Mỗi đứa trẻ lại có một tính cách khác biệt. Trong khi có những bé khá mạnh mẽ, dũng cảm thì cũng có không ít bé có trái tim mong manh, yếu đuối. Con dễ khóc và cảm thấy bị tổn thương nếu có ai đó lớn tiếng, chỉ trích mình.
Nhiều bố mẹ tỏ ra khó chịu trước tính cách này của con. Họ cho rằng một đứa trẻ quá "mít ướt" sẽ chẳng làm nên chuyện gì trong tương lai. Vì thế bố mẹ lại càng quát mắng, cáu giận mỗi khi con xúc động, khóc lóc.
Tuy nhiên, những đứa trẻ nhạy cảm lại có lòng tự tôn rất mạnh. Điều con mong là được bố mẹ nói lời dịu dàng thay vì trách móc, châm chọc từ người khác. Thế nên, thay vì quát mắng hay đánh đập, bố mẹ có thể thử những cách sau đây.
1. Chỉ rõ những điều con làm chưa tốt bằng thái độ nhẹ nhàng
Khi trẻ làm sai điều gì đó, con dễ khóc và cảm thấy buồn bã. Lúc này, những lời mắng mỏ, trách móc của bố mẹ càng khiến con thêm tự ti. Cha mẹ nên động viên, khen ngợi vì con đã rất cố gắng, nên tiếp tục phát huy cho những lần sau.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng chia sẻ nhẹ nhàng những khuyết điểm mà con cần cải thiện, nên rèn luyện để trở nên tốt hơn. Chỉ ra điểm chưa tốt một cách bình tĩnh, kiên nhẫn sẽ khiến những đứa trẻ nhạy cảm dễ hiểu và thực hiện theo.
2. Không chê trách, chỉ trích con trước nơi đông người
Những đứa trẻ nhạy cảm dễ bị sợ người lạ. Có thể ở trong nhà con làm rất tốt nhưng ở nơi đông người, trẻ dễ sợ và mất đi sự tự tin. Lúc này, cha mẹ la mắng những câu như "con bị làm sao đấy, cứ làm như bình thường xem nào", hoặc "cứ những lúc quan trọng thì lại khóc"... sẽ khiến trẻ buồn bã hơn.
Không nên quá khắt khe và cần cho con cơ hội để thể hiện mình một cách tự tin nhất. Những lời phê bình lúc này là không phù hợp, làm thui chột niềm tin của trẻ.
3. Rèn luyện tính chịu đựng khó khăn và vượt qua thất bại cho trẻ
Một số gia đình có điều kiện không muốn con cái phải đụng tay đụng chân vào bất kỳ điều gì, mọi thứ đã có bố mẹ và người giúp việc lo. Việc nuôi dưỡng một cách quá bảo bọc này hoàn toàn không tốt cho một đứa trẻ, dễ khiến chúng trở nên hư hỏng.
Một đứa trẻ quá nhạy cảm rất khó chịu đựng được những áp lực trong cuộc sống. Không khó để nhận thấy có nhiều đứa trẻ tâm lý rất kém, chỉ vì điểm số kém đã chọn cách tự tử. Điều này ngoài nguyên nhân từ phía bố mẹ, bản thân trẻ có suy nghĩ quá cực đoan khi gặp chuyện buồn và khó khăn.
Vì thế, việc giáo dục trẻ chịu đựng được khó khăn là điều rất quan trọng. Bố mẹ có thể bắt đầu từ việc nhờ trẻ làm việc nhà.
4. Trau dồi khả năng chống lại sự thất vọng của trẻ
Dù bố mẹ giàu hay nghèo, họ cũng không thể đi bên cạnh con cái mãi mãi. Khi con cái lớn lên, tiếp xúc với xã hội nhiều hơn, những khó khăn, thất bại trong học tập và công việc sẽ dần dần xuất hiện.
Bố mẹ không thể lúc nào cũng chìa tay giúp đỡ con mình, họ cần chỉ cách cho trẻ đối phó với những cảm xúc tiêu cực khi gặp khó khăn, nâng cao khả năng chịu đựng sự thất vọng và khả năng thích ứng với cuộc sống. Chỉ bằng cách này, trẻ mới nhanh chóng đứng lên từ thất bại và tiếp tục bước về phía trước.