Crimea đang khiến Nga mất nhiều hơn được: Cái giá quá đắt sẽ châm ngòi chiến tranh với Ukraine?

QS | 10-12-2020 - 12:15 PM

(Tổ Quốc) - Các con số ngân sách đang khiến ngày càng nhiều người Nga đặt câu hỏi: Liệu Crimea có xứng đáng để họ phải chi nhiều tiền tới vậy hay không?

Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation (JF), trong bầu không khí phấn khích xung quanh việc Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập Crimea 6 năm trước, phần lớn người Nga đều sẵn lòng chi tiền để hợp nhất khu vực này vào Liên bang Nga. Song, vào thời điểm ấy, họ không biết quá trình đó sẽ tốn bao nhiêu tiền của.

Quyết định sáp nhập Crimea đã dẫn tới các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Ngoài ra, các nhà chức trách ở Moscow cũng chưa bao giờ đưa ra được ước tính trung thực về số tiền cần phải chi cho việc này [đó là chưa kể đến chuyện phải chi trong thời gian bao lâu], ngay cả sau khi Điện Kremlin tuyên bố việc sáp nhập bán đảo đã hoàn thành.

Nếu như nền kinh tế Nga phát triển tốt thì chuyện đó không phải là vấn đề, nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Theo chuyên gia phân tích các vấn đề khu vực Anton Chablin, số liệu ngân sách được công bố gần đây cho thấy khoản chi tiêu khổng lồ dành cho Crimea sẽ tiếp tục được duy trì.

Crimea đang khiến Nga mất nhiều hơn được: Cái giá quá đắt sẽ châm ngòi chiến tranh với Ukraine? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh hoàn thành quá trình sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga ngày 21/3/2014. Ảnh: Reuters.

Moscow có kế hoạch dành ra không dưới 102 tỷ rúp (1,5 tỷ USD) để hỗ trợ 68% ngân sách của Crimea. Con số đó lớn hơn các khoản trợ cấp dành cho Dagestan và Chechnya [lần lượt là 96,7 tỷ rúp (1,4 tỷ USD) và 78,8 tỷ rúp (1,1 tỷ USD)].

Các con số mà ông Chablin trích dẫn có thể khiến ngày càng nhiều người Nga đặt câu hỏi: Liệu Crimea có xứng đáng để họ phải chi nhiều tiền tới vậy hay không?

Ngay từ khi bắt đầu sáp nhập, các nhà quan sát độc lập của Nga đã chỉ ra rằng chi phí trực tiếp liên quan đến việc hợp nhất Crimea sẽ lớn hơn nhiều và kéo dài hơn so với những gì Điện Kremlin đã hứa hẹn.

Ví dụ, theo nhà sử học Arkady Popov, việc Điện Kremlin cam kết chấm dứt các khoản trợ cấp lên tới 1.000 tỷ rúp (160 tỷ USD) chỉ sau 5 hoặc 6 năm là vô lý.

Trên thực tế, số tiền đó đã vượt quá mức mà Moscow có thể chi trả - nó vượt quá cả mức trợ cấp dự kiến cho Bắc Caucasus và vùng Viễn Đông của Nga trong khi vẫn còn xa mới tới mức đủ, xét tới sự sụp đổ của nền kinh tế Crimea sau khi Nga sáp nhập.

Bên cạnh đó, thậm chí nhiều người Nga đã phàn nàn rằng, Moscow "chi hàng tỷ" cho Crimea nhưng không có tiền để sửa sang lại những ngôi nhà đang xuống cấp cho họ.

Trong những năm qua, nhiều chuyên gia khác nhau đã cố gắng đánh giá sự hỗ trợ của Moscow đối với Crimea, tuy nhiên, phần lớn các khoản chi tiêu dường như đều được giữ kín.

Có lẽ ước tính hợp lý nhất đến từ nhà kinh tế học Sergei Aleksashenko hồi năm ngoái. Trong một bản nghiên cứu dài, ông Aleksashenko khẳng định Crimea tính đến thời điểm đó [2019] đã khiến Nga tiêu tốn 1,5 nghìn tỷ rúp (23,5 tỷ USD).

Nhà kinh tế học chỉ ra rằng con số đó tương đương với khoảng 10.000 rúp (160 USD) chi cho mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở Liên bang Nga. Hay theo một cách so sánh khác, Moscow hiện đang chi cho Crimea gấp 357 lần số tiền họ chi cho Viện Hàn lâm Khoa học Nga, mặc dù ông Aleksashenko thừa nhận phần lớn người Nga, tính đến năm 2019, không nghĩ rằng việc sáp nhập có tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ.

Sự chấp nhận thụ động đó giờ đây có thể đang dần thay đổi do thứ nhất, những con số ngân sách này được đưa ra ánh sáng vào thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành và thứ hai, người Nga ngày càng nhận thức được các chi phí tài chính phụ thêm cho Crimea không được tính vào các khoản trợ cấp cơ bản. Trong số các khoản chi phí liên quan lớn nhất có khoản Moscow buộc phải chi để đảm bảo bán đảo Crimea có đủ nước uống.

Với các khoản chi tiêu khổng lồ hiện nay, cùng với sự mâu thuẫn trong lòng dân, JF cho rằng, những điều đó có thể thúc đẩy Tổng thống Putin đi đến một giải pháp thay thế: Khởi động chiến dịch quân sự mới chống lại Ukraine để giành quyền kiểm soát nguồn cung cấp nước mà Crimea đã mất quyền tiếp cận khi sáp nhập vào Nga.

Nếu xảy ra, điều đó có thể sẽ làm bùng phát xung đột quân sự giữa Moscow và Kiev, kéo theo nhiều hậu quả sâu rộng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM