Một nỗi sợ mà hầu hết dân công sở nào cũng trải qua đó chính là “ám ảnh” mang tên Thứ 2. Các cuộc họp, báo cáo, kế hoạch,... một núi công việc luôn chờ được giải quyết vào mỗi ngày đầu tuần khiến dân công sở cảm thấy căng thẳng, mất năng lượng. Do vậy, họ chỉ mong một tuần trôi qua nhanh chóng để được nghỉ ngơi, thư giãn và dành thời gian cho bản thân vào ngày Thứ 7, Chủ nhật.
Vào ngày cuối tuần, nhiều người chọn ngủ bù để lấy lại sức khỏe sau chuỗi ngày thức khuya dậy sớm. Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi, giải trí cũng được dân công sở yêu thích. Đặc biệt hơn, nhiều người lựa chọn đi đến các triển lãm tranh để tìm sự lắng đọng, yên tĩnh, tự “chữa lành” sau những ngày chạy deadline.
Chờ mãi mới đến cuối tuần, bật chế độ “im lặng” với công việc
Là một lập trình viên, Công Ngân rất mong chờ đến ngày cuối tuần để được nghỉ ngơi, gác lại toàn bộ công việc. “Một tuần đi làm đã khá mệt mỏi nên đối với mình, khoảng thời gian cuối tuần là rất cần thiết. Bởi chưa kể có những lúc khối lượng công việc nhiều, mình phải làm thêm cả Thứ 7, Chủ Nhật mới xong. Nên khi nào được nghỉ, mình sẽ tranh thủ làm những điều mình yêu thích như đi cà phê, gặp gỡ bạn bè,...”, Công Ngân chia sẻ.
Đối với Công Ngân, thời gian làm việc và ngày nghỉ cần phân định rõ ràng. Nếu một khi đã vào ngày nghỉ, tức là hoàn toàn không công việc. Cô thường không có thói quen xử lý việc vào ngày cuối tuần, trừ khi đó là việc cấp bách phải thực hiện luôn. Dẫu vậy, Công Ngân cũng cho rằng để có ngày cuối tuần thảnh thơi tốt nhất nên hoàn thiện dứt điểm công việc trong tuần, như vậy sẽ không bị làm phiền mà có thể “im lặng” trước những tin nhắn.
Chung tâm trạng này, Trần Minh Hằng hiện đang làm tổ chức sự kiện cho hay, cuối tuần là dịp để “xả hơi”, thoát khỏi hết những bộn bề công việc. Thông thường vào những ngày này, Minh Hằng sẽ tạo ra danh sách các việc cần làm cho bản thân.
“Có lẽ cũng giống nhiều người, 2 ngày cuối tuần mình thường chuẩn bị các kế hoạch đi chơi, dạo phố và giải trí nói chung. Làm gì cũng được nhưng mình không dành công việc cho ngày nghỉ. Cứ đến cuối tuần, mình có thói quen sẽ tắt bớt các thông báo trong những nhóm làm việc để có thể thư giãn hoàn toàn mà không bị phân tâm.
Tuy nhiên đôi lúc vẫn không tránh khỏi các tin nhắn công việc cho những ngày này. Mỗi khi như vậy mình sẽ thường kiểm tra xem đó có phải việc gấp cần giải quyết luôn hay không. Nếu không, mình chỉ nhận thông tin và hẹn sẽ thực hiện vào đầu tuần. Nói chung mình sẽ hạn chế công việc hết sức có thể vào những ngày nghỉ. Đó cũng là cách mình tạo sự cân bằng trong cuộc sống, hứng thú làm việc hơn vào đầu tuần”, Minh Hằng nói.
Thay vì ngủ bù, dân công sở tìm đến triển lãm tranh để “chữa lành”
Khác với những bạn sinh viên, cuối tuần dành thời gian để “ngủ nướng” thì dân công sở lại có những lựa chọn thú vị hơn cho ngày nghỉ của mình. Thậm chí, vẫn thức giấc đúng giờ đi làm thường ngày để cảm thấy được tận hưởng ngày cuối tuần nhiều nhất có thể.
Minh Hằng chia sẻ: “Mình cũng có ngủ bù nhưng thường sẽ là đi ngủ sớm hơn vào tối Thứ 6 chẳng hạn. Còn cuối tuần một phần vì đã quen giấc, quen với guồng quay công việc, phần còn lại là bởi mình không muốn lãng phí ngày nghỉ chỉ để ngủ nên vẫn dậy đúng giờ đi làm. Ngoài ra mình nghĩ, có lẽ do mình đã bước qua tuổi đầu 2 nên cảm thấy không còn hứng thú với ngủ “nướng” mà thay vào đó muốn dành thời gian hơn cho gia đình, bản thân”.
Bên cạnh việc đi cafe, dạo phố, Minh Hằng thường tìm những buổi triển lãm tranh để đến thưởng thức. Đối với Minh Hằng, việc đi xem triển lãm là cách tốt nhất để tâm hồn lắng đọng, không bị làm phiền bởi những bộn bề bên ngoài: “Điều đầu tiên khi đi xem triển lãm, mình sẽ để điện thoại ở chế độ yên lặng. Mình thích đi triển lãm bởi khi tập trung vào các tác phẩm, mình thấy lúc đó bản thân buông bỏ được hết những gì mang tên công việc”.
Đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông, Hằng Nga cho biết công việc của cô không thể tách biệt được hoàn toàn giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vào ngày nghỉ, cô vẫn cố gắng dành vài tiếng đồng hồ tới triển lãm tranh để tạm “thoát” khỏi deadline.
Hằng Nga nói: “Dù bận đến mấy nhưng khi đã bước vào triển lãm tranh, mình hoàn toàn để công việc sang một bên. Mình cảm nhận đây như một thế giới khác, bình yên và tĩnh lặng hơn. Mình không phải một người quá am hiểu về tranh nhưng lại thích đi triển lãm bởi thích cảm giác tâm hồn mình được lắng đọng lại. Lúc đó, đầu óc mình hoàn toàn thư giãn, không có chỗ cho công việc, deadline hay những bộn bề cuộc sống mà chỉ thả hồn vào các tác phẩm, lắng nghe bản thân mình nhiều hơn.
Hơn nữa, ở triển lãm dù có đông đúc nhưng lại không hề xô bồ. Mọi người đều chọn một góc riêng để cảm nhận tranh, tôn trọng không gian riêng của nhau và không có bất cứ sự phán xét, tiếng ồn nào. Mình hay nói đùa, ranh giới giữa phòng triển lãm tranh và bên ngoài như hai thế giới đối lập. Nếu chưa từng đến triển lãm tranh, mình nghĩ mọi người nên thử. Đặc biệt là những ai có một tuần làm việc bận rộn, mệt mỏi, đến đây hẳn sẽ cảm thấy “chữa lành” lắm”.
Còn đối với Hoàng Lan, cô bạn đang làm công việc trợ lý dự án cho biết: “Cuối tuần nào mình cũng tìm triển lãm hoặc hội chợ để ghé. Bản thân mình thấy hoạt động này như một cách “chữa lành” cho chính mình sau cả một tuần dài làm việc căng thẳng, áp lực. Hơn nữa, mình thích đi xem triển lãm là bởi muốn chiêm ngưỡng, thưởng thức thành quả làm việc của những người nghệ sĩ. Họ có thể không phải dân văn phòng nhưng họ cũng giống như mình thôi, nỗ lực làm việc và mong muốn được công nhận”.
Mỗi người lựa chọn thưởng thức, ghi lại khoảnh khắc theo một cách riêng