Đằng sau mác "Ngày tận thế", siêu vũ khí Nga lộ điểm yếu bất ngờ: Những hệ lụy nguy hiểm

Vy Lam | 10-08-2020 - 11:05 AM

(Tổ Quốc) - Vấn đề chính với các siêu vũ khí của Nga nằm ở chỗ chúng đích thực là vũ khí của "ngày tận thế" - Jamestown Foundation nhận định.

Những "siêu vũ khí" của Nga

Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation (Mỹ), Nga đã nhân cuộc duyệt binh hải quân diễn ra vào ngày 26/7 năm nay tại St. Petersburg để một lần nữa quảng bá "những siêu vũ khí" của mình. Trên danh nghĩa, những vũ khí này sẽ mang lại cho quân đội Nga một "lợi thế đặc biệt" so với các đối thủ phương Tây.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, chương trình phát triển các công nghệ tiên tiến "không có đối thủ trên thế giới", bao gồm các hệ thống tấn công siêu vượt âm và phương tiện không người lái dưới nước, sẽ giúp tăng cường năng lực tác chiến hải quân của Nga.

Cuộc duyệt binh hải quân tại St. Petersburg gồm 46 tàu. Các cuộc duyệt binh nhỏ hơn được tổ chức tại 6 thành phố khác có căn cứ hải quân của Nga, cũng như tại căn cứ hải quân nước ngoài của Nga ở Tartus, Syria.

Bộ Quốc phòng Nga cũng nhân Ngày Hải quân để tuyên bố rằng siêu ngư lôi hạt nhân "Poseidon" của họ đang trong những giai đoạn phát triển cuối cùng và sẽ sớm được thử nghiệm trên tàu ngầm hạt nhân được thiết kế chuyên cho nhiệm vụ này – Belgorod (Một tàu ngầm mang tên lửa hành trình lớp Oscar II được cải tiến).

Đằng sau mác Ngày tận thế, siêu vũ khí Nga lộ điểm yếu bất ngờ: Những hệ lụy nguy hiểm - Ảnh 1.

Phần đuôi ngư lôi Poseidon được Nga công bố hồi cuối năm 2018. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Quá trình thi công tàu ngầm Belgorod bắt đầu vào năm 1992 nhưng đã bị ngưng trệ vài lần. Sau khi được tái định danh và hoàn tất năm ngoái, con tàu 30.000 tấn này đang trải qua các cuộc thử nghiệm và chờ đợi sự kết hợp với siêu ngư lôi Poseidon.

Ngoài Belgorod, còn có một chiếc tàu ngầm thứ hai có thể triển khai ngư lôi Poseidon. Đó là Khabarovsk – tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei-M được tái định danh, nó có kích cỡ nhỏ hơn so với tàu Belgorod.

Khabarovsk có thể là chiếc đầu tiên trong lớp tàu ngầm mới mang ngư lôi Poseidon của Nga, nếu hải quân Nga quyết định mở rộng hệ thống trang bị siêu ngư lôi này.

Kremlin lần đầu để lộ thông tin về Poseidon – còn được gọi là "Hệ thống đa nhiệm đại dương Status-6" (phương Tây gọi là Kanyon) vào tháng 11/2015.

Status-6 là phương tiện không người lái dưới nước kích cỡ lớn, có hình dạng giống ngư lôi và sử dụng năng lượng hạt nhân. Có vẻ đây là sản phẩm của Viện thiết kế Rubin TsKP tại St. Petersburg hoặc Viện thiết kế Trung ương Nga.

Status-6 có thể di chuyển với tốc độ lên tới 85km/h và lặn sâu tới 1km. Tầm bắn liên lục địa của nó có thể mở rộng tới 10.000km và nó có thể mang đầu đạn có sức công phá 100 megaton.

Status-6 được thiết kế để "phá hủy các vùng kinh tế quan trọng ở ven biển của đối phương và gây ra tình trạng nhiễm độc phóng xạ kéo dài trên diện rộng.

Tàu ngầm Belgorod và Khabarovsk có thể mang tới 6 ngư lôi Poseidon đủ sức hủy diệt đường bờ biển của đối phương bằng cách kích nổ gần bờ biển và tạo ra một đợt sóng thần khổng lồ chứa lượng phóng xạ lớn, phá hủy và làm nhiễm độc vùng lãnh thổ ven biển có mật độ dân cư đông đúc.

Thuyền trưởng cấp 1 của Nga Konstantin Sivkov (đã về hưu) gần đây tuyên bố rằng cuộc tấn công bằng Poseidon có thể bắt đầu dẫn đến tình trạng phá vỡ kiến tạo và phá hủy hoàn toàn tiểu lục địa Bắc Mỹ. Những khả năng đó đưa Poseidon trở thành thành phần trung tâm trong kho vũ khí chiến lược của Moscow.

Ông Sivkov cho rằng, việc chính phủ Mỹ cật lực kêu gọi Nga loại bỏ thứ vũ khí khủng khiếp này là điều dễ hiểu bởi nó được xem là dấu hiệu cho thấy "Nước Mỹ đang khiếp sợ".

Đằng sau mác Ngày tận thế, siêu vũ khí Nga lộ điểm yếu bất ngờ: Những hệ lụy nguy hiểm - Ảnh 2.

Tên lửa Zircon đã được bắn thử nghiệm từ khinh hạm tàng hình Admiral Gorshkov đề án 22350. Ảnh: Wiki

Cùng với Poseidon, Tổng thống Nga đã tán dương tên lửa siêu vượt âm Zircon – hiện đang trong những giai đoạn phát triển cuối cùng. Theo ông Putin, Zircon có thể bay với tốc độ trên Mach 9 và có tầm bắn lên tới 1.000km.

Tên lửa Zircon đã được bắn thử nghiệm từ khinh hạm tàng hình Admiral Gorshkov đề án 22350, đây cũng là con tàu tham gia cuộc duyệt binh hải quân tại St. Petersburg hôm 26/7. Tàu Gorshkov trang bị 16 ống phóng có khả năng bắn tên lửa Zircon, cũng như triển khai với số lượng lớn hơn các tên lửa hành trình chống tàu và tấn công mặt đất mang đầu đạn phi hạt nhân.

Tên lửa Zircon được phát triển từ những năm 1970 và 1980. Nó có vẻ là một loại vũ khí được thiết kế đặc biệt để tấn công các tàu sân bay Mỹ hoặc các phương tiện trên biển khác có kích cỡ lớn, giá trị cao.

Chỉ có giá trị răn đe

Theo Jamestown Foundation, bắn tên lửa siêu vượt âm vào các mục tiêu trên mặt đất là một kế hoạch "không khả thi" bởi radar của tên lửa dường như chỉ có thể phân biệt các mục tiêu có độ tương phản lớn trên biển.

Điểm yếu cố hữu của quân đội Nga là khả năng hạn chế trong việc thu thập đủ thông tin mục tiêu đáng tin cậy, do đó Zircon rõ ràng được thiết kế để thực hiện "trọn gói" tất cả nhiệm vụ: bay tới độ cao 40km trên mặt nước biển, tạm dừng bay để quét radar đường chân trời, sau đó lựa chọn mục tiêu rồi bay với tốc độ siêu vượt âm trong lúc giảm độ cao xuống còn 20km, và cuối cùng bổ nhào xuống mục tiêu

Tầm bắn ban đầu của Zircon là 500km do radar mục tiêu của tên lửa không thể quét xa hơn. Nga kỳ vọng có thể mở rộng tầm bắn của Zircon lên 1.000km nhưng thật ra điều này không có nhiều ý nghĩa.

Trong lúc bay ở tốc độ Mach 9, Zircon sẽ bị "mù" một lúc khi radar mục tiêu không thể hoạt động. Tuy nhiên, tốc độ cao này được kỳ vọng sẽ cho phép tên lửa chạm tới mục tiêu trước khi tàu chiến của đối phương có thời gian để kịp di chuyển ra xa.

Zircon "miễn nhiễm" với các phương thức tác chiến điện tử hiện nay nhưng cơ hội để nó có thể đánh trúng trực diện một chiếc tàu chiến đang di chuyển dường như khá xa vời. Đó là bởi con tàu có thể đã di chuyển được 1-2 dặm trong lúc tên lửa siêu vượt âm của Nga đang bay trong trạng thái "mù" tới điểm mục tiêu ban đầu.

Tầm bắn được mở rộng của Zircon chỉ có ý nghĩa khi nó đóng vai trò như một vũ khí hạt nhân mang đầu đạn có sức công phá trên 200 kiloton, bởi một vụ nổ hạt nhân lớn dưới nước sẽ vô hiệu hóa tàu chiến của đối phương bằng các đợt sóng xung kích, dù con tàu đó nằm cách điểm tấn công 1-2 dặm.

Hải quân Nga đã không tiếp nhận chiếc tàu khu trục mới nào trong 30 năm qua và hiện họ đang gặp khó khăn trong việc chế tạo các khinh hạm như Gorshkov vì Ukraine đã quyết định ngừng cung cấp động cơ tàu cho Nga sau năm 2014.

Các đô đốc Nga đã tìm ra cách giải quyết bằng cách chế tạo thật nhiều các tàu hộ tống và tàu tên lửa cỡ nhỏ với lượng giãn nước 1.000-2.000 tấn, trang bị tới 8 ống phóng có thể bắn tên lửa chống tàu và tên lửa hành trình.

Tàu chiến cỡ nhỏ như vậy chắc chắn có thể phá hủy một thành phố/căn cứ của đối phương hoặc vô hiệu hóa một nhóm tác chiến tàu sân bay nếu nó mang theo vài tên lửa hành trình trang bị đầu đạn hạt nhân.

Thế nhưng, tương tự như thời Xô Viết, hạm đội với các tàu chiến và tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân chỉ có lợi khi nổ ra chiến tranh hạt nhân, trong khi đó, khả năng tác chiến quy ước của chúng ở các cuộc chiến tranh khu vực lại trở nên hạn chế.

Vấn đề chính với các siêu vũ khí của Nga nằm ở chỗ chúng đích thực là vũ khí của "ngày tận thế", và chỉ có giá trị răn đe. Kremlin đang liên tục chơi "trò chơi" răn đe bằng cách hù dọa phương Tây. Song Jamestown Foundation cho rằng, tình huống này có hai phân nhánh nguy hiểm.

Thứ nhất, ngưỡng hạt nhân đang trở nên thấp hơn, tức là trong bất cứ cuộc giao tranh nghiêm trọng nào, hải quân Nga hoặc phải sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc sẽ có nguy cơ bị tiêu diệt.

Thứ hai, giới lãnh đạo Nga tin rằng họ đã vượt mặt phương Tây nhờ các loại siêu vũ khí này, do đó, ngưỡng (lằn răn đỏ được đặt ra) để triển khai lực lượng quân sự của Nga trong các tình huống xung đột cũng có thể cũng sẽ thấp xuống.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM