Một cư dân mạng Trung Quốc mới đây đã chia sẻ câu chuyện mình tình cờ chứng kiến lên mạng xã hội Weibo. Ngay lập tức, câu chuyện gây bão và được hàng ngàn người quan tâm, thảo luận. Nội dung cụ thể như sau:
"Hôm qua, tôi thấy một người mẹ ở KFC luôn đổ lỗi cho đứa trẻ vì nó đã lỡ tay làm đổ nước lên quần áo. Người mẹ bảo rằng chỉ có mỗi việc như vậy cũng chẳng thể làm tốt được. Tại sao lại không nhớ cách mẹ đã dạy phải cầm cốc nước bằng hai tay?
Người mẹ nhìn đứa trẻ với ánh mắt bực bội. Lúc này người bố đi đến và thuyết phục vợ nên bỏ qua chuyện. Tuy nhiên người mẹ vẫn quát mắng con, bắt đứa trẻ nhận lỗi và hứa phải tự giặt sạch quần áo bẩn khi về nhà. Chỉ khi con bật khóc và nhận sai, người mẹ mới ngừng trách móc, đổ lỗi.
Trong hoàn cảnh như vậy, những người ngồi cạnh tôi đều lắc đầu sau khi thấy cảnh tượng ấy. Những người bạn nói nhỏ với tôi: "Người mẹ này hành xử như vậy sẽ làm tổn thương trái tim yếu đuối của một đứa trẻ".
Hôm đó, tôi nhìn thấy đứa trẻ trông rất chán nản suốt bữa ăn nhưng người mẹ không để ý tới điều này. Chỉ những bà mẹ có chỉ số EQ (trí tuệ xúc cảm) thấp mới bỏ qua cảm xúc của con mình, cứ trách mắng và nói những lời lẽ tiêu cực. Điều này chẳng những không giúp dạy dỗ trẻ mà còn khiến trẻ rơi vào tình cảnh khó xử.
Không có gì sai khi trẻ mắc lỗi và cha mẹ lý luận đúng đắn. Nhưng nếu bạn cứ lý luận cả ngày thì đó chắc chắn là một thảm họa cho đứa trẻ. Giống như Nhà giáo dục người Pháp Jean-Jacques Rousseau
đã nói: "Ba phương pháp vô dụng nhất trên thế giới là lý luận, giận dữ và cố tình chuyển chủ đề".
Khi một đứa trẻ mắc sai lầm, cha mẹ mù quáng cãi lý, buộc đứa trẻ phải ngoan ngoãn theo ý mình. Thực tế bố mẹ càng căng thẳng, trẻ càng cố chối cãi. Bên cạnh đó, sự dạy dỗ tiêu cực này còn khiến trẻ nghĩ rằng bản thân mình thật vô dụng và không thể hoàn thành tốt việc gì".
Chia sẻ của cư dân mạng này sau đó đã nhận được rất nhiều sự đồng tình từ các bậc phụ huynh khác. Hầu hết mọi người đều cho rằng, bà mẹ trong câu chuyện trên là một kiểu "cha mẹ độc hại". Thay vì từ từ nhắc nhở con, bà mẹ này lại chọn cách mắng nhiếc, làm con bẽ mặt nơi công cộng.
Hậu quả sẽ ra sao khi trẻ bị tổn thương lòng tự trọng?
Trẻ dù nhỏ tuổi đến mấy đều có lòng tự trọng riêng. Trẻ càng lớn thì lòng tự trọng càng cao. Vậy nên trong mọi trường hợp, bố mẹ không nên quát mắng, khiến trẻ mất mặt ở nơi công cộng - những nơi có hàng trăm con mắt dò xét. Đặc biệt, bố mẹ càng không nên mắng trẻ trước mặt những người quen, bạn bè bởi điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của trẻ.
Khi bị quát mắng ở nơi đông người, trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ, kém cỏi, yếu đuối. Khi một loạt cảm xúc tiêu cực đạt đến đỉnh điểm, trẻ có thể gây ra những hành động phản kháng mà bố mẹ không nghĩ tới.
Trong trường hợp trẻ đủ mạnh mẽ để vượt qua sự quát mắng của mẹ thì nó cũng để lại trong ký ức trẻ những ám ảnh khó phai trong một thời gian dài. Chính vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ hãy chú ý đến yếu tố EQ khi nuôi dạy con. Đừng bao giờ biến mình thành những bậc "cha mẹ độc hại", "cha mẹ EQ thấp".