Bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh của trẻ nhỏ
Vài ngày trước, một người bạn nhắn tin hỏi tôi rằng chúng ta nên làm gì khi con mình bị bắt nạt ở trường? Câu hỏi này làm tôi nhớ đến cháu gái Lộ Lộ của tôi.
Chị gái tôi nhiều lần than thở với tôi rằng cháu gái bị bắt nạt ở trường mẫu giáo. Một số đứa trẻ khác đã giật nơ trên quần áo, giật dây chun, cướp đồ ăn vặt thậm chí còn đẩy Lộ Lộ. Mỗi lần bị bắt nạt Lộ Lộ đều về mách mẹ, đổi lại chị gái tôi lại dùng giọng điệu giận dữ để hỏi con bé: "Tại sao không phản kháng?". Nhìn dáng vẻ tức giận của mẹ, Lộ Lộ bị dọa chỉ dám nhỏ giọng trả lời "Con không dám".
Chị gái tôi cư xử với Lộ Lộ rất cứng rắn, bởi vì thường xuyên bị bắt nạt nên Lộ Lộ vô cùng nhút nhát, thậm chí còn có hơi tự ti, con bé không dám nói chuyện trước mặt người lạ, cũng không dám chơi cùng những bạn nhỏ khác.
Thấy Lộ Lộ như vậy, bố chồng của chị rất đau lòng vì thế đã đề nghị đưa Lộ Lộ về cho ông chăm sóc. Bố chồng của chị tôi là một giáo viên đã về hưu, chị gái vốn dĩ không muốn ông thêm bận lòng, nhưng nhìn Lộ Lộ như vậy chị gái cũng rất lo lắng, hy vọng ông có thể thay đổi tình trạng hiện tại của con bé.
Cứ như vậy, Lộ Lộ đến sống với ông 1 năm. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là sau khi trở về, Lộ Lộ thực sự đã thay đổi rất nhiều, trở thành cô bé tự tin hơn. Tôi cứ nghĩ vì lâu ngày không gặp con bé nên sinh ra ảo giác, nhưng không lâu sau tôi thực sự chắc chắn rằng Lộ Lộ đã tự tin và dũng cảm hơn trước rất nhiều.
Tôi và chị gái đưa Lộ Lộ đi chơi xích đu trong công viên, chúng tôi đang trò chuyện ở nơi khá xa so với xích đu. Lúc này, một vài đứa trẻ cả nam lẫn nữ đi đến và yêu cầu Lộ Lộ nhường xích đu cho chúng. Nhìn Lộ Lộ bị 5 đứa trẻ vây quanh tôi rất đau lòng, muốn đến đuổi bọn trẻ đi nhưng không ngờ hành động của Lộ Lộ khiến tôi ngẩn người, con bé không hề bỏ đi cũng không khóc lóc mà bình tĩnh trả lời đám nhóc.
"Các bạn có thấy không, đằng kia là mẹ và dì của tôi. Mẹ của các bạn và mẹ của tôi làm việc cùng nhau, lát nữa tôi sẽ đến mách mẹ các bạn. Các bạn đều là học sinh của trường tiểu học trung tâm đúng không, tôi vừa chuyển qua đó nhưng tôi quen giáo viên của các bạn".
Sau khi Lộ Lộ nói những lời này, những đứa trẻ vội vã bỏ đi. Tôi hơi kinh ngạc vì sự thay đổi của Lộ Lộ, tại sao Lộ Lộ lại thay đổi nhiều như vậy? Với sự hiếu kỳ, tôi đặc biệt đến hỏi ông nội con bé.
3 kinh nghiệm để nuôi dưỡng một đứa trẻ không bị người khác bắt nạt
Trở thành chỗ dựa cho con
Ông nội Lộ Lộ nói rằng khi một đứa trẻ bị bắt nạt, bố mẹ phải là chỗ dựa cho con, phải yêu cầu người bắt nạt xin lỗi con. Khi Lộ Lộ bị bắt nạt ở nhà ông, ông cũng làm cách tương tự, hiểu rõ nguyên nhân và yêu cầu gia đình người bắt nạt phải đứng ra xin lỗi.
Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy trẻ con đánh nhau là chuyện thường, không có gì nghiêm trọng hoặc bên kia chỉ cần nói vài câu liền bỏ qua không tính toán nữa. Nhất định phải làm rõ mọi việc và yêu cầu đối phương xin lỗi nếu họ làm sai.
Khi con bị bắt nạt cha mẹ tuyệt đối không được để con chịu ấm ức, đặc biệt đừng bao giờ đổ hết lỗi lầm lên đầu con. Sự thờ ơ của bố mẹ sẽ khiến trẻ bị bắt nạt nhiều hơn.
Đồng cảm với trẻ và an ủi chúng
Khi bị bắt nạt dù đúng hay sai thì trẻ cũng sẽ chịu một số ảnh hưởng tâm lý nhất định. Điều này sẽ để lại nỗi ám ảnh cho trẻ mỗi khi đến lớp hoặc gặp bạn bè. Lúc này, bố mẹ cần biết cách lắng nghe con, đồng thời dành thời gian bên cạnh để an ủi và thể hiện sự đồng cảm với những điều mà con đã trải qua. Hành động đó sẽ giúp con cảm thấy yên tâm và thoải mái hơn.
Dạy trẻ cách tự vệ
Nhiều người nghĩ rằng bạo lực học đường sẽ không xảy ra với con mình nhưng thực tế không phải vậy. Theo thống kê thì hơn 50% học sinh đã từng bị bắt nạt học đường. Vì vậy cha mẹ phải dạy con cách đối mặt với tệ nạn này và cách tự bảo vệ mình.
Chẳng hạn như ông nội Lộ Lộ, ông đã mua cho cô bé cuốn sách "Sách chống bắt nạt trẻ em". Bộ sách này giúp trẻ nhận biết các hành vi bắt nạt và đề xuất các biện pháp giải quyết từ góc độ của trẻ.
Phương pháp giáo dục đúng đắn có thể giúp trẻ tránh được những hành vi bạo lực học đường không đáng có, mỗi bậc phụ huynh đều cần phải trang bị kiến thức và kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường để giúp con em mình có khoảng thời gian tươi đẹp khi ngồi trên ghế nhà trường.
Theo sohu