Công an Hà Nội cảnh báo người dân phòng ngừa các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao chiếm đoạt tài sản

HẠ VŨ | 02-06-2022 - 20:15 PM

(Tổ Quốc) - Dù đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện truyền thông, tuy nhiên vẫn có rất nhiều trường hợp sập bẫy lừa đảo công nghệ cao của các đối tượng khiến không chỉ mất sạch tiền mà còn lâm vào cảnh nợ nần cùng cực.

Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, Internet, mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn hoạt động tinh vi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Điều đáng nói là dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng vẫn có nhiều trường hợp người dân sập bẫy và bị lừa đảo hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Thủ đoạn "không mới" nhưng vẫn... sập bẫy

Mặc dù không còn mới, nhưng thời gian gần đây, các hoạt động lừa đảo núp bóng tuyển cộng tác viên bán hàng, cộng tác viên đăng bài online vẫn tiếp tục nở rộ.

Để tìm “con mồi”, các đối tượng không ngần ngại đăng bài chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội. Với các từ khóa hấp dẫn như “làm việc tại nhà”, “không cần ôm hàng”, “không cần bỏ vốn”, “được phép trả hàng”, mức lương từ 200-500/ngày; hưởng 10%-20% hoa hồng sau mỗi sản phẩm… khiến không ít người mắc lừa, mất hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng trong một thời gian rất ngắn.

Công an Hà Nội vạch trần các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao: Đe dọa bằng lệnh bắt tạm giam "như thật"; Tuyển CTV bán hàng online... thủ đoạn "không mới" nhưng vẫn... sập bẫy - Ảnh 1.

Tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử là hình thức lừa đảo rất phổ biến nhưng vẫn có rất nhiều người sập bẫy. Ảnh minh hoạ.

Mới đây, ngày 25/5/2022, Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận Long Biên, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của anh Vũ Văn H. (SN: 1995, trú tại phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) về việc bị lừa đảo gần 800 triệu thông qua làm cộng tác viên bán hàng online.

Trước đó, ngày 22/5 anh H. được em trai ruột gửi cho trang Web IC Market nền tảng kiếm tiền online để được hưởng hoa hồng 0,05%, anh H., đã nhập vào trang web này và làm theo hướng dẫn để nạp tiền vào số tài khoản: 6896895689 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mang tên Pham Trung Dong.

Ngày 23/5, theo yêu cầu của các đối tượng, anh H. đã chuyển số tiền gần 260 triệu đồng vào tài khoản Pham Trung Dong. Sự việc chưa dừng ở đó, cùng ngày anh H. tiếp tục nhờ em trai mình chuyển tiếp số tiền 500 triệu đồng vào tài khoản trên.

Tổng cộng số tiền hai anh em H. đã chuyển vào tài khoản Pham Trung Dong là 759 triệu đồng để chạy đơn hàng theo hướng dẫn của trang Web IC Market.

Sau khi giao dịch thành công, anh H. đã thực hiện giao dịch rút tiền hoa hồng từ số tiền đã chuyển nhưng không được. Nghi ngờ mình bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 759 triệu đồng, anh H. đã viết đơn trình báo cơ quan công an.

Công an Hà Nội vạch trần các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao: Đe dọa bằng lệnh bắt tạm giam "như thật"; Tuyển CTV bán hàng online... thủ đoạn "không mới" nhưng vẫn... sập bẫy - Ảnh 2.

Nhiều người bị các mức hoa hồng hấp dẫn che mờ mắt mà không biết đang bị lừa.

Trước đó, ngày 18/4/2022, chị T. (SN 1995; trú tại: Long Biên, Hà Nội) có lên mạng xã hội facebook để tìm kiếm việc làm tại nhà. Khi thấy quảng cáo tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng online trên facebook chị T. đã tham gia. Khi làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng 1 có giá trị 160.000 đồng thì chị T nhận được số tiền tiền 250.000 đồng, đơn hàng 2 có giá trị 600.000 đồng thì chị T nhận được số tiền 800.000 đồng.

Đến nhiệm vụ lần 3, chị T. đã chuyển 312 triệu đồng thì các đối tượng thông báo số tiền muốn rút vượt quá 500 triệu đồng nên cần phải làm thêm giao dịch trị giá 450 triệu đồng mới được rút toàn bộ số tiền. Sau đó, chị T có nói chuyện với gia đình và được người nhà khuyên can nên đã đến cơ quan Công an phường Giang Biên trình báo sự việc.

Đáng nói, thủ đoạn lừa đảo này nở rộ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Từ Bắc vào Nam, hàng ngàn người dân đã sập bẫy và mất hàng tỷ đồng vì những thủ đoạn này.

Chị B.N (SN 1990, tại TP.HCM) trong thời gian thất nghiệp đã nhận được lời mời mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử S.P. Chị được tư vấn chuyển tiền mua gói hàng ảo để gia tăng tương tác cho nhà cung cấp. Cụ thể, chuyển 100 triệu đồng sẽ nhận được 5 triệu đồng hoa hồng.

Ban đầu, đối tượng chuyển tiền hoa hồng kèm theo tiền gốc chị đã chuyển trước đó rất đúng hẹn. Thấy đối tác làm ăn "uy tín", chị N. mượn thêm tiền cha mẹ, bạn bè chuyển vào tài khoản chỉ định để nhận hoa hồng. Lần cuối cùng, khi chị N. chuyển 900 triệu đồng thì không nhận được tiền, mọi nỗ lực liên lạc bất thành.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi, bài bản

Ngày 28/5, anh N.M.H. (25 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) bất ngờ nhận được điện thoại từ số 12246830258. Người gọi, xưng là nhân viên của Viettel Post, thông báo anh H. có một bưu phẩm quốc tế gửi từ Hà Nội đi Đài Loan, bị Cục Hải quan phát hiện chứa hàng cấm là 36 thẻ ngân hàng.

Người này nghiêm giọng cảnh báo trong vòng 2 ngày tới anh H. sẽ bị cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát, tòa án ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh và triệu tập để điều tra đường dây tội phạm xuyên quốc gia.

Công an Hà Nội vạch trần các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao: Đe dọa bằng lệnh bắt tạm giam "như thật"; Tuyển CTV bán hàng online... thủ đoạn "không mới" nhưng vẫn... sập bẫy - Ảnh 3.

Các đối tượng sử dụng đầu số không xác định để gọi điện lừa đảo. Ảnh minh hoạ.

Chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì "nhân viên công ty vận chuyển bưu phẩm" yêu cầu anh H. liên hệ với công an để nắm rõ sự việc. Anh H. được thông báo nối máy đến Công an TP Hà Nội gặp một nữ điều tra viên. "Nữ điều tra viên" khẳng định anh nằm trong đường dây tội phạm và 2 đồng phạm của anh đã bị bắt.

Trong lúc lúng túng, anh H. cung cấp thông tin cá nhân thì ngay lập tức nhận được đường link "1.84113vn.com", "nữ điều tra viên" yêu cầu anh truy cập thì hiện ra các mục con như "Hệ thống kiểm kê trực tuyến", "Phần mềm bảo mật", "Hệ thống tội phạm truy nã". Theo hướng dẫn, anh H. tiếp tục nhấp vào mục "Hệ thống tội phạm truy nã" thì thấy hiện ra lệnh bắt giam anh có con dấu, chữ ký, tên của Viện trưởng VKSND Tối cao.

Sau đó, đầu dây bên kia yêu cầu anh H. chọn mục "Hệ thống kiểm kê trực tuyến" kê khai tên ngân hàng, số điện thoại đăng ký ngân hàng, họ và tên, số căn cước công dân, tên đăng nhập, mật khẩu rồi bấm "xác nhận". Để anh H. không nghi ngờ, người này khẳng định chỉ chuyển thông tin cho ngân hàng xác minh tài khoản chứ không bị mất tiền.

Tuy nhiên, lúc này anh H. chợt nhớ đến những cảnh báo đã đọc trên báo chí và nói rằng sẽ chuyển nội dung cho Công an TP HCM thì điện thoại anh bị tắt máy ngang. Lúc này anh H. mới biết rằng mình suýt bị lừa.

Công an Hà Nội vạch trần các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao: Đe dọa bằng lệnh bắt tạm giam "như thật"; Tuyển CTV bán hàng online... thủ đoạn "không mới" nhưng vẫn... sập bẫy - Ảnh 4.

Lệnh tạm giam "dỏm" mà các đối tượng đùng để lừa đảo.

Thế nhưng không phải ai cũng may mắn như anh H. vì nhận ra thủ đoạn lừa đảo đúng lúc. Đã có nhiều trường hợp mất hàng tỷ đồng vì những lệnh khởi tố "dỏm" như vậy.

Chị M.T.H. (35 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) rơi vào cảnh cùng cực, nợ tiền tỷ sau khi "sập bẫy" lệnh khởi tố dỏm của các đối tượng giả danh cán bộ công an.

Trước đó vào ngày 25/4, chị nhận được cuộc gọi từ một người xưng nhân viên chăm sóc khách hàng của trung tâm viễn thông ở Đà Nẵng.

Người này thông báo chị H. có đăng ký thuê bao trả sau nhưng hiện đang nợ cước lên tới gần 9 triệu đồng nhưng không trả, vì vậy sẽ chuyển qua công an để giải quyết. Vốn không đăng ký bất kỳ thuê bao trả sau nào nên chị H. định cúp máy thì đầu dây bên kia thuyết phục "để em kết nối với công an, nếu chị không đăng ký thì chị trình bày với công an".

Cuộc gọi được chuyển tới một người khác xưng là "Công an Đà Nẵng". Người này sau đó thông báo chị H. đang phạm tội, liên quan đến đường dây "rửa tiền", "trốn thuế" lên tới 18 tỉ đồng… Tiếp đó, người này gửi cho chị H. một đường link và một mã đăng nhập vào website Bộ Công an giả.

Công an Hà Nội vạch trần các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao: Đe dọa bằng lệnh bắt tạm giam "như thật"; Tuyển CTV bán hàng online... thủ đoạn "không mới" nhưng vẫn... sập bẫy - Ảnh 5.

Các đối tượng còn giả danh trang web Bộ Công an để lừa đảo.

Khi thấy "lệnh khởi tố bị can" của Viện KSND tối cao ghi tên mình và đầy đủ thông tin cá nhân chị H. vô cùng lo sợ và được các đối tượng yêu cầu xóa các ứng dụng ngân hàng, và gửi mã OTP mà chị vừa nhận được cho các đối tượng để phong tỏa tài khoản nhằm "phục vụ điều tra".

Chưa dừng lại ở đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị H. chuyển 1 tỉ đồng vào tài khoản, nếu không chuyển sẽ cử lực lượng đến khám xét.

Đến ngày 27/4, chị H. tiếp tục nhận được cuộc gọi từ một người khác xưng là "thư ký tòa án" thông báo: "Ngày 28/4 mở phiên tòa xử vụ án của chị, giờ nếu chị không có mặt chị phải đóng 1 tỉ đồng vào tài khoản mới được xem xét không phải dự tòa. Sau khi vụ án được giải quyết xong sẽ hủy lệnh phong tỏa tài khoản của chị".

Lo sợ người thân biết, chị H. âm thầm vay mượn để "phục vụ điều tra". Tới khi nhận ra bị lừa mất 2 tỉ đồng thì chị H. mới đến Công an tỉnh Bình Dương trình báo.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn nhắm vào những đối tượng lớn tuổi, không thông thạo các thao tác công nghệ thông tin cũng như ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí.

Trước đó, một cụ ông 82 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đã bị lừa 5,5 tỷ với thủ đoạn tương tự.

Cụ thể, ngày 28/3, cụ ông 82 tuổi trú trên địa bàn quận tới trụ sở trình báo về việc nhận được một cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ công an.

Đối tượng thông báo ông có liên quan một vụ án đang điều tra. Chúng yêu cầu ông cung cấp tài khoản ngân hàng để xác minh. Sau đó cụ ông này phát hiện tài khoản bị mất hơn 5,5 tỉ đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Vạch trần các thủ đoạn lừa đảo

Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình tội phạm hình sự trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp, đặc biệt nổi lên đó chính là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 96 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 12,9% so với năm 2019, giảm 5,8% so với năm 2021. Tuy nhiên, đáng chú ý là từ đầu tháng 5/2022 đến nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 9 vụ, tăng 7 vụ = 350%, so với thời gian liền kề trước đó.

Do đó, người dân cần lưu ý để phòng ngừa những thủ đoạn lừa đảo sau đây:

1. Giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, khi người dân đóng tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó.

2. Đối tượng giả danh là cán bộ Ngân hàng, gọi điện cho bị hại thông báo có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi... nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại.

3. Giả danh Công an, Tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Khi người dân do lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác và chiếm đoạt. Đã xảy ra nhiều vụ với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.

4. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, Shopee... và chạy quảng cáo, khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ gửi các thông tin về công ty, nhân viên chăm sóc khách hàng... và yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để tư vấn. Ban đầu đối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ khoảng vài trăm nghìn đồng để bị hại chọn và xác thực đơn, chụp ảnh đơn hàng gửi cho đối tượng qua Zalo, Facebook chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp và được đối tượng chuyển lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 3-20%.

Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách trả gốc và hoa hồng như cam kết ban đầu, tiếp theo đối tượng viện lý do là bạn đã được công ty "nâng hạng" và gửi các đường dẫn sản phẩm trên sàn Lazada, Shopee... có giá trị lớn hơn và tiếp tục yêu cầu bị hại chụp lại hình ảnh sản phẩm đồng thời chuyển tiền.

Khi đã nhận được, đối tượng không chuyển tiền mà tiếp tục thông báo cho cộng tác viên phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khác thì mới được chuyển lại tiền và hoa hồng (thực chất là tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản đối tượng). Sau đó các đối tượng chiếm đoạt tiền của bị hại.

5. Lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng tạo các tài khoản mạng xã hội để đăng bán các dụng cụ, thiết bị y tế chống dịch... Khi bị hại kết nối và đặt cọc hoặc thanh toán số tiền theo thỏa thuận, các đối tượng chặn liên hệ, đổi số điện thoại... và chiếm đoạt số tiền đã nhận được.

Hoặc lợi dụng nhu cầu người dân từ nước ngoài về nước gia tăng, các đối tượng tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả để đăng tin trên các trang, hội nhóm... để đăng bán vé máy bay cho người dân có nhu cầu từ nước ngoài về nước.

Khi bị hại hỏi mua, thỏa thuận xong giá cả thì các đối tượng yêu cầu thanh toán và đồng thời gửi cho khách hàng các hình ảnh giả về vé máy bay do các đối tượng tự tạo ra, sau đó chiếm đoạt số tiền bị hại thanh toán.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM