Hiện nay, việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà đã trở nên quen thuộc với đa số mọi người. Thông thường, mọi người vẫn quen với việc lấy dịch từ mũi để thực hiện xét nghiệm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, tải lượng virus có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19. Do đó, nếu tải lượng virus nằm ở vùng mũi ít thì việc chỉ lấy dịch từ mũi có thể cho kết quả xét nghiệm không chính xác.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc lấy thêm dịch từ cổ họng và miệng có thể cho kết quả xét nghiệm COVID-19 chính xác hơn.
Theo chuyên gia Natasha Shelby, chuyên gia nghiên cứu COVID-19 tại Viện Công nghệ California, Mỹ, virus SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm nước bọt vài ngày trước khi được phát hiện qua các mẫu xét nghiệm lấy dịch từ mũi.
Nghiên cứu báo cáo rằng một số người cho kết quả âm tính với COVID-19 khi xét nghiệm lấy dịch từ mũi trong khi các mẫu xét nghiệm lấy từ nước bọt hoặc dịch họng hoặc xét nghiệm PCR (Xét nghiệm PCR thường cho kết quả chính xác nhất) lại cho kết quả dương tính.
Chuyên gia Shelby nói: “Trong một số trường hợp, tải lượng virus có thể tập trung nhiều tại cổ họng và tập trung ít tại khu vực mũi. Do đó, trong trường hợp này nếu chỉ xét nghiệm bằng dịch ở mũi thì nó vẫn sẽ cho kết quả âm tính”.
Chuyên gia cho biết thêm: “Phát hiện này giúp chúng ta biết thêm về virus và giúp tìm ra cách xét nghiệm COVID-19 tại nhà hiệu quả. Mọi người nên thử lấy dịch từ nhiều khu vực khác nhau (cả dịch từ mũi và dịch họng), đặc biệt là ở giai đoạn đầu mắc COVID-19, khi tải lượng virus còn thấp và có tải lượng khác nhau ở khu vực mũi và họng".
Xét nghiệm COVID-19 tại nhà thế nào?
Theo Rustem Ismagilov, giáo sư hóa học và kỹ thuật hóa học tại Caltech và chuyên gia nghiên cứu về COVID-19, việc lấy dịch xét nghiệm từ nhiều khu vực có thể cho kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên, chuyên gia không khuyến khích mọi người sử dụng cùng 1 que test để lấy dịch ở cả mũi và họng. Thay vào đó, mọi người nên dùng các que test riêng cho từng vị trí.
Chuyên gia Ismagilov cho biết: “Khi tôi thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại nhà, tôi thường dùng 2 que test riêng biệt: một que test để lấy dịch họng và que còn lại lấy dịch mũi”.
Mặt khác, GS.TS Sheldon Campbell tại Trường Y trực thuộc Đại học Yale, Mỹ lại khuyến nghị mọi người vẫn nên thực hiện cách xét nghiệm được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho đến khi có thêm dữ liệu chắc chắn hơn.
Ngoài ra, chuyên gia cũng cho biết, có nhiều cách để giúp kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19 chính xác hơn.
GS Campbell cho biết nếu bạn xét nghiệm ngay sau khi tiếp xúc gần với người mắc COVID-19, tỷ lệ cho kết quả dương tính ngay tại thời điểm đó sẽ rất thấp. Bởi vì tải lượng virus của mọi người thường thấp khi mới bắt đầu nhiễm bệnh. Do đó, chuyên gia cho biết mọi người nên thực hiện xét nghiệm sau mỗi 2 ngày, 5 ngày và 7 ngày kể từ khi tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh hoặc khi xuất hiện các triệu chứng của COVID-19.
Một cách khác nữa giúp kết quả xét nghiệm COVID-19 chính xác hơn là bạn nên xét nghiệm vào buổi sáng khi mới thức dậy. Nhóm nghiên cứu của chuyên gia Shelby nhận thấy rằng xét nghiệm COVID-19 vào buổi sáng thường cho kết quả chính xác hơn xét nghiệm vào các thời điểm khác trong ngày.
Chuyên gia Campbell cho biết, đối với những người có bệnh lý nền, mọi người cũng có thể làm xét nghiệm PCR để cho kết quả chính xác nhất, giúp người bệnh được điều trị sớm nhất có thể nếu mắc COVID-19.
Chuyên gia Ismagilov cho biết ông hy vọng FDA sẽ xem xét thêm nhiều phương pháp xét nghiệm nhanh COVID-19 khác trong tương lai. Hiện, Canada, Anh và Israel đã phê duyệt sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm lấy dịch từ mũi và họng.
Nguồn: Huffpost