Truyền thông Iran hôm Chủ Nhật (6/12) dẫn thông tin từ các quan chức quân sự nước này cho biết, vụ ám sát ông Mohsen Fakhrizadeh - nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran đã được thực hiện từ xa với sự trợ giúp của các tín hiệu vệ tinh, trí thông minh nhân tạo và công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Chuyên gia Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học được cho là người chủ trì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đã bị bắn chết khi đang di chuyển bằng xe ô tô về phía Đông Thủ đô Tehran vào chiều ngày 27/11.
Sau khi sự việc xảy ra, đã xuất hiện nhiều thông tin trái ngược nhau về cách thức cuộc tấn công diễn ra nhưng hầu hết các nguồn tin của Iran đều khẳng định đó là một vụ ám sát đặc biệt tinh vi.
Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm ông Fakhrizadeh cuối tuần qua, Chuẩn tướng Ramezan Sharif, phát ngôn viên của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) nói rằng, để thực hiện cuộc tấn công này những kẻ ám sát đã triển khai một “công cụ điện tử tiên tiến” được dẫn đường “bằng thiết bị vệ tinh”.
Ông Mohsen Fakhrizadeh - nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran. Ảnh: Sputnik
Trong khi đó, theo Câu lạc bộ các Nhà báo Trẻ (YJC) - cơ quan được nhà nước Iran hậu thuẫn, thì vụ ám sát được thực hiện với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Thông tin này được YJC trích dẫn từ phát biểu của tướng Sardar Ali Fadavi, Phó Tư lệnh IRGC.
Ông Fadavi nói rằng, khi sự việc diễn ra đã không có kẻ tấn công nào có mặt tại hiện trường và một khẩu súng máy được điều khiển qua vệ tinh đã nhận ra khuôn mặt của nhà khoa học Fakhrizadeh rồi sau đó khai hỏa tấn công ông.
“Chúng tôi đã kiểm tra và phát hiện ra rằng, khi đó khẩu súng máy đang được một vệ tinh điều khiển từ xa và không có kẻ khủng bố nào có mặt tại hiện trường", YJC dẫn lời ông Fadavi cho biết.
Hiện trường vụ ám sát chuyên gia hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: Sputnik
Tuy nhiên, một số chuyên gia tình báo và an ninh vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng vụ ám sát được thực hiện từ xa.
Theo 3 chuyên gia được kênh truyền hình CNN trích dẫn thì mặc dù phương pháp này rõ ràng có những ưu điểm nhất định như nó cũng bộc lộ nhiều yếu tố rủi ro hơn, nhất là với một chiến dịch mà sai sót gần như không được phép xảy ra.
Trên thực tế, công nghệ tấn công mục tiêu từ một phương tiện điều khiển từ xa là có nhưng để thực hiện được việc này, bên tấn công chắc chắn phải triển khai được từ trước các thiết bị hỗ trợ thiết yếu như hệ thống chuyển tiếp thông tin, máy thu tín hiệu vệ tinh và loại vũ khí có thể vận hành từ xa.
Đây là một tiến trình cực kỳ phức tạp và cần tới sự phối hợp nhịp nhàng nhưng lại phải giữ bí mật cao độ. Vì vậy, bất cứ một trục trặc nào xảy ra, chẳng hạn như súng máy bị chế áp hay không thu được tín hiệu vệ tinh cũng có thể làm hỏng toàn bộ kế hoạch ám sát. Nguy hiểm hơn, nếu thất bại các lực lượng an ninh Iran sẽ thu giữ được các công nghệ đã triển khai.
Mặc dù không đưa ra được bằng chứng nhưng các quan chức hàng đầu Iran đã đổ lỗi cho Israel về vụ ám sát. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Seyyed Ali Khamenei cùng nhiều quan chức cấp cao khác tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh.
Về phần mình, Chính phủ Israel cho tới nay vẫn chưa lên tiếng thừa nhận hay phủ nhận về những cáo buộc này.