Dại dột chọc "gấu Nga" ở Syria, Thổ hứng đòn hồi mã thương, Moscow còn nhiều quân bài tẩy?

Hoài Giang | 24-02-2020 - 06:53 AM

(Tổ Quốc) - Việc lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến ở Idlib được cho là hành động vượt "lằn ranh đỏ" của Nga. Moscow đang có trong tay rất nhiều "quân bài" có thể sử dụng nhằm trừng phạt Ankara.

Gần đây, tổ chức Middle East Institude xuất bản bài viết "Turkey faces potential Russian blowback on Syria, and tomatoes are only the beginning" (Thổ phải đối mặt với một cú phản đòn tiềm năng của Nga về vấn đề Syria và cà chua chỉ là khởi đầu) của tác giả Guul Tol.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột vẫn đang tiếp diễn tại tây bắc Syria giữa một bên là Thổ-phiến quân, bên còn lại là lực lượng chính phủ Syria và Nga, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

"Cuộc chiến cà chua" ở biên giới Nga

Các xe tải xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ chở 5.000 tấn cà chua lại tiếp tục bị mắc kẹt ở biên giới Nga. Theo bình luận của tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Daily Sabah, "hàng chục triệu USD đang chờ ngày thối rữa".

Một hàng dài các phương tiện vận chuyển này đang chờ chính quyền Nga "giải phóng" gợi nhớ đến thời điểm quan hệ căng thẳng tăng cao giữa hai nước năm 2015 sau khi F-16 của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) bắn rơi một máy bay cường kích Su-24M của Nga.

Sau vụ việc, Nga đã áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu nông sản.

Khi hai nước dần khôi phục quan hệ, Nga đã dỡ bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lệnh cấm cà chua vẫn có hiệu lực, nhắc nhở người Thổ rằng không phải tất cả đều được tha thứ và lãng quên.

Cuối cùng, Nga cũng dỡ bỏ lệnh cấm cà chua, nhưng khi căng thẳng giữa Moscow và Ankara leo thang trong vài tuần qua ở Syria, "cuộc chiến cà chua" lại một lần nữa bùng lên.

Các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ, những người xuất khẩu 80% lượng cà chua cho Nga, đang mong đợi chính phủ giải quyết rạn nứt. Nhưng có vẻ như Tổng thống Erdogan, người đã từng thể hiện mối quan hệ thân thiết với người đồng cấp Nga Putin, đang ở trong vị thế khó khăn.

Dại dột chọc gấu Nga ở Syria, Thổ hứng đòn hồi mã thương, Moscow còn nhiều quân bài tẩy? - Ảnh 1.

Đoàn xe chở cà chua của Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới Nga-Ukraine ngày 17/2/2020 (Nguồn: Daily Sabar).

Yêu cầu phi lý của Thổ Nhĩ Kỳ

"Điểm nhấn" trong căng thẳng giữa Nga-Thổ hiện tại là Idlib. Chiến dịch quân sự của chính phủ Syria vào các vùng lãnh thổ do phiến quân và khủng bố kiểm soát trong những tháng qua đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận.

Theo thỏa thuận được ký tại Sochi năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đồng ý thiết lập một khu vực phi quân sự (DMZ) ở Idlib. Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết toàn bộ các tay súng phiến quân và khủng bố phải rút khỏi khu vực DMZ.

Nhưng cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều không hài lòng với những gì đã xảy ra sau đó.

Nga cho rằng các nhóm khủng bố đã thống trị Idlib kể từ sau thỏa thuận và cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện được lời hứa của mình về DMZ. Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn rằng chính phủ Syria được hậu thuẫn của Nga đã liên tục vi phạm lệnh ngừng bắn.

Việc Quân đội Arab Syria (SAA) triển khai một chiến dịch quân sự toàn diện để tái chiếm thành trì cuối cùng của phe đối lập khiến Thổ Nhĩ Kỳ đã quay lại chỉ trích Nga.

Ankara cáo buộc Moscow cùng với chính phủ Damascus đang giết hại dân thường Syria và thề rằng TAF sẽ tấn công SAA bằng không quân hoặc lục quân ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng thúc ép Nga sử dụng ảnh hưởng đối với chính phủ Syria để SAA rút lực lượng khỏi khu vực DMZ (đặc biệt là phải "bỏ trống" đường cao tốc chiến lược M5 nối liền miền nam và miền bắc Syria).

Mối đe dọa tấn công đó vẫn tiếp tục được Ankara nhắc đi nhắc lại trong hy vọng Moscow sẽ thực hiện yêu cầu được đánh giá là "phi thực tế".

Dại dột chọc gấu Nga ở Syria, Thổ hứng đòn hồi mã thương, Moscow còn nhiều quân bài tẩy? - Ảnh 2.

Khu phi quân sự (DMZ) Idlib theo sau Thỏa thuận Sochi năm 2018 chỉ tồn tại trên giấy?

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận ra "thông điệp" của người Nga?

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên có quân số đông thứ hai Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ưu thế quân sự của TAF so với SAA nếu một cuộc xung đột nổ ra là không phải bàn cãi.

Nhưng người Nga đang kiểm soát bầu trời ở Syria, khiến các hoạt động của máy bay Thổ nhằm vào SAA trở nên nguy hiểm.

Không có không quân yểm trợ, các cuộc đụng độ với SAA sẽ khiến TAF trở thành những mục tiêu dễ bị tổn thương khi một loạt "điểm giám sát ngưng bắn" của TAF ở Idlib, Aleppo và Hama đã bị bao vây.

Những gì đã diễn ra ở Idlib hôm 20/2 (Su-24 Nga đã tiêu diệt hàng chục xe cơ giới, hàng trăm phiến quân và gây thương vong cho 7 lính Thổ) đảm bảo rằng trong trường hợp TAF tiếp tục tấn công, chắc chắn người Nga sẽ đứng về phía SAA và gây thiệt hại nhiều hơn cho TAF.

Không quân Nga ném bom chính xác, hủy diệt đoàn xe của phiến quân tại Idlib, Syria

Người Nga chưa dùng tới "quân bài tẩy"?

Có thể thấy nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ để kéo Nga về phe mình (người Nga cũng khó có thể ép buộc SAA rút khỏi các vùng đã giải phóng) nhằm ngăn chiến dịch quân sự ở Idlib đã thất bại.

Với việc pháo binh, lực lượng đặc biệt và đặc biệt là phòng không Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến (ngắm bắn máy bay Nga), họ đã vượt qua "lằn ranh đỏ" của người Nga và Moscow đang có trong tay rất nhiều "quân bài" có thể chơi, và "cuộc chiến cà chua" chỉ là khởi đầu.

Tất cả chúng sẽ "trói tay chân" TAF trong hoạt động quân sự ở Idlib.

Nhưng nếu tiếp tục để mặc chiến dịch quân sự của SAA diễn ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hứng chịu một làn sóng di cư lớn nhất kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Syria (khoảng 700.000 người đang trú ẩn trong các lều trại gần biên giới).

Ankara không đủ khả năng tiếp nhận thêm người tị nạn do phản ứng của phe dân tộc chủ nghĩa gia tăng gần đây chủ yếu do con số gần 4 triệu người tị nạn Syria đang trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Dại dột chọc gấu Nga ở Syria, Thổ hứng đòn hồi mã thương, Moscow còn nhiều quân bài tẩy? - Ảnh 5.

Theo quan điểm của Ankara, để giữ cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ khỏi bị ảnh hưởng bởi dòng người tị nạn, họ sẽ phải duy trì một khu vực lãnh thổ do phe đối lập kiểm soát sâu khoảng 35 km dọc theo biên giới Syria-Thổ.

Điều khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn đối với Tổng thống Erdogan là áp lực từ các đồng minh trong chính phủ.

Devlet Bahceli, lãnh đạo của Đảng Phong trào dân tộc (MHP) cánh hữu, đồng minh lâu năm của ông Erdogan gần đây đã đưa ra tuyên bố: "Sẽ không có hòa bình ở Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi (Tổng thống Syria Bashar) al-Assad bị lật đổ. Thổ Nhĩ Kỳ phải bắt đầu việc đó ngay bây giờ".

Trong khi đó, Dogu Perincek, lãnh đạo Đảng yêu nước (VP) cánh tả và cũng là một đồng minh khác Erdogan, người ủng hộ việc cải thiện quan hệ Nga-Thổ đã đưa ra phương án trái ngược, kêu gọi Ankara bình thường hóa quan hệ với Damascus.

Cũng như giai thoại "kê lặc/cân kê/gân gà" trong tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tổng thống Erdogan đang ở một vị thế khó có thể quyết đoán ở Idlib.

Nếu quyết định tiến hành hoạt động quân sự nhằm vào SAA ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với "cơn thịnh nộ" của người Nga. Nếu không, ông sẽ phải đối mặt với một kẻ địch khác trên chính trường là Bahceli và phe cánh hữu Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho tới khi sự việc ngã ngũ, binh lính Thổ ở các "điểm giám sát ngưng bắn" vẫn có thể trở thành "bia tập bắn", hàng trăm nghìn người tị nạn Syria vẫn hứng chịu giá lạnh trong các lều bạt gần biên giới và các nhà sản xuất cà chua ở Antalya vẫn tiếp tục mòn mỏi chờ mọi thứ kết thúc.

Đoàn xe quân sự Syria tăng cường triển khai tới idlib

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.