Cuốn Theo Chiều Gió: Biểu tượng điện ảnh gây tranh cãi

Luân Nguyễn | 15-06-2020 - 17:59 PM

(Tổ Quốc) - Bên cạnh loạt giải thưởng danh giá, Cuốn Theo Chiều Gió liên tục bị chỉ trích nhiều thập niên qua với các nhân vật Mỹ gốc Phi vui vẻ trong chế độ nô lệ.

Ngày 9/6, kênh HBO Max đã gỡ bỏ phim kinh điển Gone with the Wind (Cuốn Theo Chiều Gió) giữa làn sóng biểu tình chống kỳ thị chủng tộc tại Mỹ. Sự kiện này nối dài những tranh cãi nhiều năm qua xoay quanh cách tác phẩm khắc họa cuộc sống của người da đen ở Mỹ. Cuốn Theo Chiều Gió ra mắt năm 1939, do Victor Fleming đạo diễn, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Margaret Mitchell. Tác phẩm xoay quanh một gia đình ở miền Nam nước Mỹ trong thời nội chiến (1861 - 1865) và giai đoạn tái thiết sau đó.

Cuốn Theo Chiều Gió: Biểu tượng điện ảnh gây tranh cãi - Ảnh 1.

Cuốn Theo Chiều Gió rơi vào tâm điểm bàn luận của các nhà phê bình và nhà hoạt động xã hội một phần vì nó quá thành công. Tác phẩm đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ (nếu tính cả lạm phát), đồng thời giành 10 tượng vàng Oscar (trong đó có hai giải danh dự) vào năm 1940.

Khán giả và báo giới dành nhiều lời ngợi khen cho khâu sản xuất mang tính đột phá, chất lượng đạo diễn, lẫn diễn xuất của minh tinh Vivien Leigh trong vai Scarlett O’Hara. Câu chuyện tình yêu trong bối cảnh nội chiến cũng hấp dẫn mọi người trong thời kỳ Hollywood theo chủ nghĩa lãng mạn. Nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert cho rằng Cuốn Theo Chiều Gió là một "cột mốc khổng lồ của điện ảnh, đơn giản chỉ bởi câu chuyện của nó hay và được kể một cách tuyệt vời". Nhà phê bình Kevin Thomas lại cho rằng: "phim vừa là một áng sử thi thành công, vừa là một câu chuyện tâm lý xã hội gần gũi".

Cuốn Theo Chiều Gió: Biểu tượng điện ảnh gây tranh cãi - Ảnh 2.

Vào thời chủ nghĩa lãng mạn lên ngôi, câu chuyện tình giữa Scarlet O’Hara và Rhett Butler dễ dàng chiếm thiện cảm của khán giả đại chúng, đặc biệt là khi được chuyển thể từ quyển sách bán chạy nhất lúc bấy giờ. Ảnh: MGM.

Tuy nhiên, đứng từ quan điểm xã hội, Cuốn Theo Chiều Gió bị chỉ trích vì các tình tiết dường như hướng đến việc tô hồng chế độ nô lệ ở miền Nam nước Mỹ. Trong phim, những nhân vật da trắng được khắc họa đầy lý tưởng, tao nhã, khớp với hình mẫu "anh hùng", trái ngược những người Mỹ gốc Phi luôn ở thế dưới, đóng vai những người hầu phục vụ họ.

Những người da đen này bị nhận định là vui vẻ một cách phi thực tế dưới chế độ nô lệ - vốn gây nhiều đau thương ngoài đời. Gây tranh cãi nhất là nhân vật Mammy của nữ diễn viên Hattie McDaniel, dù vai diễn đã mang tượng vàng Oscar cho bà. Mammy là ví dụ điển hình cho kiểu vai "vú em da đen" (black mammy) - một người phụ nữ gốc Phi không tên phụ giúp công việc trong nhà, chăm sóc ân cần cho chủ da trắng. Theo Guardian, Carlton Moss - một trong những nhà làm phim da màu tiên phong của Hollywood - nói Cuốn Theo Chiều Gió không khác gì một phim ủng hộ chế độ nô lệ.

Cuốn Theo Chiều Gió: Biểu tượng điện ảnh gây tranh cãi - Ảnh 3.

Cũng trong phim, cuộc nội chiến - nhìn từ góc độ phe miền Nam nước Mỹ - được khắc họa theo hướng "bảo vệ truyền thống" hơn là "duy trì chế độ nô lệ" (như trong lịch sử). Các nhân vật miền Nam giống như những anh hùng phục vụ cho chính nghĩa bị đánh mất, cho những giá trị truyền thống đã không còn. Cuộc sống giữa người chủ và những nô lệ da đen đầy vui vẻ, lãng mạn, còn cuộc chiến là thứ sẽ lấy đi vĩnh viễn của họ những giá trị đó. "Cuốn Theo Chiều Gió đã hoàn thành công việc mang tính truyền giáo của nó, in sâu vào tâm trí khán giả một hoài niệm ấn tượng về những đồn điền của miền Nam phồn vinh, với một xã hội xem nô lệ là gia đình", tác giả Helen Taylor cho biết.

Cuốn Theo Chiều Gió: Biểu tượng điện ảnh gây tranh cãi - Ảnh 4.

Người Mỹ gốc Phi tham gia biểu tình tại một suất chiếu tác phẩm vào năm 1940. Tấm bảng bên trái ghi dòng chữ "Bạn cũng sẽ hiền lành tốt bụng nếu bị roi quất", còn tấm bảng bên trái ghi "Cuốn Theo Chiều Gió treo cổ những người gốc Phi tự do". Ảnh: Washinton Area Spark.

Theo Screenrant, những phản ánh về vấn đề sắc tộc đã có từ những ngày đầu sản xuất phim. Từ lúc nhà sản xuất David O. Selznick được cấp quyền chuyển thể tiểu thuyết thành phim, rất nhiều nhà hoạt động xã hội đã gửi thư cho ông để cảnh báo về những hệ quả văn hóa của bộ phim. Họ cho rằng phim sẽ góp phần lan tỏa những suy nghĩ rập khuôn sai lệch về người Mỹ gốc Phi, tôn vinh chế độ nô lệ và đưa người da trắng lên vị thế cao hơn.

Trong lá thư gửi cho Selznick năm 1936, diễn viên Hyman Meyer kêu gọi ngừng sản xuất phim, cho rằng tác phẩm không được lòng công chúng và chỉ những thành phần cực đoan đang sống ở Mỹ mới chào đón nó. Cũng vào lúc ghi hình, nhà báo Earl Morris đã lên chiến dịch tẩy chay bộ phim và tiểu thuyết gốc vì nhà văn Mitchell từng sử dụng từ "nigger" (một từ mang tính xúc phạm người da đen) trong tiểu thuyết. Chiến dịch này đã buộc nhà sản xuất phải thay đổi kịch bản, giảm nhẹ một số yếu tố về sắc tộc.

Cuốn Theo Chiều Gió: Biểu tượng điện ảnh gây tranh cãi - Ảnh 5.

Dù vậy, năm 1940 - khi phim đã ra mắt rộng rãi, Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối tác phẩm. Theo The Atlantic, một số khẩu hiệu như "Cuốn Theo Chiều Gió tôn vinh chế độ nô lệ", "Người gốc Phi không phải những nô lệ ngoan ngoãn" đã được giăng trước các phòng vé ở Chicago (Mỹ).

Cuốn Theo Chiều Gió: Biểu tượng điện ảnh gây tranh cãi - Ảnh 6.

John Ridley - người chỉ trích "Gone with the Wind" gần đây - là biên kịch đoạt giải Oscar với phim 12 Years a Slave. Ảnh: Reuters.

Những tranh cãi quanh Cuốn Theo Chiều Gió kéo dài nhiều thập kỷ, với rất nhiều bài viết và tựa sách bàn đến tác phẩm. Trong lúc người Mỹ chống phân biệt chủng tộc sau vụ George Floyd, nhà biên kịch John Ridley chỉ trích tác phẩm trên Los Angeles Times: "Bộ phim không chỉ thất bại về tính đại diện (tức các sắc tộc, giới tính được khắc họa ngang hàng nhau). Nó còn là một tác phẩm tôn vinh chế độ nô lệ, phớt lờ đi sự tàn ác và gieo rắc những định kiến đau lòng về người da màu". Ông kêu gọi ngừng chiếu bộ phim trên HBO bởi những định kiến về sắc tộc. Bài viết của Ridley được xem là nguyên nhân lớn khiến đơn vị này gỡ bỏ phim.

Cuốn Theo Chiều Gió: Biểu tượng điện ảnh gây tranh cãi - Ảnh 7.

Tuy nhiên, những giá trị của Cuốn Theo Chiều Gió là không thể phủ nhận, với việc được Thư viện Quốc hội Mỹ bảo quản bởi mức độ quan trọng về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Trên tờ Time, Kimberly Nichele Brown - giáo sư về văn hóa người Mỹ gốc Phi - cho rằng tác phẩm vẫn nên được trình chiếu. Quan điểm của bà khi giảng dạy về phim này là phải xét đến giai đoạn lịch sử của câu chuyện trong phim. Tờ Time nhận định Cuốn Theo Chiều Gió nên được trình chiếu cùng những thông tin về việc một số khía cạnh trong phim mang tính phân biệt chủng tộc. Theo Washington Post, HBO cũng chọn hướng đi này, sẽ phát lại phim trong tháng 6, đi kèm một số lời khuyến cáo về bối cảnh lịch sử và cách khắc họa chủng tộc trong phim.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,