Cuộc chiến với Covid-19: Trong giai đoạn này, chỉ nghĩ cho bản thân là điều không thể

Thu Hà | 20-08-2020 - 07:51 AM

(Tổ Quốc) - Không có cuộc chiến nào có thể giành thắng lợi chỉ với công sức của một người hay một nhóm người. Chúng ta không thể biết được khi nào Covid-19 sẽ bị đẩy lùi một lần nữa, nhưng chúng ta có thể góp mình làm một tấm khiên chắn làn sóng lan truyền đáng báo động của nó.

Gần 1 tháng kể từ khi Việt Nam bước vào “làn sóng thứ 2” của Covid-19, cuộc sống bình thường một lần nữa bị đảo lộn. Chúng ta lại quay về khoảng thời gian trông ngóng tin tức từ Bộ Y tế mỗi ngày, quen với việc update liên tục những “ca nhiễm mới", “lịch trình bệnh nhân”, “phong toả khu vực”...  

Trong cuộc chiến khó có thể tiên đoán thời gian này, mỗi người dân Việt Nam đều cần phải biết rằng: Đây không phải một câu chuyện cổ tích. Việt Nam ta không phải thành Hamelin, nơi một người thổi sáo lạ mặt xuất hiện và dụ lũ chuột quấy phá chạy đi mất. Không có cuộc chiến nào có thể giành thắng lợi chỉ với công sức của một người hay một nhóm người. Chúng ta không thể biết được khi nào Covid-19 sẽ bị đẩy lùi một lần nữa, nhưng chúng ta có thể góp mình làm một tấm khiên chắn làn sóng lan truyền đáng báo động của nó.

Cuộc chiến với Covid-19: Trong giai đoạn này, chỉ nghĩ cho bản thân là điều không thể - Ảnh 1.

Đừng ngủ quên, hãy luôn có ý thức!

Những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, người ta thấy cảnh một vài người khóc nấc ngay trước hàng rào ngăn với khu cách ly: họ không thể gặp mặt người thân lần cuối. Bên trong cuộc chiến lớn của đất nước - cuộc chiến giành giật sự yên bình và cả sự sống từng ngày một, là những cuộc chiến nhỏ mà không kém phần dữ dội: nỗi đau của sự mất mát, của nỗi xót xa không gì làm thuyên giảm nổi việc không thể đoàn tụ lần cuối với người cùng máu mủ. Người ta lặng người đi vì cảnh ấy.

Bên cạnh những cuộc chiến như thế, cũng có những cá nhân khiến chúng ta chỉ biết thở dài. Tổ chức đưa người qua biên giới, hứa hẹn không phải trải qua xét nghiệm và cách ly mười bốn ngày, với giá vài triệu đồng. Chạy trốn khỏi bệnh viện với lý do “không tiện nói”, thậm chí tìm cách trốn khi biết nơi lưu trú của mình chuẩn bị bị phong toả. Hay một câu chuyện đầy ngán ngẩm mà chúng ta từng chia sẻ vào tháng trước khi dịch mới xuất hiện trở lại: Cả đoàn du lịch chạy trốn khỏi Đà Nẵng trong một đêm căng thẳng tới ngạt thở vì tình hình dịch bệnh. 

Hay chỉ cần một vài hành động thờ ơ nhưng lại vô cùng tai hại cho cộng đồng như thấy bản thân bắt đầu ho, sốt mới tới trung tâm y tế khai báo là F1 dù trước đó cơ quan y tế đã có nhiều thông báo khẩn yêu cầu những người tiếp xúc phải khai báo, tự cách ly. Một hành động chủ quan, có phần thiếu hiểu biết như xét nghiệm nhanh có kết quả âm tính đã chắc chắn mình không mắc Covid-19, rồi gặp gỡ nhiều người mà không tự cách ly đủ 2 tuần quy định, đều khiến cho công tác phòng, chống dịch, khoanh vùng dịch thêm phần khó khăn. Họ là những người đã quay lưng lại với cuộc chiến đang trong kỳ cam go nhất. 

Vài triệu đồng trên một người qua biên giới bất hợp pháp, có phải là một số tiền lớn? Hẳn nhiên, ấy là một con số rất lớn, những nỗi lo cơm áo gạo tiền nặng gánh khiến người ta tìm mọi cách để kiếm sống, có khi không chỉ vì bản thân họ. Nhưng chỉ như thế chưa thể là đủ để biến hành động của họ trở nên có lí và dễ cảm thông. Chỉ một chiếc vít vặn lỏng, một miếng ván đặt lệch, cả một giàn giáo được gây dựng kỳ công cũng có thể sụp đổ, công sức có thể trở thành dã tràng xe cát. Nỗi lo cơm áo là nỗi lo trước mắt, nỗi lo khả kiến và có thể cảm nhận được, còn nỗi lo dịch bệnh giống như một bóng ma, to lớn đấy, bủa vây đấy, nhưng xét ra vẫn còn chưa cảm nhận được. Bởi thế mà người ta nảy sinh trạng thái chủ quan, thậm chí xem thường tình hình, chỉ nhìn nhận tới lợi ích của chính mình trước nhất. Nhưng con người mà, ai mà chẳng vậy?

Nhưng trong thời khắc này, chỉ suy nghĩ cho bản thân là điều không thể.

Có những bác sĩ từ những bệnh viện lớn đồng thuận tiến vào tâm dịch, dẫu cho chính họ luôn luôn phải đối mặt với hiểm nguy rình rập tới cả tính mạng. Rất nhiều y bác sĩ, trong quá trình chữa trị, cũng trở thành một nạn nhân của Covid. Cuộc đời họ không chỉ là cuộc đời họ, mà còn là rất nhiều cuộc đời khác, cuộc đời của cả đất nước. Cuộc chiến nào cũng phải có những sự hy sinh, và họ chính là những người đầu tiên sẵn sàng hy sinh thân mình để giành giật yên bình. Tại sao mỗi chúng ta lại không thể là người tiếp theo tạm đưa lợi ích của chính mình vào vị trí thứ yếu, và nhìn rộng ra hơn nữa: ta không thể đứng ngoài một cuộc chiến có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất nước ta, những người đồng bào của ta, và có thể là chính bản thân ta?

Cuộc chiến với Covid-19: Trong giai đoạn này, chỉ nghĩ cho bản thân là điều không thể - Ảnh 2.

Niềm tin là thành trì vững chắc nhất

Ngày cuối cùng của tháng Bảy, Việt Nam ta đã có những mất mát đầu tiên vì Covid-19, đều là những người cao tuổi và mắc bệnh lý nền nặng. Sự hoang mang cũng vì thế mà ít nhiều xuất hiện trong cộng đồng. Covid-19 trở lại, nhanh hơn và tàn khốc hơn, buộc chúng ta phải đối diện với những điều khó khăn hơn rất nhiều so với đã từng. Bởi vậy, hơn bất kỳ khoảnh khắc nào, niềm tin trở thành một trong những điều quan trọng nhất.

Dân tộc ta đã từng trải qua hàng trăm cuộc chiến lớn nhỏ, với biết bao mất mát và đau thương, vẫn một lòng tin vào sự lãnh đạo sáng suốt mà chúng ta có. Thời khắc này cũng vậy, chúng ta từng cứu sống bệnh nhân số 91 một cách thần kỳ, từng kiềm toả được con số người mắc bệnh một cách không tưởng. Cảm giác đau thương, xót xa hay lo sợ trước những sự mất mát là không thể tránh khỏi, nhưng sẽ không thể khiến ta mất niềm tin. Không có nơi nào đang “thất thế”, tình hình chung không hề “vỡ trận”. Chỉ cần mỗi người đều quyết tâm chiến đấu, những điều ấy sẽ không xảy ra. Một lần nữa, nếu bạn còn chưa vững niềm tin, hãy làm tất cả để tự chứng minh rằng mình có thể tin vào niềm tin ấy.

Cuộc chiến với Covid-19: Trong giai đoạn này, chỉ nghĩ cho bản thân là điều không thể - Ảnh 3.

Điều kiện cần và điều kiện đủ

Trong khi những y bác sĩ là những người đứng ở tuyến đầu chống dịch, mỗi cá nhân chúng ta cũng chính là một phần của cuộc chiến ấy, là một tấm khiên sống ngăn sự bùng phát dữ dội của kẻ địch. Nếu những y bác sĩ là điều kiện cần của cuộc chiến sống còn, thì chúng ta chính là điều kiện đủ cho sự sống còn của cả dân tộc và của chính mình.

Trạng thái “bất thường cũ” đã trở lại, thay cho trạng thái “bình thường mới” mà chúng ta đã có trong thời gian gần đây. Không ai có thể đứng ngoài cuộc chiến; đất nước Việt Nam cần bạn, cuộc chiến lâu dài của dân tộc cần có bạn đồng hành bằng ý thức và niềm tin sâu sắc nhất.

Vậy cần phải làm gì?

Hãy biết chọn thời điểm để nói và thời điểm để giữ im lặng. Thông báo với cơ quan chức năng khi có lịch trình di chuyển tới vùng dịch, có những biểu hiện lâm sàng để được phát hiện sớm nhất có thể. Không chia sẻ những thông tin sai lệch về tình hình chống dịch, cách chữa bệnh hay tình hình của các bệnh nhân.

Hãy luôn hành động. Giữ sức khoẻ và an toàn cho mình cùng những người thân yêu, tránh tụ tập, thường xuyên theo dõi quá trình phòng chống dịch để có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Cẩn thận ghi lại lịch trình di chuyển, gặp gỡ của mình mỗi ngày. Thực hiện nghiêm túc cách ly và tự cách ly 14 ngày sau khi xét nghiệm. 

Chúng ta có quyền tin vào một tương lai tươi sáng nhất, chỉ cần mỗi cá thể đều chiến đấu bằng tất cả sức mình. Phép màu sẽ không tới như trong truyện cổ, nhưng tất cả chúng ta sẽ làm được những điều hơn cả phép màu.

Việt Nam ta nhất định chiến thắng một lần nữa.

Cuộc chiến với Covid-19: Trong giai đoạn này, chỉ nghĩ cho bản thân là điều không thể - Ảnh 4.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM