Đại diện Zoho: Tăng trưởng kép 23%/năm và dự đạt hơn 47 tỷ USD vào năm 2025, low-code đang là xu hướng số hoá của ngành công nghiệp sản xuất

Tri Túc | 22-05-2022 - 19:59 PM

(Tổ Quốc) - Gartner dự báo "Đến năm 2024, phát triển ứng dụng dạng low-code sẽ chiếm tỉ trọng hơn 65% đối với các hoạt động phát triển ứng dụng". Giá trị thị trường nền tảng Low-code toàn cầu ước đạt 12,85 tỷ USD vào năm 2020 và được kỳ vọng sẽ đạt 65,15 tỷ USD vào năm 2027 với CAGR là 22,7% trong giai đoạn từ 2020 - 2027.

Là điểm sáng khu vực với nền kinh tế nhiều triển vọng hậu Covid-19, Việt Nam đang thu hút mạnh dòng vốn ngoại, đặc biệt dòng vốn dịch chuyển từ quốc gia láng giềng Trung Quốc. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, dù vậy vẫn tồn tại nhiều thách thức song song.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch cũng như những căng thẳng toàn cầu, hiện các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng trong các hoạt động vận hành nội bộ, chuỗi sản xuất cung ứng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để giải quyết, một điều tất yếu các doanh nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất, đã và đang tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số nhằm giải quyết các vấn đề này, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo – AI, vạn vật kết nối – IoT, thực tế ảo tăng cường – AR, robot… Những công nghệ này được vận dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp tạo dựng lợi thế cạnh tranh về sản xuất kinh doanh hiệu quả và tiết kiệm chi phí so với các doanh nghiệp khác. Để chuyển đổi số, nhiều công ty đã đổi mới và phát triển các ứng dụng một cách nhanh chóng, để đáp ứng liên tục các yêu cầu cập nhật của thị trường.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp đang đặt ra bài toán về phát triển những giải pháp tùy chỉnh có thể giải quyết các yêu cầu đặc biệt khi số hóa. Điều này dẫn đến sự gia tăng của nhóm lập trình viên phổ thông (citizen developers) – những người với rất ít hoặc thậm chí không có kinh nghiệm lập trình – tự tạo ra ứng dụng để cải thiện năng suất làm việc và phục vụ cho quy trình kinh doanh hiện có. Thực tế, nếu trước đây bên cạnh việc sử dụng phần mềm của bên thứ ba, các doanh nghiệp thường tuyển dụng hoặc thuê lập trình viên để giải quyết những yêu cầu về phần mềm; các lựa chọn này đều không hiệu quả về mặt thời gian và chi phí; thì bây giờ nhiều nền tảng đang dần thay đổi cục diện, gọi chung là low-code, no-code (LCNC).

Tuy nhiên, tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tiềm năng của các nền tảng ít lập trình LCNC trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển phần mềm và ứng dụng. Những giải pháp này thật sự cần thiết với các doanh nghiệp Việt bởi vô số lợi ích mà nó mang lại trong nhiều lĩnh vực, điển hình như tiếp thị và tự động hóa.

Trong đó, công nghệ low-code là một cách thức phát triển ứng dụng trực quan cho phép các nhà phát triển từ chuyên nghiệp đến không chuyên có thể cộng tác và nhanh chóng xây dựng, triển khai các ứng dụng. Phát triển low-code là quá trình xây dựng phần mềm bằng cách tự động hóa quá trình viết mã code chương trình, gỡ lỗi, kiểm tra và triển khai phát triển phần mềm. Các ứng dụng được xây dựng nhanh chóng bằng cách kéo và thả các khối mã trực quan có sẵn trên nền tảng vào các quy trình làm việc để tạo ra ứng dụng và tối thiểu hóa việc viết và sử dụng mã thủ công.

Gartner dự báo "Đến năm 2024, phát triển ứng dụng dạng Low-code sẽ chiếm tỉ trọng hơn 65% đối với các hoạt động phát triển ứng dụng". Giá trị thị trường nền tảng low-code toàn cầu ước đạt 12,85 tỷ USD vào năm 2020 và được kỳ vọng sẽ đạt 65,15 tỷ USD vào năm 2027 với CAGR là 22,7% trong giai đoạn từ 2020 - 2027.

Đại diện Zoho: Tăng trưởng kép 23%/năm và dự đạt hơn 47 tỷ USD vào năm 2025, low-code đang là xu hướng số hoá của ngành công nghiệp sản xuất - Ảnh 1.

Trong ngành công nghiệp sản xuất, phát triển các ứng dụng và xây dựng phần mềm một cách trực quan trên các nền tảng low-code mang lại những lợi ích tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đang phải đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt trước những yêu cầu thay đổi của thị trường. Bằng các công nghệ hỗ trợ của mình, nền tảng low-code tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nhanh chóng phát triển các ứng dụng giải quyết nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số.

"Những khái niệm về LCNC còn khá mới mẻ với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam. Không nhiều doanh nghiệp nhận thấy tiềm năng của những nền tảng này để tích cực áp dụng vào quá trình chuyển đổi Số. Việc xây dựng ứng dụng hay phần mềm mới phụ thuộc rất nhiều vào nhân sự IT nội bộ, hoặc thuê ngoài các bên thứ ba. Tuy nhiên, cung không đủ cầu, số lượng lập trình viên có tay nghề chưa thỏa mãn được cơn khát của thị trường, dẫn đến gánh nặng chi phí nhân công vô cùng đắt đỏ với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ – vốn chiếm đến 98% tại Việt Nam. Do đó, họ phải tìm đến một giải pháp thứ ba để giảm tải chi phí", người trong cuộc chia sẻ.

Cũng theo báo cáo từ Gartner, dự báo vào năm 2024, khoảng 80% các sản phẩm công nghệ sẽ được tạo ra bởi nhóm người dùng không chuyên kỹ thuật như lập trình viên phổ thông, kỹ thuật viên kinh doanh và trí tuệ nhân tạo. Công cuộc chuyển đổi sang các nền tảng LCNC đã được khởi động, những doanh nghiệp Đông Nam Á cần tận dụng cơ hội này để tìm kiếm lợi thế dẫn đầu.

Sự bùng nổ của công nghệ, cũng như xu hướng Số hóa mạnh mẽ đã thôi thúc nhu cầu rút ngắn chu trình tạo ra sản phẩm. Theo Statista, 29% doanh nghiệp nhận thấy phát triển ứng dụng low-code, no-code nhanh hơn từ 40-60% so với những phương pháp thông thường. Đồng nghĩa với việc, nền tảng LCNC chính là câu trả lời cho bài toán vừa nêu. Các giải pháp này giúp giảm thời gian hoàn thiện và đưa sản phẩm ra thị trường bằng cách lược bỏ những quy trình phức tạp trong phát triển phần mềm, chỉ tập trung giữ lại giao diện và trải nghiệm người dùng (UI/UX) thân thiện.

Chưa hết, lợi ích nhận được không chỉ dừng lại ở hiệu quả về mặt chi phí và chu trình sản xuất. Nền tảng LCNC có thể cải thiện đa dạng nhiều quy trình khác nhau bao gồm cả tự động hóa và tiếp thị.

"Hãy thử tưởng tượng một ứng dụng di động có thể mang đến trải nghiệm tối ưu, từ nội dung, thông báo, cho đến các chương trình khuyến mại đều được thiết kế riêng cho khách hàng - điều tưởng chừng chỉ có thể được thực hiện bởi các nhà phát triển phần mềm độc lập (ISV) hay các công ty phần mềm. Khi đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng giữ chân khách hàng, tăng mức độ hài lòng của khách với thương hiệu, và tạo ra tăng trưởng về doanh thu.

LCNC cũng sẽ là "cú huých" cho những khách hàng còn đang phân vân. Các mô-đun về dịch vụ và lòng trung thành của khách hàng được phát triển để bổ sung cho các kênh tiếp thị truyền thông, từ đó gầy dựng lòng tin nơi khách hàng, để họ quyết định sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp", đại diện Zoho nhấn mạnh.

Khảo sát của Zoho (được biết đến là công ty phần mềm có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới) còn cho thấy các doanh nghiệp đang sử dụng những nền tảng LCNC cho mình mục đích: 45% dùng vào số hóa thông tin kinh doanh, 32% dùng để tự động hóa công việc, và 25% để phát triển các ứng dụng tương tác với khách hàng. Giao diện và thao tác người dùng thân thiện, không yêu cầu cao về mặt vận hành, và khả năng đáp ứng hàng loạt mục đích sử dụng của doanh nghiệp đã biến nền tảng LCNC trở thành công cụ vô giá để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh.

"Hiện, LCNC được dùng ở đa dạng các lĩnh vực, trong đó có thiết kế, sản xuất... Xét về bản chất của ứng dụng, rất khó để khái quát việc cải thiện năng suất. Tuy nhiên, theo một bài nghiên cứu về chỉ số lãi suất (IOI) cho biết con số này là 50%", vị này nói thêm.

Nhìn chung, khi thế giới đang dần phục hồi sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi Số. Tăng năng suất của nhân viên, hỗ trợ ra quyết định, linh hoạt sắp xếp công việc, bên cạnh đó là các hoạt động hỗ trợ đa kênh để khách hàng hài lòng, tất cả đã mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp. Theo đó, nền tảng LCNC sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai, doanh nghiệp nào biết nắm bắt công nghệ này sẽ vượt lên dẫn đầu thị trường.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.