Đổi lại, mỗi cỗ máy bốn bánh xuất hiện trên đường ngày nay ngày một phức tạp và do đó – đắt đỏ, cả về giá bán, chi phí vận hành và sửa chữa. Lấy kính chắn gió, một trang bị cực kỳ đơn giản xe nào cũng có làm một ví dụ, cách đây vài thập kỷ đây thuần túy, đúng như tên gọi, chỉ là một chi tiết che mưa, gió cho người dùng.
Sau đó, tốc độ ô tô được đẩy lên cao hơn và kính chắn gió được làm giòn hơn để tránh trường hợp tai nạn làm mảnh vỡ kính bắn ra gây thương tích cho người dùng. Một thời gian sau, trang bị này được làm cứng trở lại nhưng được gắn thêm một tấm polycarbonate để đạt hiệu quả tương tự như trạng thái giòn đồng thời hoạt động như một tấm khiên đa lớp bảo vệ người dùng khỏi vật thể bay tới hiệu quả hơn.
Tới giai đoạn công nghệ phát triển như ngày nay, kính chắn gió được bổ sung thêm hàng loạt trang bị đi kèm, khởi đầu là cảm biến tự động kích hoạt cần gạt mưa. Đây cũng là thời điểm thay thế kính chắn gió bắt đầu trở nên phức tạp khi nếu cần thay mới, cảm biến đi kèm sẽ cần được hiệu chỉnh lại để vận hành chính xác.
Tiếp đến, cảm ứng đèn pha tự động, cảm ứng radar tầm xa và thậm chí camera cũng dần được tích hợp vào kính chắn gió, tất cả để phục vụ cho mục đích là làm chiếc ô tô của chúng ta trở nên an toàn hơn. Hệ quả tất yếu là chi phí đi kèm tăng mạnh trong khi bản chất "một tấm kính" vẫn không thay đổi – nghĩa là một hòn đá "đi lạc" cũng có thể khiến trang bị này hư hại dễ dàng buộc người dùng phải bỏ số tiền ngày một lớn để thay thế.
Không chỉ kính chắn gió, nhiều trang bị "đơn giản" như cản trước nay cũng vô cùng nhạy cảm với hàng loạt các cảm ứng đắt tiền bên trong trong khi vốn dĩ đây là khu vực chịu va đập để bảo vệ kết cấu bên trong.
Mỗi lần thay cản trước trên các dòng xe hiện đại yêu cầu thợ sửa xe có tay nghề cân chỉnh lại hệ thống cảm ứng, chưa kể các hãng xe luôn khuyến cáo người dùng nên sửa chữa hoặc thay thế linh kiện tại đại lý chính hãng để đảm bảo an toàn – cũng đồng nghĩa với chi phí cao hơn sửa ngoài. Sự thực phũ phàng này lại vô tình đẩy mạnh tầm quan trọng của… bảo hiểm ô tô.
Dù vậy, phải nói rằng sự xuất hiện của các công nghệ và trang bị an toàn hiện đại đã giúp giảm đáng kể số vụ va chạm và tai nạn xảy ra trên toàn cầu.
Một bài phân tích gần đây của Reuters cho thấy chỉ riêng những công nghệ an toàn đơn giản như phanh khẩn cấp tự động (đang được đề xuất tiêu chuẩn hóa tại nhiều nước) có thể giảm thiểu tỉ lệ "hôn đuôi" xe khác tới gần 30%, các công nghệ như cảnh báo điểm mù hay cảnh báo chệch làn cũng có tỉ lệ hiệu quả tương tự.
Với kết quả như vậy cùng kỷ nguyên xe tự lái đang tới gần, ta có thể chắc chắn các tiến bộ nhắc tới phía trên sẽ không bị loại bỏ mà thậm chí còn được sử dụng nhiều hơn, qua đó đẩy giá thành và giá bán xe lên cao hơn nữa, đồng thời cũng sẽ dẫn tới thời điểm các bên sửa chữa thứ 3 "ra rìa" nhường toàn bộ đất diễn cho xưởng sửa chữa chính hãng vì không thể theo kịp công nghệ hiện đại, đặc biệt là nếu xe điện lên ngôi.
Tham khảo: AutoEvolution, Reuters