GDP Thái Lan được dự báo sẽ giảm tới 8,1% trong năm nay, theo Ngân hàng Thái Lan (BoT). Con số tồi tệ này chính là dự báo tăng trưởng chính thức thấp nhất châu Á, và sẽ là mức giảm GDP lớn nhất từ trước đến nay của Thái Lan, nặng nề hơn cả khủng hoảng tài chính châu Á hai thập kỷ trước.
Mới đây, IMF cũng đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Thái Lan năm 2020. Trong báo cáo lần này, Thái Lan dự kiến suy giảm 7,7% (tăng trưởng -7,7%), giảm thêm 1% nữa so với dự báo tháng 4. Như vậy Thái Lan trở thành quốc gia suy giảm kinh tế nặng nề nhất châu Á, dù được dự báo sẽ quay lại mức tăng trưởng 5% vào năm 2021.
"Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy cầu nội địa để cứu ngành du lịch, khi đại dịch Covid-19 khiến họ không thể đón khách quốc tế", ông Kiatipong Ariyapruchya, chuyên gia kinh tế cao cấp của Thái Lan tại Ngân hàng Thế giới cho biết, "Thái Lan có sự phụ thuộc lớn vào ngành du lịch, chiếm gần 15% GDP và cũng phụ thuộc không nhỏ vào các ngành định hướng xuất khẩu. Do đó, cú sốc lớn đối với GDP là điều chắc chắn sẽ xảy ra".
Các chuyên gia được Bloomberg hỏi đã dự đoán, nền kinh tế của Thái Lan sẽ suy giảm nhiều hơn các nước khác ở Đông Nam Á, có thể là ở mức 6%, sự phục hồi trong năm 2021 cũng sẽ thấp hơn các nước láng giềng, là 4%.
Ngược lại, triển vọng kinh tế của Việt Nam lại được cả Bloomberg và IMF tỏ ra lạc quan. Bloomberg nhận định về tăng trưởng quý 2/2020 của Việt Nam: Nền kinh tế của Việt Nam bất ngờ tăng trưởng dù Covid-19 bùng phát.
Trong khi, IMF thì giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong báo cáo mới nhất. IMF cho rằng, Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2020 và tăng lên 7,0% trong năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất châu Á và thuộc nhóm cao nhất thế giới, chỉ sau một số quốc gia châu Phi - cận Sahara.
Tình trạng khẩn cấp, lệnh giới nghiêm vào ban đêm và việc đóng cửa kinh doanh trên toàn quốc để chống lại Covid-19 đã tác động trực tiếp đến tiêu dùng và đầu tư tư nhân, vốn đã có xu hướng giảm nhẹ vào năm ngoái. Các giao dịch trong nền kinh tế dự kiến sẽ tăng khi các hạn chế giãn cách xã hội được dỡ bỏ, và khi các biện pháp kích thích của chính phủ tiếp cận được đến toàn nền kinh tế. Nhưng Bloomberg cho rằng, các nhà đầu tư sẽ rất dè dặt trong bối cảnh triển vọng kinh tế ảm đạm.
Thái Lan không có khách du lịch nước ngoài trong hai tháng liên tiếp (tháng 4 và tháng 5), vì đại dịch buộc họ phải đóng cửa biên giới. Lượng khách du lịch hàng năm được dự báo sẽ giảm xuống còn 8 triệu, chỉ bằng 1/5 tổng số năm ngoái.
Mặc dù Thái Lan có kế hoạch mở bong bóng du lịch với các quốc gia kiểm soát được Covid-19, các nhà chức trách mở cửa rất chậm và cẩn thận. Du lịch nội địa sẽ không bù đắp được những tổn thất to lớn của du lịch quốc tế. Năm ngoái, ngành du lịch chiếm khoảng một phần năm nền kinh tế của Thái Lan.
Thoạt nhìn, xuất khẩu của Thái Lan dường như đã tăng tương đối tốt trong năm nay, chỉ giảm 2% trong 5 tháng đầu năm 2020. Nhưng hóa ra, vì giá vàng tăng trong đợt bùng phát dịch, các nhà đầu tư địa phương bán vàng, làm tăng tổng xuất khẩu. Trên thực tế, lượng hàng hóa không phải vàng xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Đến nay, đồng baht đã tăng giá 6% so với đồng đô la Mỹ. Ngân hàng trung ương đã cho thấy mối quan tâm về sức mạnh của đồng baht, gây cản trở xuất khẩu và phục hồi kinh tế. Các quan chức đã cảnh báo họ đang xem xét để điều tiết giá đồng baht nếu cần.