Sức mạnh của UAV trong xung đột Azerbaijan - Armenia

Tú Anh | 13-11-2020 - 19:27 PM

(Tổ Quốc) - Không thể so bì với Azerbaijan về sức mạnh UAV, các lực lượng Armenia lại còn bị dịch COVID-19 làm cho mất tinh thần, dẫn tới bị bao vây và phải hứng chịu những thảm họa quân sự.

Thất bại ê chề của Armenia dẫn đến một thỏa thuận “đau đớn”

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào binh lính, phá hủy xe tăng, pháo binh cùng nhiều hệ thống phòng không khác của Armenia đã mang lại lợi thế to lớn cho Azerbaijan trong cuộc chiến kéo dài 44 ngày ở vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Đây chính là những bằng chứng rõ ràng nhất về cách các chiến trường trên thế giới đang và sẽ thay đổi như thế nào trước vai trò của các máy bay không người lái tấn công chính xác từ xa.

Ngày 10/11, trước những thiệt hại nặng nề về nhân lực và phương tiện quân sự, Armenia đã buộc phải chấp nhận ký kết thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh với các điều khoản có lợi cho Azerbaijan.

Michael Kofman, nhà phân tích quân sự kiêm Giám đốc Nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở ở Arlington, bang Virginia (Mỹ) cho rằng: “UAV đã giúp các nước nhỏ khả năng tiếp cận hàng không chiến thuật và vũ khí dẫn đường chính xác giá rẻ, cho phép họ phá hủy được những thiết bị đắt tiền hơn nhiều của đối phương, chẳng hạn như xe tăng hay các hệ thống phòng không”.

Tại Azerbaijan, video về những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã được đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng nước này, phát trên màn hình TV lớn ở thủ đô Baku và được chia sẻ trên mạng xã hội gần như hàng ngày.

Chúng cũng được các nhà phân tích quân sự phương Tây nghiên cứu để theo dõi những chiến thẳng quân sự của Azerbaijan.

Đại bại trước UAV tấn công của Azerbaijan: Armenia phải ký kết một thỏa thuận đầy đau đớn! - Ảnh 1.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 1/10/2020 công bố video tấn công các vị trí quân sự của Armenia bằng UAV. Ảnh: BQP Azerbaijan

Vì đâu nên nỗi?

Máy bay không người lái vũ trang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại kể từ khi Lầu Năm Góc triển khai UAV Predator ở Afghanistan sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Những máy bay không người lái phóng tên lửa tấn công hiện đang được sản xuất ở nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc hay Israel, và đã được nhiều lực lượng sử dụng trong các cuộc chiến, gồm cả cuộc chiến ủy nhiệm ở Libya.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng qua, Nagorno-Karabakh có lẽ đã trở thành ví dụ mạnh mẽ nhất về cách máy bay không người lái tấn công cỡ nhỏ và tương đối rẻ tiền có thể làm thay đổi cục diện những cuộc xung đột từng bị chi phối bởi các trận chiến trên bộ và sức mạnh không quân truyền thống.

Nó cũng cho thấy rõ những lỗ hổng của các hệ thống vũ khí, xe tăng, radar và tên lửa đất đối không tinh vi mà không được lắp đặt các hệ thống phòng thủ UAV. Khả năng tác chiến hiệu quả của UAV cũng làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu kỷ nguyên của xe tăng truyền thống có phải đã đến hồi “cáo chung” hay không?

Đại bại trước UAV tấn công của Azerbaijan: Armenia phải ký kết một thỏa thuận đầy đau đớn! - Ảnh 2.

Azerbaijan thống lĩnh chiến trường Nagorno-Karabakh một phần lớn nhờ sức mạnh của UAV

Azerbaijan đã sử dụng phi đội máy bay không người lái của mình - mua từ Israel và Thổ Nhĩ Kỳ - để theo dõi và phá hủy các hệ thống vũ khí của Armenia ở Nagorno-Karabakh, phá vỡ hệ thống phòng thủ của họ, mở đường cho các cuộc tiến công nhanh chóng.

Armenia nhận thấy rằng các hệ thống phòng không của họ ở Nagorno-Karabakh, mà nhiều trong số đó là các hệ thống cũ của Liên Xô, đã không thể chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, và nhanh chóng chứng kiến những tổn thất chồng chất.

Tuy nhiên, Franz-Stefan Gady - chuyên gia nghiên cứu về xung đột tương lai tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng, các thiết bị quân sự truyền thống như xe tăng và xe thiết giáp sẽ không trở nên lỗi thời.

Theo ông Gady, Nagorno-Karabakh đã cho thấy "tầm quan trọng ngày càng tăng" của việc sử dụng máy bay không người lái vũ trang cùng với các loại vũ khí khác và lực lượng mặt đất được đào tạo chuyên sâu cũng như "hậu quả tàn khốc hơn theo cấp số nhân nếu không hành động như vậy trong các cuộc chiến tương lai”.

“Rõ ràng, Azerbaijan đã chuẩn bị cho điều này”, Tom De Waal, chuyên gia về khu vực Caucasus thuộc Quỹ hòa bình Quốc tế Carnegie nhận xét. Họ đã mua các UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và máy bay không người lái tự sát từ Israel.

“Yếu tố quyết định trong cuộc xung đột này rõ ràng là có sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ với phía Azerbaijan. Hai bên dường như đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong chiến tranh”.

Vai trò của những chiếc máy bay không người lái đã được phát huy. Các mục tiêu của chúng gồm cả những công sự kiên cố từ những năm 1990.

“Thiệt hại là rất lớn”, De Waal nói. “Armenia có thể đã mất khoảng một phần ba số xe tăng. Đó rõ ràng là một yếu tố quan trọng trong việc giúp Azerbaijan chiếm lĩnh các vùng lãnh thổ”.

Đã không thể so bì với Azerbaijan về sức mạnh máy bay không người lái, các lực lượng Armenia lại còn bị đại dịch Covid-19 làm cho mất tinh thần, dẫn tới bị bao vây và phải hứng chịu những thảm họa quân sự.

Giới chức Armenia và Nagorno-Karabakh thừa nhận họ không còn lựa chọn nào khác mà buộc phải ký thỏa thuận ngừng bắn hôm 9/11 để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và lãnh thổ.

Đại bại trước UAV tấn công của Azerbaijan: Armenia phải ký kết một thỏa thuận đầy đau đớn! - Ảnh 4.

Máy bay không người lái Anka-S của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TAI

Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, Azerbaijan đã sử dụng 11 máy bay An-2 cũ từ thời Liên Xô để chuyển đổi thành máy bay không người lái rồi đưa bay qua Nagorno-Karabakh làm mồi nhử các hệ thống phòng không của Armenia, dụ chúng khai hỏa và làm lộ vị trí, sau đó triển khai UAV tấn công.

Theo nhận định của một số nhà phân tích, Azerbaijan đã sử dụng máy bay không người lái giám sát để phát hiện mục tiêu, tiếp đến triển khai máy bay không người lái có vũ trang hoặc UAV tự sát tiêu diệt chúng.

Azerbaijan có thể đã được hưởng lợi từ kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc sử dụng máy bay không người lái ở Syria cũng như Libya, nơi các UAV của Ankara thậm chí đã đánh bại cả hệ thống phòng không Pantsir S1 do Nga sản xuất được sử dụng bởi Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya của tướng Khalifa Hifter vào tháng 5/2020.

Nhà phân tích Stijn Mitzer đã viết trên trang blog Oryx về các vấn đề quân sự rằng, mặc dù cả hai bên đều tận dụng hoạt động tuyên truyền để quảng bá cho thắng lợi quân sự của mình nhưng kết quả phân tích từ các đoạn video có thể giúp xác minh những thông tin này.

Theo thống kê, Armenia đã thiệt hại 185 xe tăng T-72, 90 xe chiến đấu bọc thép, 182 khẩu pháo, 73 bệ phóng rocket, 26 hệ thống tên lửa đất đối không, gồm cả một hệ thống Tor và 5 hệ thống S-300, 14 radar hoặc thiết bị gây nhiễu, một máy bay Su-25, 4 máy bay không người lái và 451 phương tiện quân sự khác.

Oryx cũng cho biết, Azerbaijan đã thiệt hại 22 xe tăng, 41 xe bọc thép, một máy bay trực thăng, 25 máy bay không người lái và 24 phương tiện quân sự.

Theo các nhà phân tích, con số thiệt hại đầy đủ của cả hai bên không thể được xác minh một cách độc lập nhưng tổn thất của Armenia có vẻ cao hơn Azerbaijan rất nhiều lần.

Arayik Harutyunyan, lãnh đạo nhà nước từ xưng Nagorno-Karabakh ngày 11/11 thừa nhận rằng Nagorno-Karabakh nhiều khả năng sẽ bị chiếm lĩnh hoàn toàn “trong vòng vài ngày" nếu giao tranh vẫn tiếp diễn với lý do “thiệt hại rất nặng nề về tính mạng" vì máy bay không người lái.

Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia đã viết trên trang Real Clear Defense rằng, các hệ thống như UAV tự sát hay máy bay không người lái tấn công từ xa có thể sẽ trở nên phổ biến hơn khi công nghệ được cải thiện và chi phí giảm.

Chuyên gia Malcolm Davis cũng khẳng định: “Đó là một nhân tố có thể thay đổi cuộc chơi cho chiến tranh trên bộ”.

Xung đột Nagorno-Karabakh cho thấy Thổ Nhĩ Kỹ đã thể hiện được khả năng tác chiến của UAV vũ trang

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM