Cuộc chiến với Covid-19 ở Châu Âu: Sao ra cơ sự này?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga | 25-03-2020 - 08:04 AM

(Tổ Quốc) - Dự báo dịch vẫn còn diễn biến phức tạp tại những quốc gia Châu Âu, Mỹ thì hiển nhiên là số người chết do Covid-19 còn tăng mạnh vì chưa đạt đỉnh dịch.

Đến ngày 21 tháng 3 năm 2020, cuộc chiến của nhân loại với Covid-19 đã thay đổi cục diện hoàn toàn. Số người chết do dịch của chỉ riêng của Italia (4032) đã vượt qua Trung Quốc (3255). Nếu cộng tổng số người chết do dịch ở các nước phát triển châu Âu thì đã chiếm trên hơn hai phần ba số người thiệt mạng trên toàn cầu.

Ngay ở Mỹ thì con số tử vong cũng đang tăng lên không ngừng (276). Tại Thụy Sĩ , nơi mà Tổ chức Y tế thế giới đặt đại bản doanh thì dịch Covid-19 vẫn tung hoành.

Dự báo dịch vẫn còn diễn biến phức tạp tại những quốc gia này và hiển nhiên là số người chết do Covid-19 còn tăng mạnh vì chưa đạt đỉnh dịch. Trong khi đó thì ở nơi xuất phát của virus SARS-CoV-2 là Vũ Hán thì cuộc sống đã trở lại bình thường, không phát sinh thêm ca mới nên số tử vong Trung Quốc có thể sẽ dừng lại ở mức như hiện nay.

Thế giới đang ngỡ ngàng tự hỏi tại sao vậy? Những quốc gia có nền y tế hàng đầu của nhân loại đang bị dính đòn nặng nề, thậm chí là chí mạng. Con virus bé nhỏ, mong manh, gần như vô hình, chưa phải là một vật sống hoàn chỉnh, đã làm đảo lộn thế giới.

Cuộc chiến với Covid-19 ở Châu Âu: Sao ra cơ sự này? - Ảnh 1.

Nhận định sai tình hình dịch khiến cho các nước Châu Âu và Mỹ lâm vào tình trạng số ca mắc và tử vong do bệnh Covid-19 tăng.

Người chết, kinh tế bị đình trệ, xã hội có nơi đang hỗn loạn. Có nhiều lý do mà các nhà bình luận quốc tế về sức khỏe đã đưa ra như sự chủ quan của chính quyền một số nước với học thuyết "miễn dịch cộng đồng", tỷ lệ người cao tuổi cao (dân số già) ở các nước phát triển, hệ thống y tế quá tải, do đấu đá chính trị...

Tuy nhiên, có một lý do rất quan trọng mà họ chưa nói đến, hoặc không muốn đề cập tới là sự tổ chức hệ thống đáp ứng dịch bệnh của các nước Âu, Mỹ đã tỏ ra khiếm khuyết trong đại dịch này.

Từ lâu rồi các chuyên gia y tế đã coi tổ chức CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) Hoa Kỳ là "khuôn vàng thước ngọc" trong phòng chống dịch bệnh. Hầu hết các nước trên thế giới đều xây dựng theo mô hình này.

Thực tế thì CDC Hoa Kỳ là một tổ chức hàng đầu về y tế dự phòng, với ngân sách hàng năm lên tới hàng chục tỷ đô la, với các văn phòng đặt trên khắp thế giới. Họ có những phòng nghiên cứu, thí nghiệm tối tân hiện đại bậc nhất với những chuyên gia rất giỏi về kiểm soát dịch bệnh.

Ngay tại Việt Nam, văn phòng CDC Hoa Kỳ cũng có tới hàng trăm nhân viên giỏi. Nhưng có lẽ sau đại dịch này thì người Mỹ cũng sẽ phải ngồi lại để rút ra những bài học cho mình.

Hình như lần này các chuyên gia phòng dịch của phương Tây đã nhận định không đúng về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 nên họ đã tham mưu sai cho lãnh đạo của mình.

Ngay cả khi dịch bùng phát mạnh ở Vũ Hán làm chết nhiều người, thì các nhà lãnh đạo phương Tây, kể cả tổng thống Trump, cũng nói nó chẳng nguy hiểm gì hơn dịch cúm thường đang làm chết hàng chục ngàn người ở Mỹ.

Nhưng họ không phân biệt rõ cái khác của cúm mới với cúm thường với sự lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là diễn biến viêm phổi nhanh mà trong dịch cúm thường hiếm gặp. Và họ đã chủ quan mất cảnh giác rồi trở tay không kịp.

Ngoài sự tham mưu chưa chuẩn xác thì cách tổ chức hệ thống y tế dự phòng để kiểm soát dịch bệnh của các nước phát triển cũng cần phải có sự tái cấu trúc từ bài học đại dịch Covid-19. Tổ chức CDC của họ thường là có một trung tâm rất mạnh của quốc gia và một số trung tâm chi nhánh được bố trí theo khu vực địa lý.

Những ca bệnh đầu tiên của một vụ dịch thường do các bác sĩ lâm sàng ở bệnh viện hoặc đôi khi các bác sĩ gia đình phát hiện và báo về cho CDC. Sau khi phân tích, nhận định tình hình thì CDC sẽ cử một đội tác chiến với kỹ thuật cao, chuyên gia giỏi đến xử lý.

Tuy nhiên khi dịch bùng phát rộng thì các CDC trung tâm và chi nhánh sẽ không còn đủ nhân lực để chiến đấu với dịch bệnh. Các bác sĩ bệnh viện và bác sĩ gia đình thì lo điều trị nên không thể hỗ trợ. Tổ chức y tế nhà nước ở địa phương thì chủ yếu là công chức quản lý không rành về chuyên môn. Cuối cùng là dịch cứ bùng phát nơi này lan sang nơi kia như hỏa hoạn không thể dập tắt.

Nếu ta chú ý theo dõi thì trong đại dịch này, cho đến thời điểm hiện tại, nền y tế các nước như Lào, Triều Tiên, Cu Ba, rồi như Nga và các nước Đông Âu, các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ đều khống chế tốt dịch Covid-19, mặc dù một số nước có khí hậu như Vũ Hán, Ý, Pháp, Đức.

Trung Quốc sau cú knock-out do bất ngờ đã kịp đứng dậy nhanh chóng. Sự tổ chức hệ thống y tế dự phòng của các nước này ít nhiều vẫn mang dáng dấp của hệ thống Vệ sinh phỏng dịch của Liên xô cũ mà chúng tôi sẽ trình bày trong những bài tiếp theo.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng Khoa Y tế công cộng và Điều dưỡng - Trường Đại học Quang Trung, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Cuộc chiến với Covid-19 ở Châu Âu: Sao ra cơ sự này? - Ảnh 4.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM