Du học luôn được coi là cánh cổng mở ra những cơ hội và tương lai mới đáng mơ ước của biết bao thế hệ học sinh. Và thực tế, chỉ cần search từ khóa “cuộc sống của du học sinh”, bạn sẽ thấy hàng ngàn video cho thấy sự lột xác trước và sau của nhiều người trẻ.
Thế nhưng không phải lúc nào du học nào cũng chỉ toàn phút giây hào nhoáng và đầy “màu hồng”. Bởi đằng sau những bảng điểm đáng mơ ước, thành tựu nơi đất khách quê người còn là thời khắc họ gặp áp lực tài chính, căng thẳng vì chuyện học tập hay chỉ đơn giản là cô đơn mà không có ai cạnh bên cùng chia sẻ.
Và nếu đang gặp khó khăn trong quá trình du học, câu chuyện của Emily (SN 2000, tên thật là Lê Uyên) - một du học sinh nước Úc có thể truyền cho bạn rất nhiều cảm hứng.
Thời cấp ba, Emily lần đầu bước chân vào môi trường học tập mới ở nước ngoài theo định hướng từ ba mẹ. Bấy giờ, đang sống trong vòng tay của gia đình, mục tiêu duy nhất của cô là tập trung hoàn thành việc học. Thế nhưng khi vừa mới trở thành tân sinh viên, gia đình đột ngột phá sản khiến Emily phải tự xoay xở để gồng gánh chi phí du học lớn.
“Mình từng té xỉu một mình, đến khi tỉnh lại thì tự mò vào giường thôi chứ không có ai chăm sóc. Dù khó khăn nhưng mình biết việc học là con đường duy nhất giúp bản thân thoát khỏi cảnh này”, Emily mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi về hành trình du học đáng nhớ.
Hành trình du học Úc của Emily. (Nguồn: @emipnlu)
Áp lực tự gánh chi phí du học Úc do gia đình phá sản
Emily bắt đầu sang Úc từ tháng 7/2016. Bấy giờ, cô nàng vừa hoàn thành chương trình lớp 10 chuyên Anh của trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận). Sau khi qua Úc, Emily học tiếng Anh trong 5 tháng và làm bài kiểm tra đầu vào rồi được lên thẳng lớp 11 của trường (không cần học lại lớp 10).
Emily nhớ lại: “Khi đó, chuyện du học của mình là do ba mẹ hoàn toàn quyết định. Kiểu như ba mẹ đặt đâu con ngồi đó. Từ nhỏ mình chỉ hoàn thành tốt việc được giao chứ cũng không nghĩ nhiều về du học. Lúc học cấp 3, ba mẹ lo hết tiền ăn và tiền ở, mình còn ở với họ hàng nên ưu tiên duy nhất chỉ dành cho chuyện học tập”.
Do không phải lo cơm áo gạo tiền nên thành tích cấp 3 của nữ sinh rất tốt. Điểm thi đại học của Emily là 95,10 - đứng thứ 2 trong trường và nằm trong top 5% toàn bang Victoria.
Nhờ thành tích này, cô nàng có thể học hầu hết các ngành ở những trường đại học trên toàn nước Úc. Thậm chí, Emily còn có thể đăng ký xét tuyển học bổng của hệ cử nhân vì mức điểm apply là 90 - 93. Thế nhưng do không có nhiều hiểu biết, nữ sinh đã không đăng ký học bổng và đây cũng là điều hối tiếc với Emily trong suốt quãng thời gian học đại học sau này.
Khi chọn trường, Emily quyết định học Cử nhân Y tá điều dưỡng với thời gian học 3 năm. Lý do là vì Emily cho rằng đây là một trong những ngành nghề giúp dễ định cư bên Úc nhất.
Hành trình du học tưởng chừng cứ thế bình lặng trôi qua. Nhưng rồi đến năm 2018, gia đình Emily bất ngờ gặp biến cố, dẫn đến phá sản. Không thể tiếp tục chu cấp tiền ăn ở cho con gái, ba mẹ Emily thậm chí còn phải vay mượn tiền đóng học phí để cô nàng an tâm học hành.
Gia đình Emily phá sản khi cô đang là sinh viên năm nhất
Sau biến cố này, từ cô du học sinh “vô lo vô nghĩ”, Emily bắt đầu phải đi làm để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt ở nước Úc, đồng thời có khoản tiết kiệm để phòng ngừa bất trắc. Được biết, trong năm cuối của chương trình cử nhân, Emily đã cố gắng trả lại phụ huynh 10.000 AUD tiền học phí (~155 triệu đồng) - một khoản không quá lớn nhưng cô nàng vẫn thấy vui vì có thể đỡ đần được cha mẹ phần nào.
3 năm học Y tá điều dưỡng ấy là quãng thời gian tồi tệ nhất với nữ sinh. Đó là những ngày đầu tắt mặt tối đi làm và đi học, luôn áp lực về gánh nặng tài chính, chỉ ngủ 2-3 tiếng mỗi đêm. Trong chương trình học của Emily còn yêu cầu 800 giờ thực tập không lương nên khó khăn tiền bạc càng đến dồn dập.
“Để xoay xở gánh nặng tài chính, cứ có thời gian rảnh là mình lại đi làm, đăng ký liên tục lịch làm việc bất kể ca sáng hay ca đêm. Có nhiều lúc làm ca đêm kéo dài đến 6h sáng, mình chỉ ngủ được 2 tiếng sau đó lại đi thẳng lên trường. Cuộc sống du học rất vất vả và cô đơn, nhưng mình ít chia sẻ với gia đình vì sợ ba mẹ xót con”, Emily hồi tưởng.
Bấy giờ, Emily đang làm hai công việc là chăm sóc trẻ tự kỷ và phụ tá ở bệnh viện. Đôi khi, nữ sinh bị bệnh nhân đánh nhưng chẳng dám tâm sự với ai. Quãng thời gian đó dường như vắt kiệt sức lực của Emily và ảnh hưởng đến kết quả học tập trên trường. Thậm chí cho đến bây giờ, sức khỏe của cô nàng đi xuống khá nhiều khi thường xuyên bị đau lưng, mệt mỏi, hay bị xỉu và đau bao tử do không ăn uống đầy đủ.
“Điểm tốt nghiệp của mình không cao, chỉ đạt GPA là 5.2/7.0. Nhưng mình rất tự hào về bản thân mỗi khi nhớ về khoảng thời gian ám ảnh đó và không hiểu tại sao bản thân có thể vượt qua được”, Emily bày tỏ.
Công việc của một điều dưỡng gây mê hồi sức
Theo Emily, khi muốn du học ngành Y tá điều dưỡng, bạn cần nắm vững môn tiếng Anh, Sinh học và có khả năng giao tiếp tốt.
Trong đó, chương trình học năm nhất khá đơn giản khi bạn học về kiến thức và các kỹ năng cơ bản của ngành như vital signs (nhịp tim, huyết áp, nhịp thở…). Đến năm hai, kiến thức chuyên ngành rất nặng và dồn dập khi học về các loại bệnh và nhiều kỹ năng hơn như lấy máu, thay băng vết thương…
Đến năm ba, sinh viên sẽ đỡ vất vả hơn khi chủ yếu ôn lại kiến thức năm 2 và học kỹ năng Critical thinking (suy nghĩ logic) bằng những case study (đưa ra trường hợp để giải quyết vấn đề). Năm cuối cũng là thời gian chuẩn bị phỏng vấn graduate year (năm tốt nghiệp) cho công việc đầu tiên sau khi ra trường.
Ngoại hình xinh xắn của Emily
Với sự cố gắng của mình, khi vừa tốt nghiệp thì Emily đã trở thành điều dưỡng gây mê hồi sức tại một bệnh viện ở thành phố Melbourne. Ngoài ra, cô nàng cũng nhận công việc bán hàng ở chuỗi bán lẻ lớn của Úc, đồng thời là TikToker có nhiều lượt theo dõi.
Riêng về công việc điều dưỡng gây mê hồi sức, một ngày của Emily bắt đầu khi bác sĩ đẩy bệnh nhân vào phòng hậu phẫu. Sau đó, điều dưỡng sẽ nhận thông tin và kiểm tra để chắc chắn bệnh nhân không có vấn đề gì về đường thở, có nhịp thở ổn định. Tiếp đến, điều dưỡng theo dõi bệnh nhân sát sao, đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu, kiểm tra vết thương….
Khi bệnh nhân tỉnh dậy, điều dưỡng sẽ giải quyết những vấn đề khác như ói mửa, đau… đồng thời lấy thuốc theo yêu cầu của bác sĩ. Sau khi mọi thứ hoàn tất và bệnh nhân ổn định sức khoẻ, Emily sẽ gọi y tá ở phòng chăm sóc xuống đưa họ lên.
“Công việc không quá vất vả tay chân như những khu vực khác, song cái khó là mình không lường trước được việc gì sẽ xảy ra. Có khá nhiều tình trạng cấp cứu vì bệnh nhân hôn mê nên có thể bị tuột oxy trong máu do co thắt khí quản, phế quản, bị sốc phản vệ và yêu cầu điều dưỡng phải bình tĩnh, phản ứng nhanh. Bên cạnh đó khi bệnh nhân tỉnh dậy, nhiều người có xu hướng hành động bạo lực do mê sảng”, Emily kể.
Có thời điểm Emily bị bệnh nhân đánh như cô nàng không dám tâm sự cùng ai
Với nhiều người trẻ, đi du học đồng nghĩa phải chấp nhận sự cô đơn, đánh mất đi những mối quan hệ đã từng rất thân thiết. Emily cũng là một trong số đó.
Theo đó khi còn học chương trình cử nhân, Emily không dư dả tài chính để có thể đi chơi thường xuyên như bạn bè đồng trang lứa. Song với nữ sinh, quãng thời gian du học này đã thực sự giúp cô trưởng thành và trân trọng cuộc sống của mình hơn. Chỉ cần theo dõi trang cá nhân của 10x, bạn sẽ thấy rất nhiều tips hay ho để có cuộc sống healthy và balance.
Đối với các bạn trẻ muốn du học Úc, Emily chia sẻ lời khuyên: “Du học quốc gia này rất đắt đỏ, nhất là các bạn phải tự túc lo tiền sinh hoạt và phụ tiền học như mình. Do đó, các bạn hãy xem xét trước khả năng của bản thân có phù hợp với nghề hay không, nhất là ngành Y tá.
Nếu đã quyết định du học thì việc quan trọng nhất phải là việc học. Đừng tham đi làm nhiều mà bỏ bê việc học, đến lúc bị trượt môn thì vừa tốn tiền lại phải trả giá bằng sức khỏe. Đồng thời, các bạn nên chọn bạn mà chơi, đừng chơi với những người xấu chỉ khiến mất thời gian và tốn thêm tiền bạc”.
Hiện tại bên cạnh công việc ổn định, Emily còn vừa nhận được thường trú nhân tại Úc. Cô nàng cũng đã tậu căn nhà rộng 112m2 với giá tiền 600.000 AUD (~ 9,2 tỷ đồng) bao gồm 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm và 3 nhà vệ sinh. Do không quá dư dả tài chính nên cô chọn vay nợ ngân hàng, đồng thời mượn thêm tiền từ người thân để mua nhà.
Có lẽ với nhiều người trẻ, mua nhà được coi là một thành tựu to lớn. Song Emily thích gọi đó là sự may mắn hơn, bởi vì nếu không có giúp đỡ của gia đình và người yêu thì bây giờ, nữ sinh vẫn chưa có căn nhà của riêng mình. Cô gái trẻ cũng xác định, hiện tại bản thân chỉ đang mua nhà trả góp, và sau đó 10 - 15 năm, căn nhà mới hoàn toàn là của mình.
Trong tương lai gần hơn, Emily đã quyết định học Thạc sĩ chuyên ngành Gây mê hồi sức để có thêm nhiều kiến thức phục vụ cho công việc.
Ảnh: Nhân vật cung cấp