Theo nghiên cứu, công việc hấp dẫn nhất trên thị trường lao động hiện nay là lập trình viên Full-Stack. Theo đó, các lập trình viên Full-Stack đã giành vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng hàng năm của Truth về "top việc làm tốt nhất" ở Hoa Kỳ, nhờ vào triển vọng phát triển mạnh mẽ trong 10 năm tới và nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng đối với các chuyên gia lành nghề trong lĩnh vực này.
Cho những ai chưa biết, lập trình viên Full-Stack là những nhân sự có nền tảng kiến thức, sự hiểu biết về FrontEnd và BackEnd, viết mã và bảo trì phần mềm... Công việc của họ cũng tương tự như công việc của một lập trình viên BackEnd ở phía máy chủ của lập trình web, đồng thời họ cũng có thể thành thạo ngôn ngữ FrontEnd để kiểm soát sự xuất hiện của nội dung trên FrontEnd của trang web. Chính vì vậy lập trình viên Full-Stack có thể làm việc "đa zi năng" ở nhiều vị trí khác nhau.
Thực tế cũng đánh giá mức lương và tỷ lệ phần trăm cơ hội việc làm từ xa hoặc làm việc kết hợp giữa online và offline của ngành nghề này rất lớn. Cụ thể, lập trình viên Full-Stack không chỉ được trả lương cao - mức lương trung bình trung bình cho các lập trình viên Full-Stack là $129,637 (hơn 3 tỷ đồng), theo nghiên cứu của Truth, mà còn mang lại rất nhiều sự linh hoạt tại nơi làm việc. Ít nhất 50% lập trình viên Full-Stack trên cơ sở dữ liệu của Truth đều có các tùy chọn làm việc từ xa hoặc kết hợp.
"Chúng tôi nhận thấy cơ hội và khả năng làm việc cao nhất dành cho các lập trình viên Full-Stack, gần gấp đôi so với bất kỳ vai trò nào khác trong danh sách này. Các lập trình viên Full-Stack sở hữu một bộ kỹ năng độc đáo có thể mang lại lợi ích cho các công ty ngoài ngành công nghệ", Kristen Shah - một chuyên gia nghề nghiệp tại Indeed cho biết.
Theo Megan Slabinski - một chuyên gia việc làm công nghệ có trụ sở tại Robert Half (Seattle), chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tài chính, thương mại điện tử thậm chí đến cơ quan chính phủ cũng cần đến các lập trình viên Full-Stack để xây dựng nền tảng trực tuyến.
"Vì sự 'đa-zi-năng' vốn có nên ngày càng có nhiều công ty thuê các lập trình viên Full-Stack để giảm số lượng nhân viên. Họ có hiểu biết sâu sắc về các ứng dụng web, họ có thể linh hoạt và làm việc trên nhiều dự án khác nhau, đồng thời có thể tìm ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề kỹ thuật.
Trong khi tốc độ và mức độ phổ biến của chuyển đổi kỹ thuật số đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua, đại dịch Covid-19 đã châm ngòi và càng làm thúc đẩy xu hướng công việc này cũng như nhu cầu về các lập trình viên Full-Stack trong thị trường lao động", cô cho biết thêm.
Megan Slabinski chia sẻ, bạn có thể trở thành lập trình viên Full-Stack mà không cần bằng đại học. Hầu hết các nhà quản lý tuyển dụng ưu tiên chuyên môn kỹ thuật hơn nền tảng giáo dục. Để tìm được công việc với mức lương trong mơ này, việc quan trọng là hãy trau dồi và thực hành các kỹ năng như viết code, sử dụng ngôn ngữ lập trình như Python, Javascript, thiết kế ứng dụng hoặc trang web. Nếu muốn học một số kỹ năng công nghệ cơ bản, bạn có thể xây dựng kiến thức chuyên môn của mình thông qua các khóa học trực tuyến, chương trình đào tạo mã hóa hoặc chương trình chứng chỉ.
Mức lương, cơ hội việc làm lập trình viên Full-Stack ở Việt Nam
Có rất nhiều lý do khiến một người học IT muốn theo đuổi công việc lập trình viên Full-Stack. Ngoài việc được săn đón và không sợ "thất nghiệp", lương lập trình viên Full-Stack cũng rất hấp dẫn.
Cụ thể theo thống kê từ TopCV, hiện tại khoảng lương phổ biến của lập trình viên Full-Stack là 16-33 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, theo "Báo cáo thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin năm 2020" của VietnamWork, mức lương trung bình của lập trình viên Full-Stack là $899 (hơn 21 triệu đồng).
Mức lương cơ bản của các lập trình viên Full-Stack có thể cao hơn tới 30% so với mức lương của các nhà phát triển web. Nếu bạn là một lập trình viên Full-Stack xuất sắc, bạn có thể đề xuất mức lương cao hơn nữa.
Với mức lương "khủng" cùng cơ hội việc làm rộng mở như vậy, dĩ nhiên muốn làm công việc này bạn phải sở hữu rất nhiều kỹ năng. Cụ thể:
1. Ngôn ngữ lập trình
Các lập trình viên Full-Stack chịu trách nhiệm về giao diện và trải nghiệm người dùng của nền tảng sản phẩm. Để đạt được những mục tiêu này, ở phần front-end, lập trình viên phải thành thạo 3 ngôn ngữ chính. Đó là HTML, CSS và ngôn ngữ lập trình JavaScript.
Để máy chủ, ứng dụng và cơ sở dữ liệu có thể giao tiếp với nhau, các lập trình viên Full-Stack biết sử dụng ngôn ngữ server-side như PHP, Ruby, Python, Java và Net xây dựng các ứng dụng và công cụ như MySQL, Oracle và SQL Server để tìm, lưu trữ hoặc thay đổi dữ liệu và trả lại cho người dùng trên giao diện người dùng.
2. Hiểu biết về FrameWork
Bên cạnh việc có kiến thức cũng như kinh nghiệm làm việc cùng ngôn ngữ lập trình phần phần front-end thì các lập trình viên fullstack cần có hiểu biết về các framework khác như: Bootstrap, Foundation, Backbone, AngularJS và EmberJS để đảm bảo nội dung luôn hiển thị tốt trên mọi thiết bị khác nhau. Bằng cách sử dụng các công cụ này, các nhà phát triển hợp tác chặt chẽ với các nhà thiết kế hoặc nhà phân tích UX / UI để chuyển đổi các mô hình hoặc khung dây từ phát triển thành sản phẩm thực tế.
Mảng phụ trợ yêu cầu các khung PHP như Zend, Symfony và CakePHP. Bạn cần có kinh nghiệm với phần mềm quản lý phiên bản như SVN, CVS hoặc Git. Hay kinh nghiệm với Linux trong việc phát triển, triển khai hệ thống...
3. Kỹ năng mềm
Các nhà lập trình viên Full-Stack cũng cần nhiều kỹ năng mềm để làm việc hiệu quả như: phân tích vấn đề, xác định chính xác các vấn đề cụ thể trong trải nghiệm người dùng đồng thời đưa ra các đề xuất và giải pháp để hoàn thiện thiết kế đó, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kỹ năng quản lý....
Theo CNBC, Tổng hợp