"Chúng ta đã sử dụng nền tảng 20 năm nay rồi, từ Gmail rồi Google. Với những nền tảng đặc thù cho đất nước của mình, chúng ta nên có riêng", ông Hải trăn trở.
Tại sao phải xây dựng những nền tảng riêng?
"Tại sao chúng ta nhất nhất phải xây nhà máy lọc dầu để sản xuất ra xăng rồi bán, thay vì bán dầu mỏ thô. Vấn đề này cũng y hệt như vậy thôi. Gmail, Facebook có thể cung cấp dịch vụ miễn phí nhưng cái họ đang có được là dữ liệu, hành vi của tất cả mọi người. Đó là tài nguyên."
Ông Hải cho biết, ngay trong beGroup cũng đã chạy một vài nền tảng của Việt Nam nhưng thực trạng đáng tiếc là các nền tảng đó không hiểu khách hàng bằng nền tảng nước ngoài. Dẫu vậy, nếu cứ mãi sử dụng những platform của người khác, Việt Nam sẽ không có gì ngoài việc sử dụng dịch vụ.
"Nếu không dịch chuyển từ việc đi làm thuê, gia công, sang lĩnh vực sáng tạo hơn, thì 15 – 20 năm nữa, chúng ta vẫn chỉ là người làm thuê. Đó là lý do tại sao tôi ủng hộ việc xây dựng những nền tảng riêng.
Với tư cách một người có niềm hoài bão rất lớn mong giúp cho định hướng của thế hệ sau tốt hơn, tôi rất muốn chúng ta tham gia xây dựng các nền tảng để dần làm chủ cơ sở dữ liệu. Bởi vì cơ sở dữ liệu người dùng, hành vi giúp ích từ vấn đề quản lý, bán hàng và lấy lại thị phần", cựu CEO be chia sẻ.
Có nên làm tất cả các nền tảng?
Tham gia thảo luận về vấn đề này, ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT UPGen Việt Nam bày tỏ quan điểm: "Những gì chúng ta cần tập trung quản lý và kiểm soát là các nền tảng mang tính local (địa phương), lợi thế của chúng ta, nguồn lực của chúng ta. Thứ nhất, chúng ta hoàn toàn có khả năng cạnh tranh tốt, thứ hai là chúng ta bắt buộc phải kiểm soát, không nên dùng platform ở nước ngoài."
Đồng tình với ý kiến trên, cựu CEO beGroup cho rằng thay vì tạo nên những bản sao của Facebook hay Google, nên tập trung vào những nền tảng mang tính địa phương, ví dụ như giúp cho nông dân mua bán tốt hơn, không phải giải cứu hằng năm nữa.
Ông lấy ngay ví dụ quả thanh long: "Người Việt chúng ta có một vấn đề là năm nay một nhà trồng thanh long được mùa, năm sau cả làng trồng thanh long. Ở Mỹ, họ có các hợp đồng mua bán option (quyền chọn), sản xuất hàng hóa năm nay nhưng hợp đồng mua bán đã có từ năm trước rồi. Nên người ta biết năm sau bán cái gì, phải trồng cái gì. Chúng ta không tồn tại hệ thống đó. Vậy tại sao chúng ta không làm.
Bây giờ bạn có thể xây dựng được email nào tối tân hơn Google không? Nếu không thì làm để làm gì? Đó là lãng phí."