Cuộc chiến âm thầm giữa TT Putin-Erdogan ở Nagorno-Karabakh: Nga có nguy cơ mất biển Caspi?

Bảo Lam | 17-10-2020 - 13:01 PM

(Tổ Quốc) - Cuộc đối đầu giữa TT Putin và TT Erdogan ở Nagorno-Karabakh được phương Tây ví von như cuộc chiến âm thầm giữa Nga hoàng và Sultan.

Cuộc đối đầu giữa Sa hoàng và Sultan

Trong xung đột Armenia-Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh, ngoài các bên liên quan chính còn có một thế lực khác xen vào, đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo trang tin svpressa.ru, Ankara đã tìm cách gây dựng ảnh hưởng lên tình hình Nagorno-Karabakh từ nhiều thế kỷ trước. Việc này được cho là nhằm hiện thực hóa kế hoạch hồi sinh “Đế chế Ottoman” của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin có một vài kế hoạch khác đối với Nam Caucasus. Ông chủ Điện Kremlin không có ý định đánh mất sự kiểm soát trong vùng nhưng lại hành động có phần thiếu cương quyết hơn ông Erdogan trong bối cảnh hiện nay.

Theo Svpressa, đến ngày 7/10, Tổng thống Putin mới lần đầu tiên bình luận về cuộc xung đột vũ trang giữa Armenia-Azerbaijan khi tuyên bố Moscow sẵn sàng thực hiện các trách nhiệm đồng minh trước Yerevan và kêu gọi ngừng bắn.

Và trong cuộc điện đàm mới đây (hôm 14/10) với Tổng thống Erdogan, ông Putin đã nói về tầm quan trọng của việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn và thúc đẩy tiến trình chính trị nói riêng trên cơ sở những đề xuất của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Đương nhiên, ông Putin bày tỏ cả sự quan ngại sâu sắc liên quan tới việc các phiến quân từ khu vực Trung Đông đã tham gia vào chiến sự ở Nagorno-Karabakh.

Song, cuộc nói chuyện không có bất cứ lời lẽ mang tính "đe dọa" hay "cảnh cáo" nào, và kết thúc là những vấn đề liên quan tới đại dịch COVID-19.

Cuộc chiến âm thầm giữa TT Putin-Erdogan ở Nagorno-Karabakh: Nga có nguy cơ mất biển Caspi? - Ảnh 1.

Cuộc đối đầu giữa TT Putin và TT Erdogan ở Nagorno-Karabakh được phương Tây ví von như cuộc chiến âm thầm giữa Nga hoàng và Sultan. Ảnh: Politico.eu

Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại không can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh nhưng vẫn cung cấp cho quân đội Azerbaijan vũ khí và đạn dược. Ngoài ra, nước này còn đứng trước cáo buộc đưa lính đánh thuê từ Syria tới Azerbaijan.

Với sự hậu thuẫn này từ Ankara, theo Svpressa, cán cân lực lượng đang nghiêng rõ ràng về phía Baku, dù không phải ngay tức thì nhưng vẫn có thể giành được chiến thắng chiến thắng cuối cùng. Điều đó đồng nghĩa ông Erdogan đang giành thế thượng phong, và nhờ đó triển khai một phần kế hoạch của mình.

Nhiều phương tiện truyền thông quốc tế đánh giá những sự kiện diễn ra tại Nagorno-Karabakh như một cuộc đối đầu giữa “Sultan" Erdogan [tước hiệu chỉ vua của ở các xứ mà Hồi giáo được tôn là quốc giáo] và “Sa hoàng"[hay Nga hoàng] Putin.

Vấn đề đau đầu nhất đối với Nga là sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì nó chạm tới mạng sườn nhạy cảm nhất của Nga: Caucasus. Tổng thống Erdogan đã bước qua 2 lằn ranh đỏ: Biến Azerbaijan thành một 'công cụ mới' trong chính sách thôn tính và đưa lính đánh thuê Syria ra mặt trận.

Ông Erdogan một lần nữa thúc đẩy mối hiểm họa Hồi giáo ở nơi nó đã từng tồn tại từ lâu, và chứng tỏ rằng Nga không phải là cường quốc duy nhất có thể triển khai các chiến dịch quân sự ở nơi đó.

Moscow không phải ngẫu nhiên mà quan ngại về tình hình bất ổn có thể xảy ra tại các nước cộng hoà Hồi giáo ở Bắc Caucasus nói chung, ở Chechnya nói riêng, nơi đã từng nổ ra những cuộc chiến tranh khốc liệt vào thập niên 90” - Tờ Le Point của Pháp viết.

Mối đe dọa với biển Caspi

Theo Svpressa, còn thêm một mối nguy hiểm khá nghiêm trọng với Nga liên quan tới sự tăng cường hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Caucasus – đó là lối đi của nước này thẳng ra biển Caspi.

Hiện giờ đó là nơi giao cắt lãnh hải của Nga, Kazakhstan, Turkmenia, Iran và Azerbaijan. Trong số các quốc gia có lực lượng hải quân ở vùng biển Caspi thì ưu thế đang thuộc về Hạm đội Caspi của Nga - điều giúp bảo vệ những lợi ích của Nga tại khu vực này.

Vấn đề không phải vì có nhiều trữ lượng dầu khí tập trung trên biển Caspi, mà 90% sản lượng cá tầm đều nằm ở đây. Ngoài ra, đó chính là cánh cửa mở trực tiếp tới bờ cõi phía nam của Nga, nơi có thể trở thành mục tiêu tấn công của NATO. Hiện giờ điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Cuộc chiến âm thầm giữa TT Putin-Erdogan ở Nagorno-Karabakh: Nga có nguy cơ mất biển Caspi? - Ảnh 2.

Một cuộc tập trận của Hạm đội Caspi (Nga). Ảnh: Express.co.uk

Theo chuyên gia quân sự người Israel Yakov Kedmi, Thổ Nhĩ Kỳ có thể xây dựng các căn cứ quân sự tại Caspi dưới hình thức hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan và đưa tới đó các đơn vị của NATO. Trong trường hợp này, máy bay quân sự của Mỹ và Anh có thể thực hiện các chiến dịch chiến lược trên biển.

Theo ông Kedmi, Nga cần gia tăng thành phần tàu chiến của hạm đội Caspi, thiết lập lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa, triển khai thêm các đơn vị phòng vệ bờ biển, đồng thời sẽ phải tạm gác cuộc tranh giành địa vị thống trị trong vùng và cạnh tranh trên không/biển tại Caspi với NATO.

Tất nhiên, Moscow có thể tính tới mối quan hệ đồng minh với Kazakhstan (quốc gia có lãnh hải dài nhất) trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể.

Có lẽ cả Iran cũng không thích thú với việc các căn cứ của NATO được triển khai gần biên giới của mình, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ giữa Tehran và Washington vẫn còn rất căng thẳng. Turkmenistan nhiều khả năng sẽ giữ vị trí trung lập. Tuy nhiên, Nga vẫn sẽ hết sức đau đầu với diễn biến như vậy.

Svpressa nhận định, phải chăng việc Tổng thống Putin không “ra tay” để bảo vệ Nagorno-Karabakh hiện nay ẩn chứa kế hoạch bí mật của ông để Thổ Nhĩ Kỳ không đưa quân tới Azerbaijan? Và Nga sẽ vẫn giữ được biển Caspi?

Tuy nhiên, có thể chắc chắn một điều rằng nếu bây giờ nắm chặt được Nagorno-Karabakh thì ông Erdogan có lẽ sẽ không dừng lại. Và khi đó tầm ảnh hưởng của Nga tại Caucasus có phải nguy cơ sẽ phải khôi phục bằng vũ lực như từng xảy ra 2 thế kỷ trước.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM