Khi các cú sốc ập đến với kinh tế toàn cầu, phố Wall sẽ nhìn vào lịch sử để dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo. Dịch bệnh Covid-19 bùng nổ ở Trung Quốc thường được so sánh với dịch SARS. Khi dịch này bùng nổ năm 2003, Trung Quốc bị giáng 1 đòn đau vào tăng trưởng kinh tế, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ. Ở thời điểm hiện tại, mặc dù Covid-19 hiện đã khiến nhiều người tử vong hơn SARS, các nhà đầu tư vẫn lạc quan rằng các tác động kinh tế sẽ đi theo xu hướng của 17 năm trước.
Ngày 12/2, tâm dịch Hồ Bắc bất ngờ công bố có 14.840 ca nhiễm mới, tăng vọt so với các ngày trước đó, với lý do là thay đổi phương pháp thống kê. Mặc dù các số liệu thống kê vẫn bị nghi ngờ về tính minh bạch, các chỉ số như số ca nhiễm mới bên ngoài Hồ Bắc hay tổng số ca nghi ngờ giảm xuống cho thấy có lẽ dịch bệnh sẽ diễn biến khả quan hơn.
Cho đến nay động thái mạnh mẽ nhất của hầu hết các chuyên gia kinh tế chỉ là hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020. TTCK Trung Quốc đã hồi phục trở lại sau khi giảm mạnh trong phiên mở đầu năm ngoái. TTCK toàn cầu hiện đang ở mức cao hơn tháng 1, khi thế giới nhận thức rõ ràng về mức độ trầm trọng của dịch bệnh.
Xem thêm các thông tin mới nhất, diễn biến kinh tế trong và ngoài nước dưới tác động của dịch nCoV tại đây
Chúng ta hi vọng rằng niềm lạc quan của họ là đúng đắn. Nhưng phép so sánh giữa Covid-19 với SARS vẫn dựa trên 2 giả thiết không chắc chắn: việc kiểm soát được virus sẽ dẫn đến triển vọng kinh tế tốt hơn, và thế giới vẫn vận hành giống như 17 năm trước, khi bị đe dọa bởi SARS.
Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhưng Covid-19 lại dễ lây lan hơn SARS. Trung Quốc hiện đang giảm tốc độ lây lan bằng cách áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển một cách hà khắc và bắt các doanh nghiệp đóng cửa. Hiện các nhà máy ở những tỉnh đóng góp hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đang đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.
Rất khó để cường điệu về tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế Trung Quốc. Lượng tiêu thụ than hiện thấp hơn 30% so với mức trung bình ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái, doanh số bất động sản giảm hơn 90%. Sau kỳ nghỉ khoảng 200 triệu người dân Trung Quốc sẽ từ quê hương lên thành phố để quay trở lại với công việc, nhưng năm nay những chuyến tàu chở người nhập cư gần như trống rỗng. Nhiều thành phố cảnh báo người nhập cư rằng họ có thể phải cách ly 14 ngày. 9 trong số 10 công ty tham gia khảo sát của phòng thương mại Mỹ ở Thượng Hải cho người lao động làm việc từ xa tại nhà. Các nhà hàng vắng tanh vì mọi người không dám ăn đồ do những người xa lạ chuẩn bị mà không chắc họ có nhiễm bệnh hay không. Starbucks đã đóng cửa một nửa (tức khoảng 2.000) cửa hàng ở Trung Quốc.
Phép so sánh Covid-19 với SARS vẫn là một phép so sánh khiến người ta nghi ngờ. Nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi quá nhiều từ năm 2003 đến nay. Tỷ trọng đóng góp của Trung Quốc vào GDP toàn cầu đã tăng từ 4% lên 16%. Hiện Trung Quốc đang là nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới. Và khách du lịch Trung Quốc – nhóm đã chi tới 250 tỷ USD mỗi năm khi đi du lịch nước ngoài – giờ đang ở nhà.
Không chỉ quy mô kinh tế Trung Quốc tăng lên, các nhà sản xuất của nước này đã tiến những bước vững chắc trên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với thời điểm 2003. 1 nhà máy ở Vũ Hán có thể cung cấp linh kiện cho 1 công ty ở đâu đó tại Trung Quốc, nhưng sau đó công ty này sẽ cung cấp phụ tùng cho nhà máy ở Stuttgart, và sản phẩm cuối cùng lại xuất hiện ở Michigan, Mỹ. Dây chuyền sản xuất just-in-time đồng nghĩa không có khâu nào được phép chậm trễ. Nhiều công ty không thể truy xuất được tận cùng nguồn gốc của tất cả các nhà cung ứng, khiến rất khó để dự đoán ảnh hưởng của việc các nhà máy Trung Quốc đóng cửa lên sản lượng của họ, huống hồ là những tác động lên GDP toàn cầu. Trong khi đó lịch sử cung cấp rất ít bằng chứng mà chúng ta có thể dựa vào để đánh giá hệ lụy khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Cho đến thời điểm hiện tại, một số rắc rối đã xuất hiện. Hyundai đã dừng một số hoạt động sản xuất ở Hàn Quốc vì thiếu phụ tùng. Nissan cũng lâm vào cảnh tương tự ở Nhật Bản. Facebook ngừng nhận đơn đặt hàng thiết bị thực tế ảo trong khi Nintendo trì hoãn xuất xưởng một số thiết bị chơi game mới. Foxconn, công ty lắp ráp điện thoại thông minh cho Apple và Huawei, đã mở cửa nhà máy trở lại nhưng có rất ít công nhân. Và đó chỉ là những thương hiệu quen thuộc với bạn. Trung Quốc sản xuất 1/3 số hóa chất tiêu thụ trên toàn cầu, một nửa số màn hình LCD và 2/3 lượng polyester. Các công ty nghĩ rằng mình không dính dáng gì tới Trung Quốc sẽ ngạc nhiên phát hiện ra rằng sự thực không phải như vậy.
Có vẻ như phố Wall đang lạc quan quá sớm. Các chuyên gia kinh tế nên tập trung vào những thứ có thể đong đếm và định lượng được. Nhưng đáng buồn là dịch covid-19 mang đến rất nhiều rủi ro và chúng không hề dễ cân đo đong đếm.
Tham khảo The Economist