Công an vạch trần hành vi ghép mặt và giọng nói để lừa đảo, chỉ rõ dấu hiệu cần cảnh giác

Ngọc Linh | 28-03-2023 - 10:36 AM

(Tổ Quốc) - Lừa đảo qua điện thoại mặc dù là chiêu cũ nhưng kịch bản lại luôn được làm mới và số lượng người sập bẫy ngày càng nhiều.

Hành vi sử dụng công nghệ Deepfake AI, tạo ra hình ảnh, video, giọng nói để lừa đảo dù không mới, nhưng nếu người dân không rõ phương thức lừa đảo, sẽ vẫn bị mắc lừa chuyển tiền.

Công an vạch trần hành vi ghép mặt và giọng nói để lừa đảo - Ảnh 1.

Các đối tượng tội phạm sử dụng những chiêu trò hết sức tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh minh họa)

Mới đây, trường hợp chị V.T.M, (26 tuổi, đang sinh sống tại Long Biên - Hà Nội) nhận được tin nhắn và cuộc gọi của một người thân đang sinh sống ở nước ngoài nhờ chuyển 75 triệu đồng vào tài khoản. Sau khi gọi video qua messenger, chị M. đã không ngại ngần chuyển tiền theo hướng dẫn.

Chị M. cho biết, tài khoản Facebook của một người thân bên nước ngoài nhắn đến Facebook của mẹ chị với nội dung: "Em đang cần chuyển tiền cho bạn em vào số tài khoản này với số tiền 75 triệu đồng". Lúc này, mẹ chị M nghĩ đây là người thân trong nhà nên không chần chừ, nói với con gái để chuyển tiền.

Nhớ lại sự việc, chị M. kể: "Nhà mình có một cậu hiện đang sinh sống ở bên nước ngoài, cách liên lạc duy nhất là qua Messenger trên Facebook. Sau khi nhận được tin nhắn của cậu, mẹ nói chuyện và nhờ mình chuyển tiền. Trước đấy mình và mẹ cũng đã đọc trên báo đài cảnh báo về lừa đảo, nên cũng có xác nhận lại bằng cách gọi điện thoại. Thế nhưng bởi vì chỉ có cách liên lạc duy nhất là qua messenger nên mình gọi video call cho cậu để xác nhận xem là có đúng người hay không".

Phía bên kia bắt máy, mở video thì chị M. thấy mặt và giọng nói người thân nhưng hình ảnh mờ, chập chờn, còn người này nói đang cần tiền gấp. Khi chị M. hỏi sao hình ảnh mờ, bên kia trả lời "đang vùng sóng yếu". Vì vậy, chị M. tin tưởng, chuyển 75 triệu đồng vào số tài khoản theo yêu cầu.

Khoảng 15 phút sau, chị M. lại nhận được tin nhắn từ tài khoản cậu với nội dung: "Con nhắn với mẹ, bây giờ công việc của cậu có chút thay đổi và trục trặc nên cậu cần chuyển vào tài khoản vừa rồi thêm khoảng 170 triệu nữa". Lúc này, chị đã nghi ngờ bị lừa, và gọi lại nhưng phía bên kia vẫn rất khó nghe. Khi nhắn tin, lúc đầu mình vẫn nhận được câu trả lời: "cậu đây mà con", tuy nhiên sau khi chị M. hỏi thêm nhiều thông tin thì tài khoản Facebook này chặn chị ngay sau đó.

Trung tá Phan Quang Vinh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết: "Thủ đoạn trên trong giới công nghệ gọi là Deepfake".

Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật.

Càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để học. Deepfake có thể thay đổi khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngạc. Hiện nay, Deepfake đang trở thành nỗi ám ảnh, là "bóng ma" trong thế giới Internet, được tội phạm dùng để lừa đảo.

"Do cắt ghép, chỉnh sửa và dù đã được công nghệ hỗ trợ, song hầu hết những video này đều có chất lượng thấp, mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu.

Đó là một trong những dấu hiệu để người dân nhận biết, cảnh giác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ thời gian nhận biết, tỉnh táo để xác định đó là đối tượng lừa đảo. Cẩn thận hơn, người chuyển tiền cũng cần hỏi lại đối tác, sao sóng yếu vậy?

Nếu kẻ lạ mặt trả lời do sóng yếu, người chuyển tiền cần nhận biết, sóng yếu thì giọng nói cũng không rõ nét. Nếu giọng nói rõ nét còn hình ảnh chập chờn, chắc chắn bị lừa, mọi người không nên chuyển tiền cho các đối tác như vậy", Vị Trung tá cho hay.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM