01
Hương là một người sành điệu và chịu chơi, cả công ty đều biết điều đó. Cô xinh đẹp, cao gầy và lúc nào cũng quần là áo lượt.
Nhưng có lẽ chẳng ai biết được rằng, gần như toàn bộ thu nhập hàng tháng của cô đều đổ vào quần quần áo áo.
Hương đam mê làm đẹp, thích thú với chuyện khiến cho hình ảnh bản thân trở nên hoàn hảo khi ra ngoài. Cũng vì sự chỉn chu đó, Hương đã khiến cho Thắng mê như điếu đổ sau lần đầu gặp mặt.
Cả hai nhanh chóng yêu đương. Hương sau đó biết Thắng là một người đàn ông thành đạt, làm việc trong ngành đầu tư, thu nhập hàng năm lên đến vài tỷ.
Thắng đã có nhà, có xe hơi, hoàn toàn phù hợp với hình tượng đàn ông mà Hương mong muốn được gắn bó. Bản thân anh cũng hào phóng, không tiếc tay chi tiêu cho Hương. Ở bên anh bạn trai này, cô càng lên đời và luôn diện cả cây đồ hiệu.
Có vẻ như gặp được bạn trai giàu càng khiến Hương "như cá gặp nước", chi tiêu cũng ngày càng giống người giàu.
Sau 2 năm yêu đương, Thắng và Hương kết hôn với nhau. Lúc này, Hương trông đã giống một "yêu nữ hàng hiệu" thứ thiệt vì sự chiều chuộng của Thắng.
02
Về chung một nhà, Hương lại càng được Thắng yêu chiều hơn. Hàng tháng cô được chồng cho một khoản tiền lớn chi tiêu. Quà cáp vào ngày lễ thì càng khỏi phải nói, đủ khiến cho ai cũng phải ngưỡng mộ.
Thế nhưng bước vào hôn nhân, Hương vẫn chẳng học được cách thu vén. Cô nghĩ rằng tiền chồng mình giống như biển lớn, tiêu mãi chẳng hết. Bố mẹ Hương thấy thế nhiều lần nhắc song cô gạt đi bởi quan điểm: "Sống là phải hưởng thụ".
Khi Hương có thai, cô nghỉ việc để dưỡng và chăm con. Thắng thương vợ, hàng tháng chuyển 90% thu nhập để cô chi tiêu và để dành tiết kiệm.
Nhưng nghỉ việc buồn tay chân, cô cầm tiền ấy vung tay mua sắm không biết mệt mỏi toàn hàng hiệu, đồ cao cấp. Kể cả có những thứ Hương chưa thể "đua" nổi, cô cũng bấm bụng để có bằng được.
Thắng hoàn toàn không biết những điều ấy, đinh ninh gia đình chắc hẳn có nhiều sổ tiết kiệm lắm nhưng đâu ngờ tiền bạc trong tay vợ tháng nào cũng "bốc hơi".
3 năm sau, Thắng hỏi Hương tiền tiết kiệm vì anh muốn mua một căn nhà cho bố mẹ. Bố mẹ anh ở nhà mặt đất, giờ có tuổi rồi anh muốn ông bà chuyển lên chung cư để đỡ leo cầu thang. Đến lúc này, Hương mới tái mét bởi trong suốt vài năm hôn nhân, cô tiêu xài là chính, không hề biết cách tiết kiệm. Thu nhập chồng vài tỷ mỗi tháng nhưng đa phần cô đều nướng vào đồ hiệu, quần áo. Đến bây giờ, Hương chỉ để ra được hơn 1 tỷ đồng.
Lúc này, Thắng ngao ngán không nói nên lời, anh không hề trách móc nhưng sự thất vọng tràn ngập. Anh hối hận khi đã vì quá yêu thương chiều chuộng mà không kiểm soát vợ để đến cuối cùng mới đến nông nỗi. Anh cưới vợ vì muốn có người thu vén kinh tế, tiêu xài hợp lí nhưng cái kết đắng ngắt.
Nhìn ánh mắt thẫn thờ của chồng mà Hương không biết nói gì, cô nhận ra bản thân có lỗi lớn đến tận cùng. Từ lúc ở bên nhau, chưa bao giờ cô thấy nỗi buồn như vậy trên gương mặt anh.
Hương bế tắc, tìm mẹ đẻ tâm sự rồi nhận về nguyên bài nhắc nhở. Mẹ cô cũng lấy ví dụ về căn nhà đang ở hay tiền nong nuôi mấy chị em ăn học cũng nhờ bố mẹ chi tiêu biết thu vén. Với đàn bà trong hôn nhân, một khi đã là "tay hòm chìa khóa", họ cần biết cách khiến chồng phải phục, tin tưởng vào khả năng đó của mình.
03
Chẳng phải ngẫu nhiên mà có câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Trong hành trình xây tổ ấm đó chắc chắn có việc vun vén về kinh tế, tích cóp tiền nong để sử dụng trong những trường hợp "chẳng may".
Tiền nong luôn là một vấn đề nhạy cảm. Đáng lẽ trước khi kết hôn, hai vợ chồng nên nói chuyện với nhau cụ thể về câu chuyện này. Nó cũng là một phần quyết định xem cả hai có thể hạnh phúc, gia đình có thể vận hành một cách bền chặt, suôn sẻ được hay không.
Nhưng quả thật, kể cả khi người chồng không lên tiếng thì các bà vợ cũng nên học cách thu vén kinh tế trong nhà. Đôi khi có những điều chẳng phải phải nhiều lời, nó gần như là một loại bản năng của phụ nữ. Bản năng thu vén kinh tế, thực hiện những khoản chi tiêu hợp lý so với đồng tiền và khả năng của gia đình.
Tiền nong tuy nhạy cảm nhưng cũng là một thứ tạo nên nền móng cho hôn nhân vững chắc. Nếu như không có nó thì hàng loạt câu chuyện nhỏ bé, đơn giản như củi dầu mắm muối cũng trở thành một vấn đề cực lớn.
Đàn bà có thể chơi đồ hiệu, có thể theo đuổi sở thích và đam mê của mình. Tuy nhiên, có chơi bời thế nào cũng nên trong khuôn khổ và khả năng. Họ cần biết vận dụng vật chất để lo toan cho cuộc sống hôn nhân bởi trong lĩnh vực này, đàn ông thua phụ nữ ở sự tinh ý và tinh tế.
Đàn bà thiếu gì cũng được nhưng đừng thiếu cách thu vén kinh tế. Tiền nong, kinh tế nó là yếu tố tối quan trọng, hoàn toàn có thể dẫn đến những câu chuyện "khó nói" nhưng đủ sức làm rạn vỡ mối quan hệ gia đình.
Câu chuyện của Hương cũng là một bài học cực lớn cho tất cả. Phụ nữ sau hôn nhân hãy biết chỉn chu trong chi tiêu, đừng vung tay quá trán rồi hối hận chẳng kịp nữa rồi.