Những thói quen mới được kích hoạt
"Starup cần chuẩn bị những kịch bản nào để ứng phó với khủng hoảng Covid-19 cũng như sống sót lâu nhất có thể ?" là câu hỏi được đặt ra với nhà sáng lập startup viec.co tại buổi tọa đàm trực tuyến 'Startup xoay chuyển nghịch cảnh trong Covid-19' do VnExpress tổ chức.
Nhà đồng sáng lập Phan Xuân Cảnh cho biết ngay từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020, startup này đã bắt đầu đánh giá lại tình hình và phát triển tập trung hơn, làm ít thứ hơn. viec.co đã tiến hành tinh giản lại cả về cỗ máy và sản phẩm dịch vụ cung cấp ra ngoài thị trường ngay từ đầu năm.
"Bọn mình xác định rất tập trung và tập trung hơn nhiều so với thời gian trước. Nên đến lúc dịch nổ ra và bùng phát không có dấu hiệu kết thúc thì với tôi đơn giản là làm sao đi nhanh hơn, quyết liệt hơn với những kế hoạch mình đã đặt ra ngay từ đầu năm", Cảnh chia sẻ.
Nhà sáng lập này cho biết hiện đang xây dựng 2 kịch bản cơ bản trong bối cảnh dịch Covid-19 gồm: Một kịch bản vô cùng xấu là 6-12 tháng nữa dịch không kết thúc thì mình sẽ làm gì? Những sản phẩm dịch vụ nào buộc phải đóng lại, những sản phẩm nào phải tập trung hết sức vào để đem lại sự sống còn cho doanh nghiệp. Kịch bản 2 là hoạt động kinh doanh sẽ khôi phục lại vào khoảng giữa năm. Anh cho biết hiện về cơ bản chỉ quản lý mọi việc trên 2 kịch bản này.
"Và hàng ngày phát triển một số thói quen mới như ngày nào cũng mở tiền trong tài khoản ngân hàng ra xem thế nào? Xem thử khách hàng nào còn nợ, hỏi thăm khách hàng có vấn đề gì không? Mình có thể hỗ trợ gì không, cái nào cấp bách thì mình cũng yêu cầu họ hỗ trợ mình. Đây là những thói quen mới thay đổi của mình cả ngắn hạn cũng như dài hạn", nhà sáng lập viec.co hài hước chia sẻ về thói quen mới trong điều hành kinh doanh.
Anh Cảnh cũng chia sẻ thói quen này hoàn toàn khác so với việc xem xét số liệu tài chính, dòng tiền mỗi tháng 1 lần và dựa vào kế hoạch dòng tiền do kế toán cung cấp mỗi tuần như trước đây. Hiện anh chủ động hơn rất nhiều trong việc kiểm soát dòng tiền doanh nghiệp bởi đây là yếu tố sống con. Startup này cũng cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại một lời khuyên mà ai cũng không thể không quên chính là cắt giảm chi phí.
Viec.co được sáng lập bởi Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng. Mặc dù còn tương đối non trẻ trên thị trường khởi nghiệp khi mới ra mắt từ năm 2019, nhưng với việc khi đi gọi vốn trên chương trình Shark Tank, viec.co nhận được tới 4/5 lời đề nghị từ các Shark (Shark Việt và Shark Liên từ chối đầu tư, nhưng sau đó Shark Liên lại ‘ké’ với Shark Dzung), rồi sau đó cặp đôi founder Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng chấp nhận lời đề nghị của Shark Dzung với 300.000 USD tiền đầu tư. Dự án khởi nghiệp này đã nhận được khá nhiều sự quan tâm của giới trẻ.
Khủng hoảng mang tên Covid-19
Tác giả nổi tiếng Brian Tracy từng nhấn mạnh một quy luật tất yếu của cuộc sống: Hãy chấp nhận sự thật rằng, khủng hoảng hay những gì xảy ra đột ngột ngoài ý muốn là một việc khó tránh khỏi trong cuộc sống. Hơn nữa, chúng lại càng không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Dù là ai, đang làm gì, là cá nhân hay tổ chức nào, bạn đều sẽ gặp phải các vấn đề khó khăn, những thay đổi bất ngờ và những khủng hoảng cần phải xử lý ngay để không bị đá văng ra khỏi trạng thái cân bằng hiện tại.
Có nhiều kiểu khủng hoảng bạn sẽ phải trải qua như sản lượng bán hàng và doanh thu sụt giảm, dòng tiền thấp,... Bạn có thể mất đi khách hàng hoặc mối kinh doanh lớn. Bạn có thể phải chịu những chi phí hoặc thay đổi bất ngờ ngoài dự kiến khiến bạn thua lỗ hay thậm chí mất đi cả công việc của mình.
Người trong nội bộ hay ngoài công ty có thể trở thành đối thủ cạnh tranh hoặc có những hành động không trung thực. Bạn có thể bị lừa hay bị “đâm sau lưng“ bởi chính bạn bè, đồng nghiệp của mình. Thật ngạc nhiên, đây lại đều là những điều phổ biến mà ai cũng sẽ phải gặp phải trong đời.
Khủng hoảng có thể xuất hiện khi khách hàng chính của bạn phá sản, không có khả năng trả nợ và đẩy bạn vào tình thế tài chính bấp bênh. Ngân hàng của bạn có thể ngừng cấp vốn. Nguồn thu chính và vốn đầu tư cạn kiệt. Bạn có thể bất ngờ bị sa thải một cách vô cớ và không chốn dung thân chỉ trong một đêm. Khủng hoảng cũng có thể đến khi bạn gặp các vấn đề với gia đình, tài chính hoặc sức khỏe.
Dịch Covid-19 đang mô tả lại rõ nét nhất về một tác động của một cuộc khủng hoảng như Brian Tracy viết. Trong "Báo cáo tác động của Covid-19 đến nền kinh tế" do Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố mới đây cho thấy tính đến cuối tháng 3/2020, đã có hơn 15% số doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm quy mô sản xuất.
Kết quả khảo sát tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động doanh nghiệp cho thấy có gần 94% DN điều tra đánh giá dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà nhiều DN gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh. Hầu hết số DN bị sụt giảm từ 50% doanh thu trở lên, chỉ 2,7% DN bị giảm dưới 10% doanh thu. Trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề, các DN vẫn phải gánh nhiều khoản chi phí mà lớn nhất là chi phí nhân công (với 34,5% DN), chi trả lãi vay ngân hàng (25% DN), chi phí hoạt động thường xuyên (20,6%), chi phí thuê mặt bằng (17,9%).
"Các công ty lớn thì có nguồn lực để xử lý rủi ro trong mùa dịch, còn các bạn trẻ khởi nghiệp không có điều kiện, rồi nguồn lực cũng không đủ để nghĩ ra các phương án giảm rủi ro hoặc tìm một hướng đi khác để cân bằng những thiếu hụt, khó khăn ở điều kiện hiện tại… Đấy là những bất lợi lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp ", ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM) trả lời phỏng vấn về cơn bão đang đến với giới startup trong bối cảnh dịch Covid-19 trên báo Thanh niên.
Cũng theo ông Tước, các dự án khởi nghiệp đang trong giai đoạn ươm tạo vẫn bị tác động rất nhiều, như vòng thử thị trường hay kết nối để gặp gỡ nhà đầu tư cũng bị hạn chế do các sự kiện kết nối khởi nghiệp từ đầu năm đến giờ không thể diễn ra. Rồi kết nối khách hàng cũng gặp trở ngại, như muốn cung ứng một ứng dụng vào nền tảng các doanh nghiệp, nhưng trong khi các doanh nghiệp cũng đang gặp lao đao thì không thể quan tâm đến nhu cầu thay đổi cái mới, nên điều đó cũng làm cho sản phẩm khởi nghiệp không có điều kiện để tiếp cận.