Chăm sóc những chú heo mỗi ngày
Khi đang là sinh viên năm thứ 3, trường Đại học Nông Lâm, Thái Nguyên, Bùi Minh Hiền (sinh năm 1999) đọc được một bài đăng trên group của trường và biết đến chương trình thực tập sinh tại Đan Mạch. Thấy hấp dẫn nên Hiền đi học, thi tiếng Anh và chuẩn bị những thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ. Cô gái trẻ muốn có thêm kinh nghiệm về công việc, trải nghiệm cuộc sống ở Đan Mạch.
Bày tỏ dự định của mình, Hiền nhận được sự ủng hộ của anh trai nhưng mẹ của cô thì lo lắng, sợ con gái đi xa sẽ vất vả. Nhưng sau đó, Hiền đã thuyết phục được mẹ.
Khoảng 3 tháng sau khi gửi hồ sơ thì Hiền chính thức bay sang Đan Mạch. Ban đầu, Hiền dự định đi thực tập trong 12 tháng nhưng sau đó được gia hạn thành 18 tháng.
Ở trang trại mà Hiền đang làm việc hiện có 5 thực tập sinh là người Việt Nam. Cả 5 người hiện đang ở trong một căn nhà có 5 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 bếp, 1 nhà vệ sinh, đầy đủ tiện nghi. Mỗi tháng, mọi người phải đóng 1.500 - 2.000 Krone (tương đương khoảng 6 triệu đồng). May mắn là chủ nhà lại không lấy tiền thuê nhà của nhóm Hiền.
“Nông trại của em người ta sản xuất heo con để xuất khẩu. Công việc của mỗi người khác nhau, có người làm ở trang trại heo cai sữa, còn em làm việc ở trang trại heo đẻ. Công việc của em là hỗ trợ, chăm sóc, tiêm thuốc, kiểm tra sức khỏe,... cho các bạn heo. Nông trại của em hiện có khoảng 1.800 con heo nái. Mỗi tuần họ sẽ đưa 50-90 con vào để sinh, chăm sóc, nuôi heo con và sau đó xuất khẩu.
Thực tập sinh như tụi em thì có được trả lương. Trước 6 tháng thì mỗi tháng em được trả khoảng 11.000 Krone (gần 30 triệu đồng). Trong 6 tháng sau thì chúng em sẽ được trả khoảng 13.000 Krone (hơn 31 triệu đồng). Tuy nhiên đây là tiền trước thuế, sau đó còn phải trừ thuế”, Hiền kể.
Làm kênh Tik Tok giới thiệu cuộc sống ở nông thôn Đan Mạch
Khi mới qua Đan Mạch, Hiền khá bỡ ngỡ về ngôn ngữ, văn hóa cũng như vấn đề ăn uống. Ban đầu, mọi người nói chuyện hơi khó nghe nhưng Hiền nhờ mọi người nói chậm hơn một chút, sau 1 tháng thì có thể nghe rõ hơn. Về văn hóa, Hiền và các bạn cũng phải cần có thời gian để thích nghi.
Cô gái Thái Nguyên cho biết thêm, việc kiếm đồ ăn châu Á ở Đan Mạch khá khó, phải tìm đến những cửa hàng bán đồ châu Á, đồ Việt Nam mới mua được. Nhưng những cửa hàng này lại không có nhiều và ở xa, cách khoảng 40km.
May mắn là chủ nhà của Hiền rất tâm lý, có thể họ đã tìm hiểu văn hóa của người Việt Nam nên khi nhóm của Hiền đến thì họ đã chuẩn bị sẵn một chiếc nồi cơm điện mới. Nhóm của Hiền rất thân thiết với chủ nhà. Thỉnh thoảng Hiền hỏi: “Tôi có thể quay video và hái táo trong vườn được không” thì chủ nhà rất hưởng ứng. Ngày Giáng sinh, lễ Tết cả nhà cũng tổ chức những bữa tiệc ăn uống vui vẻ.
Dần dần, Hiền đã thích nghi được với cuộc sống ở Đan Mạch, cô có cơ hội được đi du lịch nhiều hơn. Nữ sinh Thái Nguyên lập một kênh Tiktok để giới thiệu về cuộc sống ở vùng nông thôn Đan Mạch và nhận được nhiều sự yêu mến của mọi người.
Trong tương lai, Hiền muốn quay về Việt Nam để hoàn thành chương trình học. Sau đó, cô mong có thể học tiếp hoặc lựa chọn những ước mơ mà mình yêu thích.
Nguồn: Người kết nối, Ảnh: FBNV