Thứ 7, chủ nhật hẳn là khoảng thời gian đáng mong đợi nhất của dân văn phòng, được nghỉ ngơi sau 1 tuần làm việc. Một số người sẽ lựa chọn ra đường, gặp gỡ hàn huyên với bạn bè. Một vài người quyết định về quê thăm bố mẹ. Và cũng có một bộ phận dân văn phòng chỉ dành toàn bộ thời gian ở nhà, nạp lại năng lượng.
Quan điểm phổ biến là đã đi chơi ắt hẳn sẽ tiêu nhiều tiền hơn, thậm chí có cảm giác như đi làm 1 tuần chỉ để kiếm tiền "tự thưởng" vào cuối tuần, và ở nhà sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều. Song, sự thật có phải là như vậy?
"Đối với mình, ở nhà thật sự tiết kiệm hơn"
Ly Nguyễn (24 tuổi) trung bình một tháng sẽ dành phân nửa thời gian cuối tuần ở nhà, có thời điểm nguyên tháng không đi ra ngoài vào thứ 7 hay chủ nhật nào. "Không phải mình ngại những cuộc vui với bạn bè, mà là mình có nhiều năng lượng hơn khi ở nhà".
Trước câu hỏi ở nhà cuối tuần thường có tiết kiệm hơn không, Ly Nguyễn chia sẻ rằng với bản thân xét ở một khía cạnh, điều này đúng. Chi phí trung bình một buổi đi chơi có thể từ 200 - 500 nghìn, thậm chí cả hàng triệu đồng. Đôi lúc, việc chi tiêu sẽ hơi "quá tay" một chút, thậm chí là chi tiêu nhiều thứ không cần thiết để các cuộc vui thoải mái hơn. Đặc biệt là một khi đi ra ngoài, mọi người luôn phải trả thêm 1 loại phí vô hình là phí dịch vụ tại bất cứ đâu. "Nếu chỉ ở nhà, tự nấu ăn hay thậm chí gọi đồ về, đối với mình vẫn sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều".
Cũng giống như Ly Nguyễn, Cẩm Giang (24 tuổi) nhấn mạnh rằng "Đối với mình, ở nhà thật sự tiết kiệm hơn. Bởi lẽ, cuối tuần mình ít ra ngoài sẽ không có quá nhiều thứ phải chi tiêu như cafe, ăn uống, mua sắm.. Cuối tuần thời gian sẽ thảnh thơi hơn, mình đi chợ mua đồ về nấu ăn sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với trong tuần không có thời gian phải đặt đồ ăn ngoài. Nếu chỉ tính tiền đi chợ cho cuối tuần thì sẽ khoảng 200-300 nghìn đồng".
"Dù ở nhà hay đi chơi, mình đều tiêu rất nhiều tiền cho cuối tuần"
Cũng là một người hay ở nhà, Hà Giang (23 tuổi) chia sẻ rằng bản thân vẫn chi tiêu khá nhiều. Đối với cô bạn, sau 1 tuần làm việc vất vả, cuối tuần là khoảng thời gian thư giãn, do vậy sẽ chi tiền để "tự thưởng" bản thân.
"Mình thích gọi đồ ăn về cho 4 bữa trong 2 ngày cuối tuần. Lâu lâu, mình sẽ uống thêm trà sữa. Đó là chưa kể đến những ngày phải làm việc cả cuối tuần, mình sẽ khá áp lực nên lại chi tiêu nhiều hơn. Có những hôm 2 ngày thứ 7, chủ nhật, chỉ ở nhà mà mình tiêu 1-1,5 triệu đồng cho chuyện ăn uống".
Ngoài ra, trong những lần đi chơi cùng bạn bè vào cuối tuần, số tiền Hà Giang chi ra cũng tính ra cũng sẽ giống như khi ở nhà. Do vậy, đối với Hà Giang, dù ở nhà hay ra đường, vẫn đều có thể tiêu khá nhiều tiền vào cuối tuần.
Tại sao chúng ta có xu hướng chi tiêu nhiều hơn vào cuối tuần?
Cứ ngỡ rằng trong tuần đi làm, đã chi tiêu khá nhiều cho xăng xe, tiền cho bữa sáng trưa và bữa xế với đồng nghiệp, cuối tuần không đi làm sẽ tiết kiệm hơn. Song, thực tế là có một bộ phận dân công sở như Hà Giang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn.
Theo Cẩm Giang, điều này khá dễ hiểu bởi vì cuối tuần là khoảng thời gian đủ thảnh thơi để mọi người đi ra ngoài mua sắm hay tụ tập bạn bè, có những chuyến đi du lịch, dịp cưới hỏi hay thôi nôi cũng hay được tổ chức vào cuối tuần. Vì vậy nên, chi tiêu có phần nhiều hơn trong tuần khi đi làm.
Bên cạnh đó, Ly Nguyễn cho rằng có 2 lý do chính cho xu hướng này là thời gian và tâm lý "xả hơi, tự thưởng. Đầu tiên, thời gian làm việc chiếm đa số trong tuần, nhiều người sẽ không có thời gian tiêu tiền hoặc để tâm vào việc vui chơi.
Chúng ta mong muốn và sẵn sàng "trao thưởng" cho bản thân bằng cách chi tiêu nhiều hơn sau 1 tuần làm việc vất vả. Có hẳn một thuật ngữ gọi là 'shopping therapy" - tức là liệu pháp trị liệu bằng mua sắm - theo đó, người ta chỉ ra là việc mua sắm giúp con người cảm thấy khá hơn ngay ở thời điểm đó. Đôi khi, ta mua sắm quá đà, rồi lại lao vào làm hùng hục, để thấy áp lực và mệt mỏi rồi lại đi tiêu tiền để "xả stress". Điều này thành một vòng lặp không hồi kết.
Làm sao để bớt đi những khoản chi tiêu "tự tưởng"?
Đối với Ly Nguyễn, điều đầu tiên cần phải thiết lập đó là luôn có một hạn mức cho từng khoản và học cách quản lý chi tiêu. "Với mình thì luôn chia thu nhập làm 3 phần, trong đó sẽ tiết kiệm 40 - 50%, 20 - 30% cho những khoản mua sắm phát sinh và 30% cho những khoản chi phí sinh hoạt điều độ. Không biết một ngày nào đó ta sẽ cần đến những khoản tiền phát sinh, vậy nên không bao giờ tiêu hết những gì mình làm ra".
Bên cạnh đó, học cách lựa chọn, chỉ mua những thứ mình cần chứ không sắm những thứ mình muốn. Cuối cùng là dần dần bổ sung kiến thức về quản lý tài chính cá nhân và hướng đến tự do tài chính.
Với Cẩm Giang, cô bạn tự nhận bản thân thường bị cuốn hút bởi những chiến dịch giảm giá của các sàn thương mại điện tử. Hiện tại thì sau 1 thời gian mua sắm tự thưởng không lối thoát, cô bạn cũng đã bắt đầu học cách quản lý chi tiêu chặt chẽ hơn để có 1 khoản tiết kiệm.
"Chẳng hạn, mình chia nhỏ khoản tiền mình ra, phân loại nó thành: chi phí cố định (tiền nhà, tiền điện nước...), chi phí chi tiêu có giới hạn - mình sẽ để 1 khoản riêng trong tháng để chi tiêu vào việc mua sắm, ăn vặt văn phòng, đi chơi - và 1 khoản còn lại gửi tiết kiệm online dài hạn. Nhờ vậy mà mình vẫn có thể chi tiêu tự thưởng và vẫn có khoản tiết kiệm và ngoài ra việc quản lý chi tiêu chặt chẽ hơn giúp mình kìm hãm và giảm dần thói quen tự thưởng, chốt đơn lố tay".