Con tàu "nhọ" nhất của HQ Nga: Nằm không trúng đạn, thủy thủ thà nhảy xuống nước còn hơn làm việc trên tàu

Lâm Vy | 07-04-2020 - 19:21 PM

(Tổ Quốc) - Mang trên mình những kỳ vọng lớn lao nhưng tới cuối cùng "gã khổng lồ" Ural chỉ nhận được một kết cục cay đắng.

Tháng 6/1981, Liên Xô bắt đầu chế tạo một chiếc tàu trinh sát hạt nhân không lồ tên là Ural, được thiết kế đặc biệt để vượt qua hải trình hàng nghìn dặm tới bãi thử tên lửa của Mỹ ở đảo Kwajalein xa xôi nằm giữa Thái Bình Dương.

Tại đó, con tàu này sẽ nằm phục kích trong 6 tháng, thu thập dữ liệu điện tử để xác định xem các loại vũ khí bí mật nhất của Mỹ có khả năng gì.

Tuy nhiên, chiếc tàu trinh sát hoàn thành vào tháng 5/1983 lại chỉ ra khơi duy nhất một lần - từ nhà máy đóng tàu Baltic (nơi nó được chế tạo) để tới cảng nhà ở Vladivostok. Ural không bao giờ đi được tới nơi nào gần đảo Kwajalein như nó được kỳ vọng.

Hàng loạt trục trặc cùng với tình trạng thiếu kinh phí để sửa chữa đã khiến con tàu dần bị tháo dỡ.

Lịch sử đáng buồn của chiếc tàu do thám khổng lồ này đã hé mở cho chúng ta thấy những chương trình gián điệp đồ sộ, tinh vi và siêu bí mật thời Chiến tranh Lạnh. Chúng đôi lúc không hoạt động được như mong đợi và cũng đôi lúc cho ra đời những vũ khí gây nguy hiểm cho chính chủ nhân của chúng ở mức độ cao hơn cả những gì chúng có thể gây ra cho đối thủ.

Tàu gián điệp khổng lồ

Với chiều dài 275m, chiều rộng hơn 30m và lượng giãn nước 34.640 tấn, kích cỡ của tàu do thám Ural thuộc hàng "khổng lồ". Thân tàu và máy móc trên tàu được chế tạo dựa trên bản thiết kế tàu tuần dương hạt nhân lớp Kirov, một trong những lớp tàu chiến mặt nước lớn nhất và mạnh nhất từng được xây dựng.

Cặp lò phản ứng hạt nhân của tàu, trên lý thuyết, có công suất 171 megawatt, tương đương với công suất của một nhà máy năng lượng dân sự quy mô nhỏ. Nguồn năng lượng này cho phép con tàu có thể đạt tốc độ 22 hải lý/giờ và vận hành một trong những hệ thống radar, radio, cùng các thiết bị nghe lén điện tử tinh vi nhất.

"Tàu Ural có thể hoạt động quẩn quanh ở vùng biển trung lập tại vùng duyên hải Mỹ trong khoảng thời gian không giới hạn, mà không cần tiếp nhiên liệu. NÓ có thể phân tích các phổ điện tử xung quanh các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các căn cứ hàng không chiến lược của Mỹ" - Tạp chí Military Review của Nga đề cập trong một bài viết năm 2006.

"Nó được trang bị để xử lý và đánh giá một lượng lớn dữ kiệu trinh sát trong thời gian ngắn và truyền về cho bộ chỉ huy quốc gia" - Military Review cho hay. Tuy nhiên, cho tới nay, thông tin chính xác về các hệ thống radar và cảm biến mà tàu Ural mang theo vẫn chưa được tiết lộ.

Tạp chí Nga cho biết, cho tới hiện nay vẫn rất khó để tìm được nguồn thông tin đáng tin cậy về chương trình xây dựng con tàu.

Song, dù trang bị các hệ thống tinh vi tới mức nào thì Ural vẫn chưa bao giờ được sử dụng đến chúng. Nó được gọi là một cục nam châm hút thảm họa kể từ giây phút đi vào trang bị của Hải quân Liên Xô năm 1988. Giới chức Liên Xô, và sau này là Nga, không bao giờ sẵn lòng mạo hiểm để đưa Ural vào triển khai thực tế.

Con tàu nhọ nhất của HQ Nga: Nằm không trúng đạn, thủy thủ thà nhảy xuống nước còn hơn làm việc trên tàu - Ảnh 1.

Tàu do thám Ural đã gặp phải quá nhiều rủi ro. Ảnh: Wiki

Lịch sử tràn ngập rủi ro

Ural gặp phải xui xẻo đầu tiên trong chuyến hải trình từ nhà máy đóng tàu ở biển Baltic tới cảng nhà ở Thái Bình Dương.

Chuyến đi dự kiến kéo dài 2 tháng, con tàu do thám khổng lồ với 1.000 thủy thủ sẽ băng qua khắp các chặng đường quanh châu Âu, qua kênh đào Suez, đi tiếp qua Đông Nam Á để đến Vladivostok, khu vực gần biên giới của Nga với Trung Quốc và Triều Tiên.

Trong một lần dừng chân, những thủy thủ làm nhiệm vụ canh gác trên tàu Ural đã ném lựu đạn vào thứ mà họ nghĩ là một kẻ xâm nhập đang bơi về phía con tàu bí mật. Nhưng hóa ra đó chỉ là một con rùa biển. Trang Blog Hải quân Nga đã kể lại sự việc này và những vụ việc tréo ngoe khác trong một bài đăng vào năm 2008.

Các thủy thủ trên tàu Ural không giết hại những con rùa biển. Con tàu này còn được Blog Hải quân Nga mô tả là "một trong những tàu chiến hiếm hoi không có chuột".

Theo blog này, khi các thiết bị điện tử trên tàu được bật lên, một thứ gì đó - có thể là bức xạ - đã nhanh chóng giết chết tất cả các loài gặm nhấm trên tàu. Lũ chuột "chỉ xuất hiện trở lại khi tàu neo đậu tại bến cảng".

Con tàu do thám cuối cùng đã đến Vladivostok, và rồi thủy thủ đoàn phát hiện ra rằng bến tàu "đặc biệt" dành cho nó vẫn chưa hoàn thiện.

"Tàu Ural buộc phải thả neo trong vịnh và bắt đầu cuộc chiến vô hình với những hỏng hóc và ăn mòn máy móc. Hệ thống máy vẫn phải duy trì hoạt động trong quá trình tàu thả neo để vận hành các hệ thống hỗ trợ kíp thủy thủ khổng lồ của tàu" - Military Review cho hay.

Các chỉ huy Liên Xô muốn triển khai tàu Ural tới Kwajelein, nơi quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo hạt nhân và tên lửa đánh chặn đặc biệt (tiền thân cho lá chắn phòng thủ tên lửa công nghệ cao của Mỹ hiện nay) từ những năm 1960.

Song, các quan chức cao cấp của nước này đã nhanh chóng hủy bó kế hoạch triển khai, sau khi các vấn đề mà tàu Ural gặp phải trở nên rõ ràng hơn. Hệ thống làm mát lò phản ứng không hoạt động ổn định, thiết bị giám sát Korall và hệ thống máy tính Elbrus gặp trục trặc, trong khi các chuyên gia không thể làm được điều gì để khắc phục chúng.

Mùa hè năm 1990, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra trên tàu Ural, khiến phần lớn con tàu bị hư hại. Tình hình trở nên tệ hơn khi vào mùa thu năm 1991, một cơn bão lớn đã làm đứt neo, khiến tàu Ural bị cuốn ra biển và suýt đâm vào một đảo đá.

Theo Blog Hải quân Nga, trong ngày hôm sau, do con tàu đã bị kéo ra xa cảng nhà nên thủy thủ trên tàu được tiếp tế phần ăn đặc biệt với xúc xích và sữa, xem như một sự an ủi nhỏ trong một "đợt triển khai" bất ngờ khiến con tàu gần như bị phá hủy.

Tới năm 1992, khi tàu Ural đang neo đậu tại bến tàu ở Vladivostok thì kho đạn dược cách đó chỉ 1 dặm vô tình phát nổ, đạn và mảnh đạn văng như mưa xuống căn cứ hải quân, cùng các con tàu đang neo đậu trong đó.

"Dưới cơn mưa đạn lửa, kíp thủy thủ của tàu Ural, chỉ với sự hỗ trợ của duy nhất 1 tàu kéo, đã di chuyển con tàu tới nơi an toàn ngay trong đêm" - Blog Hải quân Nga cho hay.

Con tàu nhọ nhất của HQ Nga: Nằm không trúng đạn, thủy thủ thà nhảy xuống nước còn hơn làm việc trên tàu - Ảnh 3.

Con tàu không bao giờ thực hiện được kỳ vọng là đi tới đảo Kwajalein để do thám vũ khí Mỹ. Ảnh: Global Security

Con tàu bị bỏ rơi

Liên Xô sụp đổ năm 1991, kéo theo sự suy tàn của quân đội Liên Xô. Các xưởng đóng tàu dần phải dừng hoạt động. Điện Kremlin không đủ khả năng tài chính để trang trải cho các đợt triển khai và huấn luyện thường lệ, nói gì tới hàng triệu USD cần có để sửa chữa tàu Ural.

Con tàu bị bỏ phí ở Vladivostok. Thời gian trôi qua, con tàu bị ngấm nước và bắt đầu gặp phải một vấn đề gần như không thể sửa chữa được. Để nó không bị phá hỏng trong một cơn bão khác, các công nhân tại đây thậm chí đã hàn chặt con tàu khổng lồ vào bến tàu.

Sau một năm hoặc một năm rưỡi đối mặt với sự vô vọng, nhiều sĩ quan trên tàu Ural đã xin được điều chuyển hoặc nghỉ việc. "Trong một số trường hợp khi ban chỉ huy không đáp ứng yêu cầu, một số sĩ quan trên tàu đã bất chấp nhảy xuống nước và bơi vào bờ" - Military Review cho hay.

Kíp thủy thủ trên tàu Ural giảm xuống chỉ còn 100 thủy thủ, tức chỉ còn 10% so với quân số ban đầu. Nguồn nhân lực bị thu hẹp đã đẩy con tàu vào tình trạng suy sụp hoàn toàn.

Đã có những cuộc thảo luận về khả năng bán con tàu, hoặc thậm chí chuyển đổi nó sang làm nhà máy điện dân sự nhưng Điện Kremlin lo ngại nguy cơ lộ thiết bị bí mật trên tàu, ngay cả khi nó không hoạt động.

Năm 2002, Hải quân Nga chính thức loại biên tàu Ural và dành gần một thập kỷ sau đó để tìm ra cách tháo dỡ nó. Trong khoảng thời gian này, chiếc tàu do thám khổng lồ cuối cùng đã được "đưa vào hoạt động" trong các tác phẩm hư cấu.

Trong cuốn sách về ngày tận thế World War Z của Max Brooks năm 2006, Ural trở thành trụ sở phát sóng cho Radio Free Earth - mạng tin tức về những người sống sót trong cuộc chiến với zombie.

Và trong bộ phim hoạt hình Evangelion năm 2009, các lực lượng Trái Đất đã sử dụng Ural như một trạm chỉ huy trong cuộc chiến chống lại những kẻ xâm lược hùng mạnh.

Thế nhưng, trong đời thực, Ural là một gã khổng lồ không có sự sống. Năm 2010, nó được chuyển tới nhà máy đóng tàu Zvezda ở Viễn Đông để tháo dỡ. Theo kế hoạch khi ấy, quá trình tháo dỡ sẽ hoàn thành vào năm 2017.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM