Cựu CEO Facebook VN nói về case WeFit: Thu tiền trước của người tập cũng là hình thức huy động vốn, không thể để tiếng nói sáng tạo của startup lấn át niềm tin người dùng!

Bảo Bảo | 17-05-2020 - 07:26 AM

(Tổ Quốc) - Việc thu tiền trước của người dùng cũng là một hình thức huy động vốn. Khi startup phá sản, người dùng mất tiền, quản lý Nhà nước sẽ ứng xử ra sao với sự phát triển chóng mặt của nhiều mô hình kinh doanh khác nhau? "Không nên để những tiếng nói sáng tạo lấn át tiếng nói bùng nổ của thị trường và niềm tin của người dùng cho công ty khởi nghiệp", cựu CEO Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang nói.

Buổi tọa đàm trực tuyến "Rủi ro bong bóng khởi nghiệp Việt Nam" được VnExpress tổ chức trong bối cảnh WeFit - một startup sáng giá trong lĩnh vực Fitness và Beauty của Việt Nam vừa tuyên bố phá sản.

Với chuyện vỡ bong bóng startup và ví dụ cụ thể là sự việc của WeFit, cựu CEO Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang cho rằng việc nên chú trọng và quan tâm hơn là ảnh hưởng của hiện tượng đó lên thị trường.

"Lấy trường hợp WeFit, từ góc nhìn của riêng tôi, tôi nghĩ điều đáng lo nhất là việc một công ty startup như vậy đã huy động vốn từ người dùng. Và khi họ phá sản, người dùng bị mất tiền", bà Trang nói.

Khi một công ty khởi nghiệp thất bại, việc nhà đầu tư mất tiền là chuyện dĩ nhiên. Khi nhà đầu tư tham gia rót vốn, họ đã biết có thể thắng, có thể thua.

Với chính công ty startup, việc thất bại cũng là chuyện thường khi trong câu chuyện khởi nghiệp vốn tỷ lệ thất bại nhiều hơn là tỷ lệ thành công.

Mô hình tương tự, nhưng ClassPass chỉ bán gói tập với thời hạn 1 tháng, còn các gói tập của WeFit thời hạn lên tới 18 tháng

"Nhưng người dùng, khi mua một sản phẩm mà sau này tự dưng bất đắc dĩ mất tiền, tôi nghĩ đó là điều rất đáng quan tâm, đặc biệt đối với sự quản lý nền kinh tế. Câu hỏi quay lại là quản lý Nhà nước sẽ can thiệp thế nào với sự phát triển chóng mặt của nhiều mô hình kinh doanh khác nhau".

"Một mặt, cơ quan quản lý cũng muốn tạo điều kiện cho sự sáng tạo, và sự sáng tạo ở đây không chỉ về công nghệ mà còn trong mô hình kinh doanh. Một mặt, cơ quan quản lý Nhà nước là đơn vị duy nhất có thể giữ sự bình ổn cho thị trường này, và không nên để những tiếng nói sáng tạo lấn át tiếng nói bùng nổ của thị trường và sự an toàn, niềm tin của người dùng cho công ty khởi nghiệp", Trang nhận định.

Nhà sáng lập Alabaster cho rằng đó là vấn đề đáng quan tâm hơn cả. Còn việc thành công thất bại với startup là chuyện bình thường, miễn người khởi nghiệp đó không trục lợi. Người trục lợi sẽ rất đáng lên án. Nhưng còn nếu họ làm hết sức, thì trong đầu tư, thắng thua là chuyện bình thường.

Cựu CEO Facebook VN nói về case WeFit: Thu tiền trước của người tập cũng là hình thức huy động vốn, không thể để tiếng nói sáng tạo của startup lấn át niềm tin người dùng! - Ảnh 2.

Phản đối đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp vào startup, ông Trần Bằng Việt - Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu tại Việt Nam (JCI Vietnam) - cho rằng nếu Nhà nước và chính phủ các quốc gia can thiệp, tác động vào có thể sẽ giết chết sự sáng tạo.

"Mục đích của chính quyền và những người làm chính quyền tốt là giữ mọi thứ vận hành như bình thường, không có gì bất thường là thành công. Khởi nghiệp là sáng tạo, mạo hiểm, phá vỡ những cái đang có".

"Một hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ cần Nhà nước, những vườn ươm, tăng tốc, không chỉ cần các bạn khởi nghiệp, mà còn cần công chúng và những người dùng thông minh phù hợp với nó. Trong câu chuyện vừa rồi của WeFit, có thể người dùng mất một số tiền nào đấy, cũng không đến nỗi dùng ví dụ đó yêu cầu Nhà nước can thiệp. Tôi không khuyến khích điều đấy, nên để thị trường tự điều tiết", ông Trần Bằng Việt nói.

Giữ nguyên luận điểm của mình, bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng không có nền kinh tế nào có quyền tự do 100% thuộc về bàn tay vô hình. Trong câu chuyện WeFit, bà Trang cho rằng chúng ta đặt vấn đề phải có quy định trong việc huy động vốn. Vậy quy định nào trong việc thanh toán trước, trong khi việc thanh toán trước như vậy cũng là một hình thức huy động vốn.

WeFit, mặc dù mô hình vận hành trong lĩnh vực Fitness tương tự như ClassPass đặt tại New York, cung cấp "một bữa buffet" không giới hạn cho tất cả người dùng và trả tiền theo lượt cho các đối tác phòng tập. Nhưng trong khi ClassPass chỉ bán gói tập với thời hạn 1 tháng, các gói tập của WeFit đa dạng về thời hạn và gói tập được mua nhiều lên tới 18 tháng.

Cựu CEO Facebook VN nói về case WeFit: Thu tiền trước của người tập cũng là hình thức huy động vốn, không thể để tiếng nói sáng tạo của startup lấn át niềm tin người dùng! - Ảnh 3.

"Không có việc cấm trả trước, nhưng việc trả trước như vậy phải có những nấc nhất định là anh được quyền huy động đến bao nhiêu? Anh phải có quy định như thế nào mới được huy động như vậy. Tại sao các nền kinh tế coi trọng vấn đề này? Vì sáng tạo không dừng lại ở công nghệ, mà có thể lấn sân sang các công cụ quản lý khác trong nền kinh tế như Money Supply - nguồn cung về tiền, và cái này sẽ rất ảnh hưởng lớn nếu nói về fintech".

"Với fintech, không thể nào nói vì đổi mới sáng tạo mà chúng ta quên đi trách nhiệm của Nhà nước trong việc giữ nền kinh tế bình ổn, đồng tiền bình ổn, chính sách tiền tệ bình ổn cũng như chính sách hối đoái bình ổn. Nếu không, sẽ ảnh hưởng đến tất nền kinh tế mà doanh nghiệp truyền thống sẽ gánh chịu đầu tiên", bà Trang nói.

Bà Trang cũng nhận định: Câu chuyện của WeFit ngày hôm nay có thể là câu chuyện nhỏ, nhưng nếu để tiếng nói nhân danh sự sáng tạo mà không coi lợi ích chung của cộng đồng thì sự sáng tạo ấy không đúng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Omega 3 in 1 - Chìa khóa vàng cho cơ thể khỏe mạnh, trẻ trung và tinh thần lạc quan​

Trong nhịp sống hiện đại, việc bổ sung các dưỡng chất thiết yếu từ thiên nhiên thông qua sản phẩm bổ sung đã trở thành xu hướng hàng đầu để duy trì sức khỏe bền bỉ và tinh thần lạc quan. Một trong những dưỡng chất cực kỳ quan trọng và không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày chính là Omega 3.