Ngày 8/6/2022, Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã thông qua nghị quyết do Đức, Pháp, Anh và Mỹ dự thảo, chỉ trích Iran không cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình hạt nhân của mình. 30 thành viên của Hội đồng ủng hộ nghị quyết, Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu chống lại văn kiện này, Ấn Độ, Libya và Pakistan bỏ phiếu trắng. Đây là lần đầu tiên dự thảo nghị quyết thuộc loại này chống Tehran được đưa ra kể từ tháng 6/2020.
Báo cáo của IAEA nói gì?
Nghị quyết kêu gọi Iran hợp tác với IAEA để làm rõ dấu vết và nguồn gốc của các hạt uranium được làm giàu tại ba địa điểm chưa được khai báo là Turkuzabad, Varamin và Marivan. Điều này được nêu trong các tuyên bố của các phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ và được đưa ra trong cuộc họp thường kỳ của Hội đồng Thống đốc IAEA. Trong báo cáo của mình, phái đoàn EU "kêu gọi Iran hợp tác ngay lập tức và đầy đủ với IAEA để cho phép cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ xác minh và giám sát nhằm đưa ra những đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của Iran là hoàn toàn phục vụ các mục đích hòa bình".
Trước cuộc họp của Hội đồng thống đốc, ngày 6/6/2022, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đã đệ trình một bản báo cáo về các vi phạm của Iran đối với thỏa thuận JCPOA. Đáng lưu ý, báo cáo này được đưa ra sau chuyến thăm của ông Grossi đến Israel gặp Thủ tướng Naftali Bennett. Trang tin Ynet của Israel cho biết Iran đã có đủ uranium làm giàu để chế tạo 3 quả bom hạt nhân và ông Bennet nói, Iran sẽ phải trả giá đắt và Israel sẽ tiếp tục hành động bằng mọi cách để ngăn chặn Iran vượt qua ngưỡng hạt nhân, đồng thời kêu gọi Hội đồng Thống đốc IAEA đưa ra quyết định rõ ràng đối với Iran.
Theo báo cáo, dự trữ uranium làm giàu của Iran đã tăng gấp 18 lần giới hạn thỏa thuận hạt nhân cho phép và Iran đã không thể đưa ra câu trả lời "về mặt kỹ thuật" cho các câu hỏi của IAEA về việc phát hiện ra các dấu vết hạt nhân trong ba năm qua.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đánh giá các thành tựu hạt nhân mới của Iran ngày10/4/2021. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Iran
Báo cáo cho biết, khối lượng uranium làm giàu của Iran đã vượt quá 3.800 kg, trong khi thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015 chỉ cho phép lượng dự trữ này không được vượt quá 203 kg. Theo IAEA, Iran sở hữu hơn 238 kg uranium được làm giàu tới 20% và 43,1 kg uranium được làm giàu ở cấp độ 60%. Các chuyên gia vật lý hạt nhân cho biết, để chế tạo một quả bom nguyên tử chỉ cần 42 kg uranium được làm giàu ở mức 90% và việc nâng tỷ lệ uranium được làm giàu từ 60% lên 90% là một quá trình rất ngắn và dễ dàng.
Các nước phương Tây lo ngại Iran sở hữu 43,1 kg uranium được làm giàu tới 60%, tức là nước này đã tiến gần đến việc sản xuất một quả bom hạt nhân.
Tehran bắt đầu giảm các cam kết của mình được quy định trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015, để đáp trả việc chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này năm 2018. Tehran đã tăng tỷ lệ làm giàu từ 3,67% lên 4,5% vào ngày 7/7/2019 và sau đó lên 20% vào ngày 4/12/2020 và ngày 13/4/2022 tỷ lệ làm giàu uranium của Iran đã lên tới 60%, để đáp lại cuộc tấn công mà Tehran cho là có bàn tay của Israel vào nhà máy hạt nhân Natanz, trung tâm chương trình hạt nhân của Iran.
Phản ứng của Iran
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã chỉ trích mạnh mẽ Mỹ, Đức, Pháp và Anh đã đồng dự thảo nghị quyết chống Iran tại cuộc họp của IAEA. Ông mô tả dự thảo nghị quyết này là vội vàng, không mang tính xây dựng, trái với thông lệ ngoại giao và việc thông qua dự thảo nghị quyết này sẽ khiến quá trình đàm phán trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Ông nhấn mạnh, Tehran rất nghiêm túc trong việc đạt được một thỏa thuận tốt, lâu dài và mạnh mẽ tại các cuộc đàm phán Vienna.
Trong một cuộc điện đàm với Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borell, ông Amir Abdollahian nói: "Việc Mỹ và ba nước châu Âu tìm cách chính trị hóa các khía cạnh kỹ thuật trong công việc của IAEA chắc chắn sẽ dẫn đến một phản ứng nhất quán, hiệu quả và tức thì từ phía Cộng hòa Hồi giáo".
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami đã chỉ trích mạnh mẽ nghị quyết của IAEA và quyết định gỡ bỏ 27 camera giám sát tại một số cơ sở hạt nhân của mình, đồng thời tiến hành lắp đặt thêm nhiều máy ly tâm tiên tiến thế hệ mới IR-6 tại nhà máy hạt nhân Natanz. Đây là các bước phản ứng đầu tiên của Iran đối với nghị quyết của IAEA và Tehran tuyên bố sẽ có nhiều biện pháp đáp trả hơn nữa nếu IAEA tiếp tục gây căng thẳng với Iran.
Ông Eslami nói, chương trình hạt nhân của Iran là hòa bình và công khai, những cáo buộc chống Iran là hoàn toàn bịa đặt và không đáng tin cậy. Ông khẳng định, Tehran sẵn sàng thực hiện đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân JCPOA, với điều kiện tất cả các bên ký kết cũng phải tuân thủ nghiêm túc. Ông cho rằng, các hành động của châu Âu và Mỹ trong Hội đồng thống đốc IAEA hoàn toàn mang tính chất chính trị và diễn ra trong khuôn khổ chính sách gây sức ép tối đa đối với Iran được Israel ủng hộ.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tham dự một cuộc họp báo tại Vienna, Áo, ngày 7/3/2022. Ảnh: Reuters
Phản ứng của các nước
Nga và Iran đã lên án mạnh mẽ các hành động mà hai nước này cáo buộc là phá hoại của Mỹ và các nước châu Âu thành viên của Hội đồng, những người đã khởi xướng cuộc bỏ phiếu và ủng hộ việc thông qua nghị quyết chống Iran, mang màu sắc chính trị rõ rệt. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã nói rằng việc thông qua nghị quyết của IAEA chống Iran sẽ làm gián đoạn các cuộc đàm phán Vienna.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và Đại sứ Iran tại Moscow Kazem Jalali đã lên án việc Hội đồng Thống đốc IAEA thông qua nghị quyết chỉ trích Tehran tiết lộ không đầy đủ thông tin về chương trình hạt nhân của nước này.
Đại diện thường trực của Nga tại IAEA Mikhail Ulianov nói: "Việc thông qua một nghị quyết về Iran tại phiên họp của Hội đồng Thống đốc IAEA trong khi các cuộc đàm phán tại Vienna giửa Iran và Mỹ nhằm khôi phục lại thỏa thuận JCPOA đang bước vào giai đoạn chót là rất phản tác dụng".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận JCPOA đang ở thời điểm quan trọng, nhiệm vụ hiện nay của các bên là tạo điều kiện để đạt được kết quả trong các cuộc đàm phán, đưa JCPOA trở lại con đường đi đúng hướng. Bắc Kinh phản đối hành động của các nước gây áp lực lên Iran. Ông nói thêm, thực tế đã chứng minh rằng, việc gây áp lực không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình và Mỹ phải đáp ứng những lo ngại chính đáng của Iran.
Mỹ, Pháp, Đức và Anh ra tuyên bố chung hoan nghênh việc Hội đồng Thống đốc IAEA thông qua nghị quyết chỉ trích Iran thiếu hợp tác với IAEA. Tuyên bố kêu gọi Iran tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của mình và hợp tác đầy đủ với IAEA để làm rõ và giải quyết các vấn đề tồn tại.
Mỹ hoan nghênh nghị quyết của IAEA, đồng thời tuyên bố sẽ gia tăng sức ép với Iran để nước này từ bỏ mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân và nêu rõ, Washington ủng hộ nghị quyết là nhằm làm rõ các vấn đề còn tồn tại chứ không phải để leo thang căng thẳng với Tehran. Đại diện Mỹ tại IAEA cho biết, Hội đồng Thống đốc IAEA có trách nhiệm thực hiện các biện pháp thích hợp để buộc Iran phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện các nghĩa vụ hạt nhân của mình.
Ả Rập Saudi cũng hoan nghênh nghị quyết này. Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi kêu gọi Tehran quay trở lại ngay hợp tác với IAEA để giải quyết các vấn đề tồn đọng. Đại diện thường trực của Ả Rập Saudi tại IAEA, Hoàng tử Abdullah bin Khalid bin Sultan bin Abdulaziz Al Saud nói, Iran tiếp tục cách tiếp cận mơ hồ để đưa ra những diễn giải không đáng tin cậy, lợi dụng sự kiên nhẫn của các quốc gia thành viên để phát triển chương trình hạt nhân.
Đặc biệt, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã ca ngợi nghị quyết của Hội đồng thống đốc IAEA, đồng thời tuyên bố rằng, Iran tiếp tục che giấu chương trình hạt nhân của mình.
Tương lai các cuộc đàm phán Vienna giữa Mỹ và Iran
Nghị quyết của IAEA, cũng như phản ứng của Iran đang đặt hồ sơ hạt nhân vào vòng xoáy leo thang căng thẳng mới và làm phức tạp hơn các cuộc đàm phán Vienna, không loại trừ khả năng đổ vỡ nếu các bên quyết bám giữ quan điểm của mình.
Tuy tình hình căng thẳng, nhưng tất cả các bên đều mong muốn giải quyết bất đồng bằng các biện pháp ngoại giao. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guteress, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đều cho rằng, việc nối lại các cuộc đàm phán Vienna là hết sức cần thiết và là lựa chọn hợp lý nhất để khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân.
Trong khi các cuộc đàm phán đã đạt được thỏa thuận hơn 90%, cuộc chiến ở Ukraine tác động mạnh đến các cuộc đàm phán Vienna, do áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ Nga nên Mỹ đang rất cần dầu của Iran để bù đắp lại sự thiếu hụt dầu của Nga, Iran cũng cần được dỡ bỏ cấm vận kéo dài hàng chục năm nay để tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, các bên dù sớm hay muộn cũng sẽ trở lại bàn đàm phán để giải quyết một số bất đồng còn tồn tại nhằm khôi phục lại JCPOA.
Trở ngại chính hiện nay là Mỹ phải đáp ứng ba đòi hỏi của Tehran gồm loại bỏ các lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khỏi danh sách khủng bố, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, mở cửa hoàn toàn thị trường dầu mỏ cho Iran và cuối cùng là Mỹ phải đảm bảo bằng văn bản không rút khỏi thỏa thuận JCPOA một lần nữa. Iran lo ngại rằng, sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, chính quyền mới của Mỹ sẽ lại rút lui khỏi thỏa thuận ngay cả khi Iran quay trở lại tuân thủ mọi cam kết của mình.
Với việc suy giảm uy tín của Tổng thống J. Biden trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ngày càng có nhiều lo ngại về cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới, đảng Cộng hòa thắng thế sẽ không tạo điều kiện để ông Biden giải quyết vấn đề thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trước sức ép về thời gian, nếu các bên không đạt được thỏa thuận trước tháng 11 tới, hy vọng khôi phục lại thỏa thuận JCPOA sẽ trở nên hết sức mong manh.
Tồng giám đốc IAEA Grossi cho biết sẽ sớm quay trở lại Tehran và Iran nói sẽ đưa ra một số đề nghị mới, hy vọng các bên sẽ tìm cách thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận. Để đạt được thỏa thuận, tất cả các bên cần có một ý chí chính trị mạnh mẽ để vượt qua một số bất đồng còn lại. Không có lý do gì để "các cuộc đàm phán đã đi đến gần kết quả hơn bao giờ hết" lại trở về điểm xuất phát ban đầu.
Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.