Chỉ số VN-Index vừa trải qua 4 phiên giảm liên tiếp xuống dưới mốc 1.440 điểm, về vùng thấp nhất hơn một tháng qua,. So với cuối năm trước, chỉ số sàn HOSE bốc hơi hơn 59,3 điểm, tương đương hơn 3,96%. Trong khi đó, HNX-Index mất hơn 11,1% về 421,21 điểm và UPCoM Index giảm 4,6% xuống còn 107,47 điểm.
Cùng xu hướng với thị trường chung, phần lớn cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh trong hơn 11 phiên giao dịch đầu năm 2022.
Theo thống kê trong thời gian 4/1 – 18/1, có tổng 20/27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đã giảm giá so với cuối năm 2021.
Trong đó, cổ phiếu ''lao dốc'' mạnh nhất giai đoạn vừa qua là BVB của Ngân hàng Bản Việt khi giảm một mạch từ mức 23.400 đồng/cp xuống 19.500 đồng/cp, tương đương mức giảm 16,7%. Nhịp giảm sâu của BVB xuất hiện trong bối cảnh Ngân hàng Bản Việt vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 với mức lỗ trước thuế lên tới 74 tỷ đồng.
MSB cũng liên tục ''đổ đèo'' trong hai tuần giao dịch vừa qua. Chốt năm 2021 tại mức đỉnh lịch sử 29.000 đồng/cp thì nay đã giảm về còn 25.350 đồng/cp, tương đương mất gần 12,6%. Khác với BVB, cổ phiếu MSB giảm mạnh dù ngân hàng vừa báo lãi lớn. Cụ thể, kết thúc năm 2021 với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ MSB đạt 5.168 tỷ, gấp đôi năm trước và vượt gần 58% so với kế hoạch đề ra.
PGB của PGBank cũng góp mặt trong Top 3 cổ phiếu ngân hàng có diễn biến giá tệ nhất kể từ đầu năm khi giảm gần 11,7%. Cổ phiếu PGBank giảm sâu trong bối cảnh hoạt động thoái của Petrolimex - cổ đông lớn nhất của ngân hàng – chưa có thêm thông tin mới dù đã qua thời hạn dự kiến là cuối năm 2021.
Hiện tập đoàn này sở hữu 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% cổ phần của PGBank. Tại đại hội bất thường hồi tháng 7 của PG Bank, Petrolimex cho biết sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại ngân hàng thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội.
SSB của SeABank cũng một trong những mã giảm mạnh kể từ đầu đầu năm. Kết phiên 18/1, thị giá SSB dừng ở 38.250 đồng/cp, mất 9,8% giá trị so với hồi đầu năm. Tuy nhiên mới đây SeABank đã thực hiện phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 12,26% để tăng vốn.Trước đó, SSB là mã tăng mạnh thứ hai ngành ngân hàng trong năm 2021 khi giúp nhà đầu tư nhân 3 tài khoản sau chưa đầy 1 năm lên sàn.
Ngoài những mã nói trên, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm giá mạnh trong đợt điều chỉnh vừa qua như VIB (-8,2%), SHB (-7,6%), VPB (-7,1%), OCB (-6,4%), VBB (-5,8%), VAB (-5,6%), ABB (-5,5%),…
Ở phía ngược lại, NVB của Ngân hàng Quốc dân là mã tăng tốt nhất ngành ngân hàng trong những ngày đầu năm. Theo đó, sau 11 phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu này đã ghi nhận mức tỷ suất sinh lời lên tới 21,7%.
Cổ phiếu NVB bật tăng mạnh trước thời điểm Ngân hàng Quốc dân chốt ngày giao dịch không hưởng quyền vào ngày 17/1 để phát hành 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu - rẻ bằng chưa đến 1/3 so với giá trên sàn.
Không kém cạnh, BID của BIDV cũng ghi nhận mức tăng gần 21% so với cuối năm 2021 và đang được giao dịch ở vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết . Diễn biến trên hoàn toàn trái ngược với những gì mà BID thể hiện trong suốt năm 2021 khi đây là cổ phiếu ngân hàng duy nhất giảm giá.
VCB cũng có tỷ suất sinh lời 11,2% trong những ngày đầu năm sau một thời gian dài ‘’im hơi lặng tiếng’’. Cùng với đó, 3 cổ phiếu ngân hàng khác cũng mang lãi về cho nhà đầu tư sau hơn 2 tuần giao dịch vừa qua là KLB ( 4%), MBB ( 3,5%) và CTG ( 1,9%).
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính khiến cổ phiếu nhiều ngân hàng giảm giá trong thời gian qua là do giới đầu tư cho rằng tăng trưởng lợi nhuận ngành này đã đạt đỉnh cùng với lo ngại về diễn biến nợ xấu trong thời gian tới.
Tại báo cáo về ngành ngân hàng mới công bố, SSI Research cho rằng quan ngại về rủi ro nợ xấu và tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong nửa đầu năm 2022 đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, việc điều chỉnh giảm của cổ phiếu ngân hàng phản ánh rủi ro nợ xấu chưa rõ ràng và triển vọng kém khả quan hơn của nửa cuối năm so với nửa đầu năm 2021.
SSI Research cho rằng định giá hiện tại chưa phản ánh hết tăng trưởng khiêm tốn trong 6 tháng đầu năm 2022, và điều này có thể tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng tốt ở mức giá hấp dẫn trong thời gian này.
Nhóm phân tích cho cũng cho rằng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng sẽ khác biệt giữa hai nửa đầu năm và cuối năm 2022. Với mức so sánh cao trong nửa đầu năm 2021, SSI Research cho rằng tăng trưởng lợi nhuận sẽ ở mức khiêm tốn so với cùng kỳ tại các ngân hàng trong nửa đầu năm. Tăng trưởng ước tính mạnh hơn bắt đầu từ quý II/2022 đối với VietinBank, MB và Vietcombank, từ quý III/2022 đối với các ngân hàng khá.
Tương tự, FiinGroup cho biết dù nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm sâu so với đỉnh hồi tháng 6-7, tuy nhiên đến giữa tháng 12, tốc độ tăng giá của nhiều cổ phiếu vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Tính chung cả nhóm, tốc độ tăng giá của cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm là 36,1% trong khi đó tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mới đạt 32,8%.
Trong báo cáo về ngành mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh như BID và VCB sẽ được hỗ trợ bởi các câu chuyện chia cổ tức và kỳ vọng phát hành riêng lẻ đối tác nước ngoài trong quý 1/2022, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có điểm rơi về tin tức và tăng trưởng kể từ quý 2 và quý 3.