Thời gian vừa qua, Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình (thành phố Đà Lạt) của UBND tỉnh Lâm Đồng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân cũng như giới chuyên môn. Câu chuyện chỉnh trang đô thị vốn là chuyện cấp thiết tuy nhiên nên được xem xét cẩn trọng.
Đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Lâm Đồng thực hiện chỉnh trang vùng trung tâm Đà Lạt, vào năm 2002 dự án giải toả ấp Ánh Sáng để xây dựng trung tâm thương mại Ánh Sáng Đà Lạt vốn đã dấy lên tranh luận về việc xây dựng cao ốc ở thành phố yên bình này.
Câu chuyện quy hoạch đô thị ở trung tâm Đà Lạt vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
"Phố cổ" người Việt ở giữa lòng Đà Lạt
Không nhiều người biết rằng giữa trung tâm thành phố Đà Lạt tồn tại một khu phố nhỏ thường được ví von là "phố cổ của người Việt ở Đà Lạt", đó là Ấp Ánh Sáng.
Nửa đầu thế kỷ 20, chính quyền thực dân đã quy hoạch và xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành một trạm nghỉ dưỡng dành cho người Pháp ở Đông Dương. Mãi về sau những người đứng đầu thành phố mới quan tâm đến vấn đề "khu vực dành cho người bản xứ". Trải qua nhiều lần thảo luận, cuối cùng người Pháp đã bố trí cho người Việt sinh sống tại khu Hoà Bình, chợ Đà Lạt và ấp Ánh Sáng.
Ấp Ánh Sáng nay là khu dân cư nằm dọc theo đường Ánh Sáng, là một trong những khu dân cư người Việt lâu đời nhất ở Đà Lạt.
Nếu khu Hoà Bình và chợ Đà Lạt là cái tên quen thuộc với du khách, thì Ấp Ánh Sáng vẫn là một địa danh khá xa lạ. Nơi đây luôn được nhắc đến là một trong những khu dân cư của người Việt lâu đời nhất ở Đà Lạt.
Cụ Sen (83 tuổi) kể lại: "Ngày xưa ở đây vốn là một thung lũng, người dân từ Huế vào khai hoang để trồng trọt. Mỗi nhà dựng một căn chòi nhỏ bên suối Cam Ly để tiện cho việc canh tác hoa màu. Ai nấy đều khó khăn".
Những cư dân gắn bó với Ấp đã hai màu tóc.
Ba anh em ông Cao Quang Kỳ, Cao Quang Chướng và Cao Xá là những bậc tiền bối đã có công khái phá đất đai vốn còn hoang vu ở vùng đất này.
Năm 1952, với mong muốn giúp người dân an cư ổn định cuộc sống, thị trưởng thành phố Đà Lạt lúc bấy giờ là ông Cao Minh Hiệu đã quyết định xây dưng một khu nhà gỗ kiểu mẫu dành cho người dân. Ấp có tổng cộng 36 căn nhà, được xây dựng trên một lô đất bằng phẳng ven sườn đồi theo hình chữ A, mái ngói, vách gỗ rộng 7,5m, dài 12m, chia thành hai dãy cách nhau một lối đi, mỗi nhà cách nhau 4m tạo thành một khu phố nhỏ xinh xắn. Và được đặt tên là Ấp Ánh Sáng với ước mong khu dân cư mới sẽ thịnh vượng như chính cái tên của mình.
Lễ khánh thành Ấp Ánh Sáng vào năm 1952.
Khu vực Ấp được quy hoạch như một khu phố nhỏ xinh xắn. (Khu vực được tô đỏ)
Những ngôi nhà gỗ xinh xắn trong ấp.
Những ngôi nhà mang đậm kiến trúc của phố núi.
Nhường chỗ cho những khối bê tông chọc trời
Cuối thế kỷ 20, sự phát triển ồ ạt của làn sóng di dân khiến ấp Ánh Sáng rơi vào tình trạng đất chật người đông, nhiều ngôi nhà được xây dựng khiến khu dân cư trở nên xáo trộn. Trước tình trạng đó, năm 2002, UBDN tỉnh Lâm Đồng đã quyết định giải tỏa ấp Ánh Sáng để xây dựng một trung tâm thương mại cao cấp và sang trọng.
Vào thời điểm bấy giờ quyết định này cũng vấp phải nhiều ý kiến tranh luận. Thứ nhất việc giải toả Ấp Ánh Sáng để xây một khu dân cư, trung tâm thương mại hiện đại sẽ tăng áp lực cho khu vực trung tâm thành phố. Thứ hai dự án vướng phải một nghịch lý về việc xây dựng đô thị miền cao, cụ thể là xây nhà cao tầng ở vùng thấp nhất khu vực.
Bản vẽ dự án trung tâm thương mại Ánh Sáng.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nhà hàng khách sạn mọc lên như nấm sau mưa, khu vực trung tâm Đà Lạt ngày càng mất đi những mảng xanh lãng mạn, nhường chỗ cho khối bê tông bề thế.
Những giá trị lịch sử lạc lỏng giữa vô vàn khối bê tông.
17 năm ấp Ánh Sáng chìm trong "bóng tối"
Đã 17 năm trôi qua, dự án giải toả Ấp Ánh Sáng vẫn giậm chân tại chỗ khiến kế hoạch chỉnh trang đô thị bị trì trệ, đồng thời gây ra nhiều phiên toái trong cuộc sống của người dân. Vấn đề mấu chốt khiến dự án bị kéo dài suốt 17 năm là không thống nhất được tiền đền bù đất cho người dân. Số tiền đền bù ít ỏi từ ngân sách địa phương vốn đã eo hẹp nên không đáp ứng được nhu cầu tái định cư của các hộ dân.
Hiện tại còn khoảng 200 hộ vẫn chưa đồng ý phương án đền bù của nhà nước.
Dự án treo khiến người dân trong Ấp gặp nhiều khó khăn. Cô Hồng (63 tuổi) tâm sự: "Bao năm nay ngôi nhà của cô đã xuống cấp rất nhiều, gỗ thì mục, mái nhà thường xuyên bị dột. Nhưng vì đang nằm trong diện giải toả nên chỉ sửa tạm thời". Nhiều hộ gia đình trông đợi vào phương án giải quyết của tỉnh, để họ sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên đến nay dự án Ấp Ánh Sáng vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhiều ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng.
Trả lời về vấn đề này, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng - ông Lê Quang Trung chia sẻ: "Trung tâm thành phố Đà Lạt hiện nay rất chật chội và nhếch nhách nên phải quy hoạch lại để phát triển đúng với vị thế của một thành phố du lịch. Khu vực Ấp Ánh Sáng nằm trong 1 dự án đầu tư trước đây, tuy nhiên đến hiện tại vẫn chưa giải phóng mặt bằng để giao cho nhà đầu tư, bởi vì gặp khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên sẽ sớm giải quyết vấn đề này. Đồng thời cũng sẽ tính toán lại, trước đây dự án này có nhiều công trình cao tầng, chúng tôi sẽ tác động để giảm số tầng nhằm bớt quy mô của khu vực đó".
Ấp Ánh Sáng sẽ còn là một địa danh mang tính kỷ niệm ?
Câu chuyện chỉnh trang khu trung tâm thành phố Đà Lạt vẫn là một câu chuyện dài, cần được thực hiện một cách thận trọng. Trước đây khi được giao nhiệm vụ chỉnh trang mặt tiền trung tâm thành phố Đà Lạt, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ chỉ chỉnh trang mặt tiền chợ, làm cầu thang và các bậc tam cấp dẫn lên khu Hòa Bình, bởi lẽ ông đánh giá khu này không thể xây chen thêm được.