Con cáu gắt, hay ném đồ bỗng "dịu" cơn giận dữ nhờ 3 hành động này của mẹ

Minh Nhật | 14-01-2023 - 10:00 AM

(Tổ Quốc) - Khi trẻ cáu gắt, cha mẹ thường có xu hướng quát mắng lại con hoặc đặt bé ra xa khỏi bạn để chúng hối lỗi. Tuy nhiên điều đó sẽ làm cho con bạn có cảm giác "xấu" và bị cô lập.

1. Nguyên nhân khiến trẻ cáu gắt

Trẻ cáu gắt, hay ném đồ là một hành vi cảm xúc khá bình thường và lành mạnh. Theo chị Kiều Trang (Hà Nội) - một hot mom luôn có nhiều bài chia sẻ về cách nuôi dạy con, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến cảm xúc của con trở nên tiêu cực.

Về nguyên nhân chủ quan, việc trẻ thường xuyên cáu gắt tức giận là do tính cách của con, nhiều bé có lòng tự trọng (cái tôi) rất cao nên con sẽ rất dễ mất bình tĩnh. Bên cạnh tính cách thì còn thêm một nguyên nhân nữa đó là con đang bước vào wonder week (tuần khủng hoảng) ở giai đoạn sơ sinh và lớn hơn là con bước vào các thời kỳ khủng hoảng lên 2, lên 3...

Còn về chủ quan thì chính là việc con không được thỏa mãn nhu cầu từ ông, bà, bố, mẹ và mọi người xung quanh. Ví dụ như con bị mẹ tắt TV, con không được ăn món thịt yêu thích, con không được ra ngoài chơi,... Thường thì đứa trẻ nào cũng sẽ phản ứng mạnh mẽ với những việc trên. Tuy nhiên nếu bố mẹ không biết cách xử lý mà cứ chiều chuộng và làm theo mọi yêu cầu của con thì sẽ dẫn đến một kết quả tiêu cực sau này. Đó là con biết lấy sự cáu gắt, tức giận ra làm "điều kiện" để bố mẹ phải chấp nhận yêu cầu của mình.

Con cáu gắt, hay ném đồ bỗng "dịu" cơn giận dữ nhờ 3 hành động này của mẹ - Ảnh 1.

Con trai của chị Kiều Trang.

2. Trẻ cáu gắt thường xuyên ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của chúng?

Chị Kiều Trang cho hay: "Trẻ thường xuyên cáu gắt, tức giận thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của con, và cụ thể là phát triển cảm xúc. Thường bố mẹ sẽ chỉ quan tâm đến phát triển chiều cao, cân nặng mà lại ngó lơ về mặt cảm xúc của con trong khi đây là một khía cạnh rất quan trọng. Con lớn lên có trở thành một người khả ái, nhân hậu, tốt bụng,... hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc nuôi dưỡng cảm xúc cho con.

Những cảm xúc tiêu cực của con chỉ không tốt khi bố mẹ phủ nhận nó và nói với con rằng con không được phép có hành vi như thế, đồng nghĩa với việc bố mẹ không tôn trọng con. Bố mẹ cần lắng nghe con, thường xuyên nói những lời yêu thương với con để con cảm nhận được những điều đẹp đẽ nhất từ khi con nhỏ, và đặc biệt là tránh để con thường xuyên cáu gắt, nóng giận".

Khi cha mẹ phản ứng tiêu cực đối với sự tức giận của trẻ sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Theo mẹ trẻ Hà Nội, những hành vi của bố mẹ không thể giữ nổi bình tĩnh với việc con tức giận mà quát mắng, đánh chừa con... thì đây được gọi là "tấn công trực tiếp" vào cơn giận dữ của con. Điều này không giúp ích chút nào khi mẹ muốn làm dịu cảm xúc của trẻ. Ngược lại, khi con bị đánh hoặc mắng, cơn giận dữ từ trẻ càng thổi bùng lên hoặc bé có vẻ cam chịu vì sợ hãi đòn roi nhưng trong lòng rất ấm ức. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc của trẻ.

Con cáu gắt, hay ném đồ bỗng "dịu" cơn giận dữ nhờ 3 hành động này của mẹ - Ảnh 2.

Hai mẹ con thường xuyên vui chơi, học tập cùng nhau.

3. Mẹ trẻ đưa ra 3 lời khuyên giúp cha mẹ làm dịu cơn giận dữ của trẻ

1. Chấp nhận việc con sẽ có những lúc bực tức, giận dỗi và con thể hiện điều đó ra

Thật ra điều đó là hoàn toàn bình thường và chấp nhận được. Bởi ngay cả người lớn cũng có lúc tâm trạng không vui, dễ cáu gắt, nóng giận.

2. Công nhận cảm xúc của con khi trẻ cáu gắt

Bố mẹ hãy để con có không gian và thời gian để giải tỏa cảm xúc riêng của chúng. Ví dụ như khi Sóc gào thét vì bị mẹ tắt TV thì mình sẽ để con khóc, gào, la hét 30s đến 1 phút và mình sẽ bảo với con: "mẹ sẽ qua phòng khác".

Sử dụng thời gian chờ như một công cụ để giúp trẻ bình tĩnh. Dạy trẻ biết rằng có thể tạm dừng hoạt động, dành vài phút để bình tĩnh lại. Điều này có thể thực sự hữu ích đối với những đứa trẻ dễ nổi giận.

3. Dạy trẻ kỹ năng đối phó với giận dữ

Khi trẻ đã qua cơn tức giận thì cha mẹ bắt đầu dùng lời lẽ phù hợp để phân tích và nói lại cho con vấn đề vừa xảy ra: Con sai ở đâu, mẹ sai ở đâu, những cách giải quyết khác của vấn đề, mong muốn của con là gì,… Và quan trọng là THOẢ HIỆP bố mẹ. Ví dụ con đòi xem TV, con sẽ được xem nhưng thống nhất là chỉ trong 20 phút và sau đó mình sẽ tắt đi để bạn TV được nghỉ ngơi.

Cha mẹ co con biết những hậu quả tiêu cực khi con cáu giận, ném đồ. Những lời động viên, lời khen hay một phần thưởng có thể giúp trẻ dần hoàn thiện kỹ năng quản lý cơn giận.

"Lời khuyên cho bố mẹ là nên đặt mình vào con trước, hãy dành ít nhất 10s để hít vào thở ra lấy lại bình tĩnh, tiếp sau đó là 30s để suy nghĩ về lý do tại sao con lại cư xử, phản ứng như vậy. Trong khi dành cho con thời gian bộc phát cảm xúc một mình thì bố mẹ cũng chọn một không gian riêng cho bản thân. Vậy mấu chốt ở đây chính là BÌNH TĨNH, BÌNH TĨNH và BÌNH TĨNH bố mẹ nha, chúc bố mẹ sẽ cùng các con yêu trải qua được những cơn giận dữ đầu đời này thật suôn sẻ nhé" - chị Kiều Trang chia sẻ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Marketing - ngành học chưa bao giờ hạ nhiệt

Trong nền kinh tế hội nhập, doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận Marketing để định vị chỗ đứng trên thị trường kinh doanh và kết nối khách hàng rộng rãi. Một nhãn hàng mỹ phẩm mới ra mắt hay một thương hiệu trà sữa muốn giới thiệu món uống mới thành công đều cần từng bước phân tích đến xây dựng chiến lược khéo léo, sáng tạo.