Nếu theo đúng kế hoạch, học kỳ 2 năm học 2019-2020 đã đi được nửa chặng đường và nhiều học sinh cuối cấp đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên học sinh các cấp đã phải lùi lại thời gian học.
Hiện tại, để hỗ trợ học sinh ôn tập kiến thức đặc biệt là học sinh lớp 9 và lớp 12, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương tổ chức dạy học qua truyền hình. Một số các thầy cô giáo tâm huyết khác còn biên soạn bài giảng để livestream dạy cho học sinh.
Thế nhưng thực tế, nhiều học sinh đã thực sự thiếu ý thức khi đùa cợt, thậm chí để lại bình luận khiếm nhã với đội ngũ thầy cô giáo. Mới đây nhất, trong bài giảng Mùa xuân nho nhỏ được phát sóng trên truyền hình và livestream qua mạng Internet, rất nhiều người, được cho là các học sinh lớp 9 đã để lại những bình luận hết sức tục tĩu với thầy giáo.
Trước hành động thiếu chuẩn mực của các em học sinh, cộng đồng mạng tỏ ra bức xúc, thậm chí phẫn nộ.
Một thành viên mạng đã đưa ra ý kiến: "Anh thực sự không hiểu các em nghĩ gì mà xem đây là một trò đùa. Thực sự không thể chấp nhận được. Các thầy cô giáo dành công sức, thời gian, tiền bạc di chuyển để đến Đài Truyền hình dạy trực tuyến cho các em".
Phụ huynh Hoàng Thu Hồng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có 2 con học lớp 9 và lớp 12 bày tỏ: "Mình thực sự sốc khi các em học sinh có thể bình luận phản cảm như vậy trong video thầy giảng bài. Là mẹ của 2 con học cuối cấp, mình luôn lo lắng cho kỳ thi sắp tới của các con và mình đã ghi lịch phát sóng trên truyền hình để cho con học. Mình thực sự biết ơn các thầy cô vì đứng trước máy quay không phải đứng trên bục giảng. Họ đã dành nhiều công sức để truyền đạt kiến thức. Trong trường hợp này không thể lấy lý do các em còn trẻ người non dạ được nữa".
Một ý kiến khác cho rằng: "Mình hết sức bức xúc và nếu là con mình sẽ phải dạy dỗ lại con về cách hành xử với thầy cô, về sự nghiêm túc trong học hành, về sự thiếu văn hoá trong giao tiếp, thiếu tôn trọng người khác, đặc biệt là thầy cô đang truyền đạt kiến thức cho mình".
Là người đang triển khai dạy online, thầy giáo Lương Văn Huy, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội nêu lý do về tình trạng chung hiện tại:
1. Đa phần các bạn bình luận tiêu cực ở đây đều là những bạn ý thức văn hóa mạng kém.
2. Các em học không hứng thú hoặc buổi học không đúng môn các em có hứng thú và nhu cầu học nên vào bình luận phản cảm, trêu đùa nhau. Ví dụ các bạn khối A khi xem các video dạy Văn, các bạn theo khối B xem Ngoại ngữ... hoặc các bạn sinh viên, không đi học ghé vào xem, bình luận rồi thoát ra luôn.
3. Là tiết học thực sự chưa gây được hứng thú với học sinh, đa số trình chiếu slide nội dung cứng nhắc, giáo viên chưa có kinh nghiệm trước ống kính, dẫn đến tâm lý chán nản của học sinh.
4. Phát vào những khung giờ hoặc thời điểm các em không muốn học khi ở nhà (14h30, 15h15 và 16h các ngày từ thứ 2-7). Thường các em thích học buổi tối hơn.
5. Các em học sinh không được trang bị kiến thức, đạo đức và văn hóa trên không gian mạng.
6. Kênh phát nên là kênh dành riêng cho các em học sinh thì hiệu quả hơn. Ví dụ kênh riêng về học tập, group riêng về học tập. Phát trên kênh chung thì có nhiều thành phần, đối tượng không phù hợp".
Công an vào cuộc làm rõ từng trường hợp bình luận tục tĩu
Trước sự việc đáng trách này, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cho biết, sẽ phối hợp với CATP Hà Nội để xác minh các trường hợp bình luận có nội dung tục tĩu trong các buổi livestream học qua truyền hình và sẽ thông báo cho nhà trường...
Theo chia sẻ từ nhà Đài, các bài giảng trên truyền hình đều do các giáo viên có kinh nghiệm và chuyên môn cao giảng dạy, góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp THPT quốc gia. Ngay sau khi phát sóng, chương trình đã có những phản hồi tích cực về nội dung bài học với giáo viên, sự tương tác cao.
Được biết, để có được những buổi livestream trên Fanpage cho các bạn học sinh lớp 9, 12 ôn tập, bộ phận kỹ thuật của đài phải làm việc cật lực để đảm bảo đường truyền thông thoáng, hạn chế lag giật hay những bình luận tục tĩu. Tuy nhiên lượng bình luận trong mỗi livestream rất lớn, lên đến vài chục nghìn bình luận và một số trường hợp thiếu ý thức dùng từ né tránh bộ lọc nên vẫn bình luận được nội dung phản cảm.
>> Mời phụ huynh và các em học sinh xem thêm Tổng hợp các kênh Youtube kết hợp với truyền hình ôn tập kiến thức chất lượng cho học sinh lớp 9 và lớp 12 TẠI ĐÂY