Trong hơn 1 tuần, thế giới đã chứng kiến du thuyền Diamond Princess bị cách ly ngoài khơi bờ biển Yokohama, Nhật Bản. Toàn bộ 3.600 hành khách và thủy thủ đoàn bị mắc kẹt và số lượng người bị nhiễm virus corona lên tới gần 300 người.
Con tàu thứ 2 mang tên Ms Westerdam thì lênh đênh trên biển suốt 2 tuần và bị 5 cảng từ chối nhận do lo sợ có người trên thuyền đã bị Covid-19.
Dù cách xa hàng nghìn dặm so với khu vực bùng phát dịch là Vũ Hán nhưng 4 vị khách Trung Quốc trên một du thuyền ở tại Bayonne, Mỹ cũng bị cách ly sau khi các quan chức y tế kiểm tra 12 người. Kết quả cuối cùng không ai bị nhiễm bệnh.
"Cơn ác mộng"
Trước đây, ngành du thuyền đã đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng như dịch virus noro, rồi đến năm 2012 khi mà con thuyền Costa Concordia rời cảng nước Ý đã bị chìm ngoài khơi, cướp đi mạng sống của 32 người. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 có thể là một thách thức lớn hơn rất nhiều với ngành công nghiệp du thuyền.
"Báo chí càng đưa nhiều thông tin về những du thuyền như Diamond Princess, càng nhiều người không muốn chọn du thuyền như một ý tưởng du lịch tuyệt vời nữa, nhất là những người chưa từng sử dụng dịch vụ này", theo James Hardiman – một chuyên gia trong lĩnh vực này.
Du thuyền Diamond Princess bị cách ly tại Nhật Bản.
Những công ty du thuyền thì không muốn tiết lộ dữ liệu về việc liệu có bất kỳ ảnh hưởng nào với lượng đặt phòng trong ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 45,6 tỷ USD trong vài tuần vừa qua hay không kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán. Tuy nhiên, một vài chuyên gia trong ngành nói rằng con số có thể là giảm 10 – 15%.
Các công ty gồm cả những ông lớn như Norwegian Cruise Lines và Carnival – đơn vị sở hữu Princess Cruises cũng từ chối bình luận về vấn đề này. Du thuyền nào cũng luôn khẳng định trước với khách hàng rằng họ sẽ đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi mà hàng nghìn người cùng sống trên một không gian nhỏ trong một thời gian dài khiến những dịch bệnh truyền nhiễm dễ dàng lây lan.
Royal Caribbean thì thừa nhận trong một tuyên bố ngày 4/2 rằng: "Covid 19 và những nỗ lực ngăn chặn nó dự kiến sẽ có những tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của chúng tôi".
Tuy nhiên, Erika Richter – một chuyên gia trong ngành du lịch nói rằng nhu cầu với những chuyến đi bằng du thuyền sẽ giảm từ 10 – 15%.
Không ngạc nhiên khi những du thuyền ở châu Á Thái Bình Dương đặc biệt chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Alex Sharpe – chủ tịch Signature Travel Network – một tổ chức gồm 7.000 nhà tư vấn du lịch nói rằng: "Nhu cầu với những du thuyền này rất thấp thời điểm hiện tại. Và đa phần booking mùa xuân không bán được".
"Nếu ngành công nghiệp này không tìm cách khắc phục, niềm tin của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và các du thuyền sẽ ế trong một thời gian dài".
Trung Quốc là một trong những thị trường đạt tốc độ tăng trưởng lớn nhất của ngành công nghiệp du lịch trong những năm gần đây và những hành trình tại khu vực châu Á Thái Bình Dương chiếm 10% toàn ngành. Khoảng 8 – 9% hành khách trên các du thuyền đại diện cho nhóm khách từ Trung Quốc, Macau, Hong Kong và số lượng thuyền tại châu Á tăng 53% trong giai đoạn từ 2013 – 2017.
Tuy nhiên kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, càng ngày càng có nhiều cảng đóng cửa. Từ Busan, Hàn Quốc tới Hong Kong...
Chi phí đắt đỏ
Các hành khách nói rằng thay vì cố gắng điều tiết, các công ty du thuyền tỏ ra không hợp tác. Maranda Priem, 24 tuổi đến từ Washington và mẹ cô 53 tuổi từ Minnesota dự định lên con thuyền Norwegian Jade với 2.200 hành khách xuất phát từ Hong Kong vào 17/2 và dừng tại Singapore, Việt Nam và Thái Lan.
Do lo ngại về virus corona, Priem đã gửi email và yêu cầu công ty chuyển sang 1 con tàu khác hoặc hủy chuyến đi và hoàn lại tiền. Nhưng yêu cầu của cô đã bị từ chối. Trong một email vào ngày 4/2, Roxane Sanford – phụ trách khách hàng của hãng này đã nói với Priem rằng: "Rất tiếc không thể hủy hay trả lại tiền được".
Khi cảng Hong Kong đóng cửa, công ty đã chuyển sang xuất phát từ Singapore – một thay đổi mà những khách hàng như Priem sẽ phải đặt lại chuyến bay và phải trả thêm phí. Ngày thứ 4, cô quyết định hủy không đi, dù là có được trả lại 1.700 USD hay không.
"Quả là cơn ác mộng khi thỏa thuận với Norwegian. Họ không nói với chúng tôi rằng sẽ hoàn lại tiền hay có sự giúp đỡ nào cả".
Hiện Norwegian Cruies không phản hồi về vấn đề này.
Walker - một luật sư nói rằng ông nhận được một lượng "cao đáng kể" cuộc gọi từ khách hàng để tìm hướng dẫn cách thỏa thuận với các công ty du thuyền về việc họ thay đổi hành trình, bắt khách hàng chịu toàn bộ các loại phí mà không trả lại tiền.
Trên thực tế du thuyền là hình thức du lịch đắt đỏ, trung bình một chuyến đi 9 ngày tại châu Á mất khoảng 1.800 USD và phải là đặt trước khi đi khá lâu. Angela Jones, 56 tuổi đến từ Canton là hành khách trên thuyền Westerdam bị mắc kẹt vài tuần trước đã đặt chuyến đi này từ 1,5 năm trước.
Du thuyền Ms Westerdam cuối cùng được Campuchia cho cập cảng.
Khi thông tin về dịch bệnh đưa ra, con gái của cô là Jordan Jones Dorman nói rằng: "Bà ấy muốn hủy nhưng công ty nói rằng được thôi nhưng họ sẽ không trả lại tiền. Bà ấy đã phải tiết kiệm để có được chuyến đi này".
Cảng Sihanoukville ở Campuchia cuối cùng đã đồng ý chấp nhận con thuyền. Holland America Lines nói rằng sẽ sắp xếp và trả cho tất cả hành khách tiền vé máy bay về nhà.
Chuyên gia Hardiman dự kiến chi phí của Royal Caribbean khoảng 4 triệu USD để hủy một hành trình 4 ngày – số tiền còn phụ thuộc vào kích thước của con tàu và nhiều yếu tố khác.
"Những công ty du thuyền chưa bao giờ chứng kiến điều này và họ không biết phải làm gì. Với du thuyền và ngành công nghiệp vốn mọi quyết định đều dựa trên tính kinh tế thì giờ họ đang hỏi chính mình là phải làm sao để tiêu ít nhất và mất ít tiền nhất có thể".
https://lotus.vn/w/profile/30722518306063636.htm