Cứ đến ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng), người Việt, đặc biệt là người làm ăn buôn bán lại chuẩn bị ban thờ, dâng các lễ vật để cầu 1 năm bội thu tiền tài, may mắn. Vào ngày này, có một số điều kiêng kỵ các gia chủ cần tránh, nếu không tài lộc bay mất, vận xui đầy nhà.
1. Bàn thờ Thần Tài kê gần nơi ô uế
Vị trí bàn thờ Thần Tài nên được kê ở nơi có thể bao quát toàn bộ cửa chính, đặc biệt cần tránh những nơi ô uế như nhà tắm, nhà vệ sinh. Đặt bàn thờ gần những khu vực này sẽ làm mất đi sự trang nghiêm, tôn kính, khiến thần linh nổi giận. Bên cạnh đó, các gia chủ không nên đặt bàn thờ trong phòng bếp bởi việc nấu nướng cũng ảnh hưởng không tốt đến nghi lễ thờ cúng.
2. Để bàn thờ Thần Tài lộn xộn, bụi bặm
Khác với bố trí nội thất, sắp xếp đồ thờ cúng ở bàn thờ có những quy tắc nhất định, không thể theo ý thích của gia chủ. Một bàn thờ "chuẩn" sẽ có bát nhang ở giữa, bên trái là tượng Thần Tài, bên phải là tượng Thổ Địa. Ba hũ muối - gạo - nước nên nằm sau bát hương và giữa tượng Thần Tài - Thổ Địa. Bàn thờ nên được lau dọn sạch sẽ trước khi cúng, tránh bố trí nhiều đồ gây lộn xộn, rối mắt.
3. Không tịnh sái tượng Thần Tài - Thổ Địa
Việc tịnh sái hay lau chùi tượng Thần Tài - Thổ Địa cần được chuẩn bị kỹ càng trước khi buổi lễ diễn ra. Để tượng bám đầy bụi bặm cho thấy gia chủ không thành tâm, do đó ảnh hưởng đến tài vận và đường công danh sự nghiệp. Các gia chủ có thể dùng các loại nước thơm như nước hoa bưởi, nước gừng, thảo mộc để lau sạch tượng Thần Tài - Thổ Địa, cũng như toàn bộ bàn thờ. Khi lau xong hãy dùng khăn sạch để lau khô lần nữa trước khi đặt tượng lên ban thờ.
4. Không dùng đèn điện, đèn nháy thay cho đèn dầu, nến
Tuy đèn điện, đèn nháy thuận tiện hơn đèn dầu nhưng đây lại được xem là điều cấm kỵ. Bởi lẽ đèn điện, đèn nháy có thể sinh ra những trường năng lượng tiêu cực, dễ ảnh hưởng đến việc thờ cúng và cản trở đón lộc vào nhà.
5. Không cúng bằng hoa quả giả
Trong phong thuỷ tối kỵ dùng hoa giả, quả giả, việc thờ cúng Thần Tài cũng tương tự. Để tỏ lòng thành kính với thần linh, bạn nên chọn quả tươi, ngon, có mùi thơm dễ chịu. Những loại hoa cúng được thần linh "ưng ý" có thể kể đến lay ơn, hoa cúc, hoa đồng tiền...
6. Không chia lộc cúng Thần Tài cho người khác
Khác với những dịp lễ, Tết, sau khi cúng ngày vía Thần Tài, bạn không nên chia lộc cho người ngoài, những người không phải người thân trong gia đình. Việc làm này sẽ dẫn đến tán lộc, tiền tài, của cải đều bị thất thoát hết. Hành lễ xong xuôi, muối và gạo nên cất đi, còn bát nước nên hắt từ bên ngoài vào trong nhà, ngụ ý tài lộc chảy vào nhà như nước.
7. Kiêng kỵ xô xát, nói tục
Trong quá trình cúng ngày vía Thần Tài, để giữ không khí trang nghiêm, các gia chủ cần tránh xô xát, nói lời thô tục, mắng mỏ, chửi bậy. Gia đình bất hoà sẽ khiến thần linh phật ý, tài lộc tiêu tán, làm ăn gặp nhiều trắc trở.
Nguồn: Tổng hợp