Anh Khoa (Quản lý Phòng khách hàng tại một ngân hàng) cho biết: ''Một ngày của mình, cũng như của nhiều anh chị em làm ngân hàng khác, là quay cuồng với các con số, giấy tờ, các cuộc gặp với khách hàng. Rồi càng gần cuối năm - thời điểm mà ngân hàng rất bận, phải đối diện với rất nhiều áp lực và stress, mình gần như đánh mất hứng thú với đồ ăn, chỉ ăn qua loa thôi. Biết là hại bao tử lắm nhưng không làm sao được!".
Anh Hoàng Long làm trong lĩnh vực nhân sự, một lĩnh vực thường được xem là ít căng thẳng với deadline, nhưng anh cho biết: ''Khối lượng đầu việc và 1001 chuyện xảy ra trong công ty cần đến bàn tay nhân sự. Chưa kể, mỗi khi vô mùa tuyển dụng, thì áp lực còn cao hơn. Những lúc ấy, mình chỉ ăn nhanh chứ không quan tâm đến việc có đầy đủ dinh dưỡng hay không. Vậy nên lúc nào mình cũng cảm thấy như hụt năng lượng và hay bị bệnh lặt vặt lắm".
Khác với 2 trường hợp trên, Phương Khanh, một bạn trẻ đang làm công việc marketing lại đối mặt với một vấn đề khác: ''Marketing là một trong những ngành nghề có giờ giấc làm việc áp lực nhất hiện nay. Dân marketing gần như không có khái niệm 8 tiếng làm việc tại văn phòng. Mình thường xuyên phải di chuyển theo dự án, sự kiện, không có cuối tuần…. Làm việc xong về đến nhà là 'sập nguồn' toàn tập, nhiều khi chẳng ăn uống gì mà đi ngủ luôn".
Các bạn trẻ thường có xu hướng "tặc lưỡi bỏ qua" những vấn đề này mặc dù vẫn nhận thức được sức khỏe đang bị ảnh hưởng do thói quen ăn uống không khoa học. Và rồi đùng 1 cái, bệnh dịch xuất hiện, khiến cuộc sống như đảo lộn hết! Chưa bao giờ vấn đề sức khỏe, đề kháng lại được chúng ta quan tâm như hiện nay, vì đơn giản, đây sẽ là "tường thành" để bảo vệ chính chúng ta.
Mà chưa cần chờ đến Covid thì chắc chúng ta cũng không quá xa lạ với cảnh "cả phòng cùng hắt hơi, sổ mũi, ho cảm…", nhìn ai cũng liêu xiêu mất năng lượng mỗi khi chuyển mùa. Vậy nên hãy lưu ý tới 6 lời khuyên của chuyên gia dành cho dân văn phòng, với những đặc thù công việc rất riêng, để tăng cường sức khỏe và cả sức đề kháng:
Ăn đa dạng và chọn cách phù hợp nhất với công việc
Có 4 nhóm thực phẩm bạn cần cố gắng cân đối trong mỗi bữa ăn hàng ngày, đó là nhóm bột đường (carbohydrate) như bánh mì, ngũ cốc, khoai lang… giúp cung cấp năng lượng; nhóm giàu đạm (protein) là dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, là thành phần chủ lực để tái tạo, phục hồi, sửa chữa mô tế bào...; nhóm chất béo có vai trò cung cấp và tạo nên nguồn dự trữ năng lượng cho cơ thể, tham gia vào nhiều phản ứng sinh hóa, chuyển hóa…; và nhóm vitamin và khoáng chất giúp cơ thể hoạt động bền bỉ hơn.
Với đặc thù thường xuyên phải dùng máy vi tính nhiều và phải ngồi cả ngày, ít vận động, lý tưởng nhất là dùng thực phẩm bổ sung vitamin như A, D và các khoáng chất như canxi… Nếu quá bận bịu, bạn có thể chuẩn bị cho mình các loại sữa, nước trái cây đóng hộp để vừa nhanh nhưng vẫn đầy đủ chất.
Hãy chọn cách ăn uống sao cho phù hợp với tính chất công việc của mình nhất để tăng cường sức khỏe và đề kháng. Một số loại thực phẩm gọn nhẹ như trái cây, sữa là nguồn cung cấp vitamin và nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.
Đừng bao giờ bỏ bữa sáng
Tầm quan trọng của bữa sáng thì không cần phải bàn đến nữa. Thế nhưng thực tế là chúng ta vẫn bỏ bữa sáng, vì… bận! Một buổi sáng bận rộn nhất thì vẫn kịp để bạn dành ra 10 phút uống một hộp sữa hoặc một hũ sữa chua trộn ngũ cốc để có thêm năng lượng. Ăn sáng tại nhà trước khi đi làm, ăn trước khi mở máy tính làm việc… là một số cách để bữa sáng của bạn được "bảo vệ" an toàn trước hàng loạt email tới tấp vào đầu ngày mới.
Biến ăn vặt thành những bữa ăn phụ lành mạnh
Nghịch lý của dân văn phòng là ăn trưa rất loa loa nhưng cứ xế chiều là lại rôm rả rủ nhau order đồ ăn vặt. Và đa số là những món ăn chứa rất nhiều đường và tinh bột xấu, có khả năng làm tăng đường huyết, chưa kể lại còn rất hăng hái tặng thêm vài "ngấn mỡ" cho bạn. Những bữa ăn phụ sẽ giúp bạn có thêm năng lượng cho những ngày bận rộn, nhưng hãy ưu tiên những món ăn lành mạnh như các loại hạt và sữa làm từ hạt, sữa chua, hoa quả tươi. Những món này giúp cân bằng lượng đường trong cơ thể, ngăn ngừa cơn đói, đảm bảo đủ năng lượng và một số món còn giúp tăng đề kháng.
Cuối cùng, đừng phức tạp hóa mọi chuyện
Nếu thấy việc ăn uống lành mạnh, khoa học như một các lời khuyên trên là phức tạp thì bạn đã thất bại ngay khi chưa bắt đầu. Đừng tạo một menu ăn uống, chế độ dinh dưỡng thật "cồng kềnh" rồi bỏ cuộc. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ như nhớ uống thêm 1 ly nước ép, ăn một hộp sữa chua, ghé cửa hàng nhớ mua về vài lốc sữa để sẵn ở bàn làm việc… Không chỉ sức khỏe được cải thiện mà công việc sẽ trở hiệu quả hơn khi bạn luôn tràn đầy năng lượng cùng tinh thần tích cực.