Với Fumio Takenaka, giọt nước làm tràn ly là khi cô theo dõi bản tin về du thuyền Diamond Princess ở ngoài khơi Nhật Bản vào tối chủ nhật 9/2. Những hình ảnh được quay vào sáng cùng ngày với ánh đèn lấp lóe của xe cứu thương xếp hàng dài tại cảng Yokohama nơi du thuyền Diamond Princess neo đậu. Các nhân viên y tế mặc áo bảo hộ, đeo khẩu trang cùng kính kín mít, cho biết 64 trong số 3.600 người đã bị nhiễm virus corona.
"Tôi sống ở Yohkohama và những cảnh tượng trên thực sự khiến tôi sợ hãi", Takenaka, một bà nội trợ sống tại quận Yamate, nói. "Vào sáng 10/2, việc đầu tiên tôi làm là đi mua đồ ăn và mua hai hộp khẩu trang lớn cùng một chai nước rửa tay sát khuẩn lớn nhất mà tôi có thể tìm thấy".
"Tôi phải đi mua những đồ trên bởi con gái tôi phải đi học và chồng tôi đi tàu điện và gặp gỡ mọi người thường xuyên mỗi ngày. Vài tuần trước thôi, không ai biết virus corona là gì nhưng bây giờ nó đã làm chết bao nhiêu người và nó đang ở đây, ở Yokohama. Tôi không muốn có bất cứ nguy cơ nào", Takenaka nói thêm.
Siêu du thuyền bị giam lỏng
Ngày 11/2, Bộ Y tế Nhật Bản công bố 135 trường hợp, và ngày 12/2 thêm 39 trường hợp, nhiễm virus corona trên tàu Diamond Princess, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn Nhật Bản là 174 ca, cao nhất bên ngoài Trung Quốc.
Con số này bao gồm 2 người Nhật Bản sơ tán khỏi thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Hai người này được phát hiện dương tính sau kết quả âm tính lúc ban đầu, Bộ Y tế Nhật cho hay.
Một trường hợp người đàn ông ngoài 50 tuổi, trở về trên chuyến bay sơ tán đầu tiên ngày 29/1 và đã được cách ly trong phòng khách sạn kể từ đó. Ông được xét nghiệm âm tính tới 2 lần, trước khi lần thứ 3 xét nghiệm sau 12 ngày và cho kết quả dương tính.
Một cụ bà hơn 80 tuổi người Nhật Bản đã tử vong vì virus corona. Virus corona chủng mới hiện nay đã lây nhiễm cho hơn 73.000 người, làm chết hơn 1.800 người, cao hơn nhiều so với hơn 8.000 ca nhiễm và 774 người thiệt mạng vì SARS năm 2003.
Những con số liên tục tăng cao kể trên làm dấy lên nỗi sợ cho người dân Nhật Bản và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của họ.
Tin đồn hoành hành, giới chức Nhật nỗ lực ứng phó
Một số cửa hàng đã dán thông báo quy định mỗi khách hàng chỉ được mua một số lượng khẩu trang có hạn và các nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng dán các khuyến cáo mọi người nên rửa tay thường xuyên.
Trên mạng xã hội, không thể tránh khỏi các tin đồn về sự lây lan virus và thời gian ủ bệnh cũng như tin đồn về việc hủy hoặc hoãn kỳ Thế vận hội Tokyo 2020 tới đây. Chính phủ và các tổ chức đã kiên quyết bác bỏ các tin đồn đó.
Nhà chức trách kêu gọi người dân sàng lọc thông tin, không tin vào các tin đồn lan truyền trên mạng xã hội, tuy nhiên chính phủ lại bị chỉ trích về những phản ứng ban đầu trước dịch bệnh là không thỏa đáng.
Quyết định "giải cứu" hai công dân từ Vũ Hán vào cuối tháng 1 và cho họ về khu dân cư khi họ từ chối làm xét nghiệm virus đã bị lên án vào thời điểm đó. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe giải thích rằng không có cơ sở luật pháp bắt buộc họ phải làm những xét nghiệm sâu hơn.
Lo ngại về sự lây lan dịch bệnh đã hiện rõ trong cuộc sống hàng ngày. Lãnh đạo ngành thể thao, môn bóng bầu dục, đã yêu cầu các vận động viên và huấn luyện viên không bắt tay với người hâm mộ và không tổ chức các buổi gặp mặt trực tiếp vào cuối tuần. Trong khi đó, công ty quản lý ca sĩ Johnny & Associates đã huỷ các sự kiện gặp gỡ người hâm mộ của nhóm boy band SixTones & SnowMan vốn được lên lịch vào tháng 3.
Nhóm nhạc nữ AKB48 cũng đã hoãn sự kiện tại Osaka khi các fan phải bắt tay nhau. Nhóm viết rằng: "Chúng tôi hứa sẽ đảm bảo sức khỏe cho người hâm mộ và các thành viên của nhóm". Tương tự, các linh vật và nhân vật tại Disneyland Tokyo và DisneySea vốn rất quen thuộc với khách tham quan khắp châu Á này cũng được yêu cầu không ôm du khách mà thay vào đó là vẫy chào.
Giáo dục, du lịch đảo lộn vì corona
Với các học sinh năm cuối cấp sắp thi vào đại học, các trường đại học cho phép thí sinh đeo khẩu trang khi làm bài thi và cung cấp nước rửa tay sau khi ra khỏi phòng thi. Đại học Chuo đã ra thông báo đề nghị những học sinh cảm thấy không khỏe thì không nên đến trường thi.
Ngoài ra, một số trường học cũng từ chối tiếp nhận học sinh Nhật trở về từ Trung Quốc đến lớp. Người phụ nữ trong gia đình Nhật trở về từ Quảng Châu, nơi chồng của cô làm việc, nói với Asahi rằng cô thậm chí không được đến trường mẫu giáo để hỏi xin học cho 2 đứa con.
Người phụ nữ nói rằng nhân viên nhà trường nói cô có thể đứng ngoài hàng rào để nhìn vào trong trường nhưng con của cô không thể nhập học ít nhất cho đến cuối tháng 3.
Nhà trường vẫn không thay đổi quyết định dù cô nói rằng gia đình cô đã trở lại Nhật hơn một tháng và không có dấu hiệu của virus. Giới chức giáo dục địa phương sau đó đã yêu cầu trường mẫu giáo xem xét lại quyết định, nói rằng như vậy là "phản ứng thái quá" và yêu cầu các trường không được kỳ thị, phân biệt đối xử với các em nhỏ trở về từ Trung Quốc.
Nhiều công ty cũng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng với giá cổ phiếu giảm đáng kể. Thị trường chứng khoán Tokyo đóng cửa ngày 11/2 vì là ngày lễ nhưng giao dịch được dự đoán sẽ khó khăn trong những ngày tới.
Ngày thứ 2, 10/2, Nissan đã phải tuyên bố tạm dừng sản xuất xe tại nhà máy ở Fukuoka vì bị gián đoạn nguồn cung vật liệu từ Trung Quốc. Nissan và một số công ty Nhật khác đã ngừng sản xuất tại các nhà máy tại Vũ Hán và các thành phố lân cận ngay sau khi dịch bệnh bùng phát. Các nhà phân tích đánh giá rằng sự đình trệ trong chuỗi cung ứng sẽ tác động lớn đến việc sản xuất trong một số ngành.
Trong đó, ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Nhật Bản có thể là du lịch với 13 sân bay trên khắp cả nước được yêu cầu cấm mọi chuyến bay đến và đi tới Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh. Những sân bay như Ibaraki, Nagasaki and Kagoshima thường ngày đông đúc khách du lịch Trung Quốc, đã hủy mọi chuyến bay đến ít nhất ngày 15/2.
Trong khi đó, các chủ cửa hàng ở Kyoto nói với Kyoto Shimbun rằng số lượng khách tới mua sắm sụt giảm mạnh nhất trong vòng 30 năm qua bởi khách du lịch Trung Quốc vốn là lượng khách đông đảo nhất của cửa hàng.
Trong ngành du lịch, du lịch du thuyền là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất khi tàu Diamond Princess bị cách ly tại cảng Yokohama. Một số hành khách trên tàu thông qua mạng xã hội đã chia sẻ cuộc sống của họ trên tàu những ngày này và những nỗi sợ hãi của họ.
David Abel, một khách du lịch người Anh, trở nên quen mặt trên Facebook vì thường xuyên cập nhật tình hình trên tàu. Ông nói rằng những những hành khách cùng ở trên tàu với mình bị "sốt cabin" khi bị nhốt trong phòng của mình suốt 23 giờ/ngày, đặc biệt là những phòng không có cửa sổ và ban công.
Chính phủ Nhật Bản vẫn đặt hy vọng cao cho khối du lịch du thuyền sẽ đóng góp nhiều cho ngành du lịch nước này dù lượng khách đặt tour sẽ giảm vì dịch bệnh.
Tham khảo SCMP, AFP