Ngày 26/6, Công an TP.HCM đã làm việc với ông Đặng Anh Quân liên quan đến vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, ngụ quận 3, là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam). Ông Đặng Anh Quân được biết đến với vai trò cố vấn pháp lý cho bà Nguyễn Phương Hằng trong các buổi livestream. Theo bà Phương Hằng giới thiệu, ông Anh Quân có học vị tiến sĩ luật và đang là giảng viên công tác tại Trường đại học Luật TP.HCM.
Trước đó, ngày 25/6, Công an TP.HCM cũng làm việc với ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà (Ha Lee), bà Nguyễn Thị Mai Nhi (Hoàng Nhi) là những người bị tố giác giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng livestream đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội.
Ngày 22/6, Viện KSND TP.HCM đã gia hạn tạm giam thêm 2 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng theo đề nghị của Công an TP.HCM. Trong cùng ngày, Công an TP.HCM cũng đã tiếp nhận nhận đơn của bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (tức ca sĩ Vy Oanh) yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với ông Đặng Anh Quân cùng nhóm êkip hậu trường các buổi livestream của bà Phương Hằng gồm ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà (Ha Lee), bà Nguyễn Thị Mai Nhi (Hoàng Nhi); nhóm những cá nhân (chủ kênh YouTube) tham gia phát tán, đăng tải các video ủng hộ bà Hằng gồm bà Bùi Thanh Quỳnh Như (kênh Lang thang đường phố), Jimmy Huỳnh, chủ kênh YouTube Anh Nông Dân, chủ kênh YouTube Chinh Lê, Long Ngô về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vu khống, làm nhục người khác.
Bà Nguyễn Phương Hằng và ông Đặng Anh Quân trong buổi livestream
Tương tự, nhà báo Hàn Ni cũng có đơn đề nghị Công an TP.HCM khởi tố bà Lê Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Mai Nhi, ông Huỳnh Công Tân, Đặng Anh Quân, Võ Minh Điền về hành vi trên. Bà Hàn Ni cho rằng những cá nhân trên đã có hành động hỗ trợ tổ chức, giúp sức, cổ vũ, phát tán cho hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng.
Hôm 24/3, Công an TP.HCM đã khởi tố bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật hình sự. Công an cho biết, từ tháng 3/2021 tới nay, bà Hằng đã thông qua các tài khoản mạng xã hội như: Youtube, Facebook, TikTok để phát ngôn trực tiếp thông qua mạng Internet.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Phương Hằng đưa các thông tin chưa được kiểm chứng làm xúc phạm tới uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. Đồng thời, bà Hằng liên tục sử dụng nhiều từ tục tĩu để phát ngôn, cổ súy văn hóa chửi trên không gian mạng, làm ảnh hưởng tới truyền thống văn hóa dân tộc và gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
Trước các hành vi trên, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã mời bà Nguyễn Phương Hằng lên làm việc, nhắc nhở, khuyến cáo không tiếp tục các hoạt động vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, bà Hằng không những không thực hiện mà còn thách thức cơ quan chức năng, coi thường công luận. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục phát ngôn vu khống, nhục mạ các cá nhân. Mặt khác, bà còn tổ chức các hoạt động tụ tập đông người tại TP.HCM và các tỉnh, thành khác. Việc này dẫn tới tình hình an ninh trật tự phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Công an TP.HCM đã tiếp nhận đơn của các cá nhân tố cáo bà Hằng có hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và đe dọa giết người thông qua mạng. Quá trình xác minh giải quyết các đơn tố cáo liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng, công an xác định ngày 8/4/2021, Sở TT-TT TP.HCM đã xử phạt bà Hằng về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận.
Ngoài ra, từ ngày 15/2 đến nay, Công an TP.HCM đã mời bà Hằng làm việc 4 lần vào các ngày 18/2, 7/3, 9/3 và 16/3 để cảnh báo, răn đe và yêu cầu bà chấm dứt các hành vi lợi dụng các quyền tự do để sử dụng mạng xã hội thực hiện hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, bà Hằng né tránh không chấp hành. Mặt khác, bà Hằng tổ chức nhiều buổi livestream công kích, xúc phạm nhiều cá nhân, tổ chức và tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự.