ca bệnh nặng và tử vong.
Tuy nhiên, vắc-xin không bao giờ tự mình chấm dứt được đại dịch. Nó cần được bổ sung bằng các biện pháp bảo vệ khác như đeo khẩu trang, thông gió tốt hơn, xét nghiệm nhanh và các biện pháp hỗ trợ xã hội như những ngày nghỉ phép có lương.
Đáng tiếc, các biện pháp phối hợp này đang được triển khai lẻ tẻ và không đồng bộ tại nhiều quốc gia. Nó tạo cơ hội cho BA.4/5 lẻn qua hàng rào phòng thủ và dẫn tới làn sóng dịch bệnh gia tăng trở lại.
Hậu quả của điều đó là gì?
Trong khi làn sóng BA.4/5 có thể không làm gia tăng tỷ lệ tử vong tương đối, nó vẫn có thể làm gia tăng số lượng ca nhập viện, và số lượng bệnh nhân không qua khỏi tính trên con số tuyệt đối.
Thực tế là BA.4/5 đang làm tăng cả số ca nhiễm mới và số ca tái nhiễm. Bằng cách đó, biến thể này tiếp tục làm tăng gánh nặng mà đại dịch đặt lên hệ thống y tế và toàn thể xã hội.
"Nó có thể không đưa chúng ta trở lại thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, nhưng nó vẫn sẽ là một gánh nặng sức khỏe lớn", Bedford nói. Gánh nặng đó chủ yếu vẫn sẽ đặt lên vai những người cao tuổi, người lao động có thu nhập thấp và người bị suy giảm miễn dịch.
Toàn bộ triều đại của biến thể Omicron có thể đã phát sinh từ các bệnh nhân bị nhiễm trùng mạn tính, những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Đó là bởi ở trong cơ thể của họ, virus có thể phát triển nhanh hơn. Điều này cho thấy xã hội cần phải đặc biệt quan tâm đến những nhóm đối tượng này.
Ngoài ra, đối với những người khỏe mạnh, đặc biệt là những người đã nhiễm bệnh và được tiêm vắc-xin đầy đủ, họ có thể không lo COVID-19 có thể giết chết mình. Nhưng đừng quên, nó vẫn có thể lây lan cho những người khác, những người già, có bệnh nền trong gia đình, và những người thân xung quanh bạn.
Cái chết cũng không phải là nỗi đáng sợ duy nhất từ COVID-19. Ngay cả khi một biến thể BA.4/5 không đủ độc tính để đưa mọi người đến bệnh viện, nó vẫn có thể khiến bạn bị mắc bệnh nhẹ, hoặc với các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Đây là những nguy cơ mà vắc-xin dường như không thể bảo vệ bạn được một cách tuyệt đối.
"Tôi không lo mình sẽ chết vì COVID, nhưng cá nhân tôi rất thận trọng vì tôi lo mình sẽ bị COVID kéo dài", Bedford nói. "Và mặc dù không sống như một ẩn sĩ, tôi đang thực hiện các biện pháp giảm thiểu để cố gắng không bị bệnh".
Đối với nhiều người, các biện pháp này bao gồm tiêm một mũi tiêm tăng cường. Hoặc đơn giản hơn là tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng, giữ khoảng cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, rửa tay và khử khuẩn.
Như Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Tổ chức Y tế Thế giới, nói: "Chúng ta sẽ không thể ngăn chặn tất cả các ca lây nhiễm mới – đó không phải là mục tiêu – nhưng chúng ta cần phải giảm quy mô lây lan của dịch bệnh. Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, và chúng ta rõ ràng là đang chơi với lửa khi để chủng virus này tiếp tục lưu hành ở mức độ dữ dội như thế này".
Tham khảo: Theguardian, Theatlantic, Nature, Theconversation, Nytimes, Wjs