Đà giảm kéo dài, thị trường liên tục "rực lửa": Thời hoàng kim của Bitcoin phải chăng đã kết thúc?

Huỳnh Duy | 20-01-2022 - 03:04 AM

(Tổ Quốc) - Giới chuyên gia nhận định, Bitcoin đang được giao dịch giống như một loại tài sản rủi ro. Đồng tiền số này được cho là đã không còn hoạt động như một kênh "trú ẩn" an toàn.

Bitcoin đã không còn là một kênh "trú ẩn" an toàn?

Đầu năm 2022, thị trường tiền số liên tiếp chìm trong sắc đỏ. Giá Bitcoin và nhiều đồng tiền số khác chao đảo không ngừng, báo hiệu một năm đầy thử thách.

Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 19/1 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin hiện được giao dịch quanh mức 41.550 USD/đồng. Trong vòng 24 giờ qua, giá Bitcoin đã có thời điểm phục hồi lên hơn 42.000 USD/đồng, nhưng nhanh chóng rơi xuống sát ngưỡng 41.000 USD/đồng. So với mức kỷ lục 68.700 USD/đồng được thiết lập tháng 11/2021, Bitcoin đã "bốc hơi" 40% giá trị.

Đà giảm kéo dài, thị trường liên tục rực lửa: Thời hoàng kim của Bitcoin phải chăng đã kết thúc? - Ảnh 1.

Bitcoin được cho là đã không còn giống như một tài sản "trú ẩn" an toàn

Thống kê của Coindesk cũng cho thấy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, Bitcoin đã mất khoảng 14% giá trị, đánh dấu khởi đầu tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ qua, kể từ 2012.

Tuy được nhiều người coi là một dạng "vàng kỹ thuật số", tức sẽ hưởng lợi trong lúc kinh tế và tài chính bất ổn, nhưng theo giới quan sát, Bitcoin nói riêng và tiền mã hoá nói chung hiện hoạt động giống các tài sản rủi ro hơn trước những lo ngại về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm thắt chặt các chính sách tiền tệ. Đồng tiền số này được cho là đã không còn hoạt động như một tài sản "trú ẩn" an toàn.

"Bitcoin sẽ không bao giờ là hàng rào chống lại lạm phát", tỷ phú Mark Cuban nhấn mạnh trong một bài đăng gần đây trên Twitter. Ông tin rằng những người ủng hộ cả Bitcoin và vàng đang sử dụng thuật ngữ “hàng rào lạm phát” như một chiêu trò tiếp thị.

Trong tuần rồi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra cảnh báo tiền kỹ thuật số không thể được xem là một kênh phòng ngừa rủi ro biến động thị trường nữa.

Những ý kiến trái chiều về cơ hội phục hồi của Bitcoin

Những người bán Bitcoin (BTC) có thể phải đối mặt với giai đoạn quan trọng tiếp theo khi ngưỡng giá 42.000 USD đang khơi lại "một cuộc chiến" quen thuộc từng xảy ra trong quá khứ.

Việc Bitcoin giảm từ 69.000 USD xuống mức hiện tại không có gì bất thường so với tỷ lệ sụt giảm trong quá khứ, nhưng đối với các nhà đầu tư dài hạn, có một lý do cụ thể để hy vọng rằng ngưỡng hỗ trợ hiện tại được giữ vững.

Đà giảm kéo dài, thị trường liên tục rực lửa: Thời hoàng kim của Bitcoin phải chăng đã kết thúc? - Ảnh 3.

Dữ liệu mới nhất từ Glassnode chỉ ra rằng, 30% nguồn cung BTC hiện đang bị thua lỗ

Theo dữ liệu mới nhất đến từ Glassnode, 30% nguồn cung BTC hiện đang bị thua lỗ. Dẫu vậy, về mặt lịch sử, đây là con số quan trọng để bảo vệ phe mua.

Điển hình là thị trường sau đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3 năm 2020 và giữa năm 2021 khi Trung Quốc ra lệnh cấm Bitcoin. Mức lỗ 30% nguồn cung dẫn đến một động thái tăng giá đối với Bitcoin trong cả hai trường hợp này. Tuy nhiên, Glassnode thừa nhận không có gì đảm bảo tương lai sẽ tương tự hai trường hợp trong quá khứ.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia đã đưa ra dự đoán đầy u ám với Bitcoin trong năm 2022. Một trong những "vận hạn" lớn nhất trong năm 2022 của Bitcoin chính là việc nhiều quốc gia mở rộng phạm vi kiểm soát cũng như giám sát chặt chẽ hơn với tiền số.

"Chắc chắn năm 2022 sẽ là một dấu mốc quan trọng về vấn đề pháp lý. Sự chú ý từ nhiều chính phủ, nhất là Mỹ, đưa quy định pháp lý vào không gian tiền điện tử sẽ gia tăng", Vijay Ayyar, Phó chủ tịch phụ trách phát triển và mở rộng toàn cầu tại sàn giao dịch tiền số Luno đưa ra nhận định.

Đà giảm kéo dài, thị trường liên tục rực lửa: Thời hoàng kim của Bitcoin phải chăng đã kết thúc? - Ảnh 4.

"Vận hạn" lớn nhất trong năm 2022 của Bitcoin được cho là nhiều quốc gia sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát cũng như giám sát chặt chẽ hơn với tiền số

Theo đó, Bitcoin đã có màn tăng giá khoảng 500% kể từ cuối năm 2019 nhờ các chính sách nới lỏng được đưa ra để giảm bớt tác động của COVID-19. Tuy nhiên, đến năm 2022 thị trường tiền mã hóa có thể phải đối mặt với nhiều thách thức bởi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đang chuyển sang chế độ thắt chặt.

Việc thắt chặt các điều kiện tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể gây áp lực giảm giá đối với các tài sản rủi ro, từ cổ phiếu đến tiền điện tử, đồng thời kiềm chế lạm phát vốn đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần bốn thập kỷ.

Craig Erlam, nhà phân tích của công ty môi giới ngoại hối Oanda, đã viết hôm thứ Năm trong một bản cập nhật thị trường: "Có vẻ như thị trường đang ở đỉnh điểm lo sợ về chính sách tiền tệ của Mỹ".

Còn Jay Hatfield, Giám đốc điều hành của Infrastructure Capital Advisors nhận định: "Tiền mã hóa có khả năng tiếp tục chịu sức ép khi Fed giảm lượng tiền bơm vào nền kinh tế". Ông cũng đồng thời đưa ra cảnh báo: "Giá Bitcoin có thể kết thúc năm 2022 dưới ngưỡng 20.000 USD/BTC".

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM