Lần đầu sinh con nên giống như nhiều mẹ khác, chị Nguyễn Thùy Linh (23 tuổi, hiện đang sinh sống tại Thái Bình) - mẹ bé Nguyễn Hoàng Nam (15 tháng tuổi) chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm chăm sóc và nuôi con. Trong quá trình mang thai và nuôi con, chị Linh từng nghe các mẹ bàn tán về tật dính thắng lưỡi thì cũng theo dõi nhưng lại chủ quan, không nghĩ rằng con mình bị nên cũng chỉ tìm hiểu qua loa.
Cách đây khoảng 4 tháng, lúc ấy bé Hoàng Nam đã hơn 1 tuổi, chị Linh thấy con chỉ nói được vài tiếng, lại toàn là những âm có thanh huyền như "bà, gà", trong khi đó các bạn cùng tuổi với Nam đã hát líu lo đủ bài khác nhau, khi ấy chị Linh mới nghi ngờ con trai bị dính thắng lưỡi. Nhưng rồi chị cũng chủ quan không đưa bé đi khám ngay.
Đúng đợt ấy, bé Nam bị ốm nặng nên chị cho lên Bệnh viện Nhi Thái Bình thăm khám. Tại đây, trong quá trình khám bệnh cho Nam, bác sĩ tai mũi họng đã phát hiện ngay ra bé Nam bị dính thắng lưỡi độ 4 và tư vấn cho bé nên phẫu thuật ngay.
Sau rất nhiều trăn trở và tìm hiểu thông tin kĩ lưỡng về tật dính thắng lưỡi và tham khảo cả kinh nghiệm từ các mẹ đã đưa con đi phẫu thuật dị tật này, chị Linh quyết định sẽ đưa bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương để phẫu thuật cho yên tâm.
"Lúc ấy, nghe các mẹ nói dính thắng lưỡi phẫu thuật đau lắm, không ăn uống được gì đâu, mình sợ quá nhưng lại lo lắng nếu không phẫu thuật ngay con sẽ bị ngọng thì ân hận cả đời, thế là mình quyết định sẽ đưa con lên Hà Nội luôn", bà mẹ trẻ tâm sự.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua thăm khám, bác sĩ kết luận bé Hoàng Nam vừa bị dính thắng lưỡi, vừa bị dính phanh môi trên, đồng thời tư vấn gia đình nên thực hiện phẫu thuật cho bé luôn.
Nhớ lại ngày bé thực hiện thủ thuật, chị Linh kể: "Bế con vào phòng phẫu thuật mà tim đập chân run, gọi đến tên con là nín thở chờ đợi".
Hoàng Nam được gây mê và phẫu thuật trong khoảng 30 phút là xong, sau đó bé được nằm ở phòng hồi sức khoảng 20 - 30 phút thì tỉnh. Chị Linh cho biết, vì con trai bị dính thắng lưỡi độ nặng nên khâu khá nhiều nhưng hoàn toàn là chỉ tự tiêu và không thấy máu.
Sau khi nằm trong phòng hồi sức, Nam được đưa về phòng nghỉ và uống được sữa, ngậm ti giả luôn, đến ngày hôm sau thì bé đã ăn được cháo ngon lành. "Trộm vía đêm con không đau, không quấy và ngủ ngon". Đến hôm sau thì Hoàng Nam được xuất viện về nhà.
Vì không có bảo hiểm nên tổng chi phí của ca phẫu thuật dính thắng lưỡi này theo chị Linh tiết lộ là hết khoảng 8 triệu đồng, nghỉ ở phòng thường, chi phí này bao gồm cả phí khám và xét nghiệm máu trước khi phẫu thuật. Theo cảm nhận của bà mẹ trẻ: "Dù không phải phòng yêu cầu nhưng phòng nghỉ ở viện Nhi sạch sẽ, thoáng đãng, bác sĩ và y tá đều chu đáo, tận hình".
Chia sẻ thêm về những biểu hiện của con trai trước khi phẫu thuật, bà mẹ Thái Bình cho biết ngoài việc nói không sõi thì Nam còn bị chảy nhiều dãi, khi ăn do lưỡi không nhào được thức ăn kĩ nên bé toàn nuốt luôn. Có lẽ vì vậy nên bé cũng khó hấp thụ chất dinh dưỡng, biếng ăn, chậm lớn. Vài ngày sau ca phẫu thuật dinh thắng lưỡi, khả năng nói của Hoàng Nam đã được cải thiện đáng kể "Trước kia bé muốn mà không nói được thành tiếng thì giờ, mẹ dạy gì bé đã biết nói theo đấy".
Từ kinh nghiệm cá nhân, chị Linh nhắn nhủ các mẹ nuôi con nhỏ nên sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường của con. Trong trường hợp nghi ngờ bé bị dính thắng lưỡi, nên đưa bé đi khám sớm để biết chính xác tình trạng con gặp phải và có chỉ định phẫu thuật kịp thời.
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh chỉ xảy ra ở khoảng 5% trẻ sơ sinh, trong đó phanh lưỡi (lớp màng mỏng nằm dưới lưỡi) bị ngắn, dầy và căng, khiến chuyển động của lưỡi bị hạn chế. Đây là nguyên nhân mà ít người biết đến, làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi và ảnh hưởng đến sự phát âm của trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ làm phẫu thuật cắt thắng lưỡi càng sớm càng tốt. Thời điểm lý tưởng là trước khi trẻ bắt đầu tập nói, khoảng 6-9 tháng tuổi. Trong trường hợp ngắn thắng lưỡi ảnh hưởng đến việc bú mút của trẻ có thể can thiệp sớm hơn.