Cổ phiếu ngân hàng lội ngược dòng virus Corona: Ăn đứt tiền gửi tiết kiệm và các kênh đầu tư khác

Châu Cao | 05-03-2020 - 20:16 PM

(Tổ Quốc) - Kể từ đầu năm đến nay (2 tháng 1 tuần), cổ phiếu SHB tăng gần 140%, mức tăng từ dưới 6.000 đồng/cp đạt mức cao nhất 13.200 đồng/cp trong phiên giao dịch hôm nay (5/3).

Nền kinh tế toàn cầu lao đao vì virus Sars-Cov-19. Tính đến sáng ngày 5/3, số lượng người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới hơn 95.000, với 3.250 trường hợp tử vong. Khi Trung Quốc dần kiểm soát được dịch bệnh với các ca nhiễm mới giảm dần theo ngày thì tại Hàn Quốc, số ca nhiễm Covid 19 đã vượt 6.000 trường hợp trong khi tại Italia đã có 100 người chết vì dịch cúm.

Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm trước đại dịch, chỉ số Dow Jones giảm từ 29.200 điểm xuống dưới 25.000 điểm, VN-Index từ đầu năm giảm 7%, nhiều doanh nghiệp ngành hàng không, dịch vụ và khách sạn lao đao, khối ngoại bán ròng rã trên hai sàn. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng dường như đang miễn nhiễm với đại dịch, đặc biệt tại cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội.

Cổ phiếu ngân hàng lội ngược dòng virus Corona: Ăn đứt tiền gửi tiết kiệm và các kênh đầu tư khác - Ảnh 1.

Kể từ đầu năm đến nay (2 tháng 1 tuần), cổ phiếu SHB tăng gần 140%, mức tăng từ dưới 6.000 đồng/cp đạt mức cao nhất 13.200 đồng/cp trong phiên giao dịch hôm nay (5/3). Chốt phiên, SHB đóng cửa ở mức 12.900 đồng/cp, tăng 7,5%, khớp lệnh hơn 65,58 triệu cổ phiếu cho dù khối ngoại hôm nay bán ròng gần 23,6 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng tăng 39,3% từ đầu năm, CTG tăng 25%, STB tăng 21%, các cổ phiếu ACB, LVB của Lienvietpostbank cũng tăng trên 12%, VIB tăng 5,2%, TPB tăng 4,5%, HDB, BID tăng nhẹ, các mức tăng này nếu so với lãi suất ngân hàng đều vượt trội.

Kết quả kinh doanh khả quan

Báo cáo đánh giá kết quả kinh doanh 2019 của CTCP Chứng khoán SSI cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế 2019 của 18 ngân hàng niêm yết đạt 110.662 tỷ đồng (tăng 29,5% cùng kỳ năm trước), đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng cao của vốn chủ sở hữu.

Cổ phiếu ngân hàng lội ngược dòng virus Corona: Ăn đứt tiền gửi tiết kiệm và các kênh đầu tư khác - Ảnh 2.

Báo cáo SSI

NIM của hầu hết các ngân hàng đều được cải thiện do tăng trưởng cho vay cao hơn tăng trưởng huy động, và gia tăng tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân. Tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân tăng ở hầu hết các ngân hàng. Theo số liệu của SSI, so với năm 2018, VCB tăng từ 37.3% lên 43%; CTG tăng từ 49% lên 56%; BID tăng từ 32.3% lên 34.1%; MBB tăng từ 37.7% lên 40.5%; VPB tăng từ 57.9% lên 58.7%...

Chất lượng tài sản của ngân hàng cải thiện, nợ xấu bình quân tại 31/12/2019 là 1,43% - giảm mạnh so với 3 quý trước đó và mức 1,66% tại cuối 2018. Một số ngân hàng đã đẩy mạnh xử lý nợ xấu nội bảng và trái phiếu VAMC trong năm 2019: CTG, VPB, MBB, BID, SHB khiến chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh nhưng cũng có các ngân hàng như VCB, TCB, ACB cắt giảm được khoản chi phí này. 

Chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống thuộc về ACB và VCB; nợ xấu của 2 ngân hàng này lần lượt là 0,54% và 0,78%; LLC (tỷ lệ bao phủ các khoản nợ xấu, được tính bằng số dư dự phòng các khoản nợ xấu/nợ xấu) ở mức cao nhất là 175% và 182%.

Câu chuyện tăng vốn dẫn dắt dòng tiền sóng ngân hàng

Năm 2019, giá cổ phiếu BID tăng 38,75% và VCB tăng 70% nhờ vào câu chuyện giao dịch BID bán vốn cho Hanabank (gần 20,3 nghìn tỷ đồng) và VCB phát hành 111 triệu cổ phiếu (thu về khoảng 6,1 nghìn tỷ) cho GIC và Mizuho. Cộng hưởng với thông tin kết quả kinh doanh năm 2019 khả quan, nên nhóm cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện tăng vốn đã đi ngược dòng thị trường, bất chấp các thông tin tiêu cực về corona.

Cổ phiếu ngân hàng lội ngược dòng virus Corona: Ăn đứt tiền gửi tiết kiệm và các kênh đầu tư khác - Ảnh 3.

Cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng năm nay là cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với ngân hàng Quân đội tiết lộ Chính phủ sẽ dành 10.000 tỷ đồng tăng vốn cho Vietinbank và Vietcombank trong quý 1/2020. Vietinbank đã chờ thời điểm tăng vốn rất lâu bởi tỷ lệ CAR của ngân hàng này ở mức thấp trong hệ thống và để đáp ứng yêu cầu của Basel II.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của Vietinbank đạt 11.780 tỉ đồng, tăng gần 80% so với năm trước.

Tổng tài sản đến ngày 31/12/2019 ở mức 1,24 triệu tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 8,3% lên 922.330 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,6% đầu năm xuống còn 1,2%. Tiền gửi khách hàng là 892.782 tỷ đồng, tăng 8,1%.

Cổ phiếu ngân hàng lội ngược dòng virus Corona: Ăn đứt tiền gửi tiết kiệm và các kênh đầu tư khác - Ảnh 4.

Chỉ hơn 1 tháng thiếu gia nhà bầu Hiểu lãi hơn 200 tỷ khi mua vào cổ phiếu SHB

Trong khi đó với SHB, sóng cổ phiếu này tăng vọt kể từ khi con trai Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển là Đỗ Vinh Quang mua vào 35,9 triệu cổ phiếu từ giữa tháng 1. Kể từ đó đến nay cổ phiếu SHB tăng liên tục, chỉ sau hơn 1 tháng mua vào, người thân của ban lãnh đạo đã lãi hơn 200 tỷ đồng từ cổ phiếu SHB.

Việc cổ đông nội bộ mua vào cổ phiếu SHB ở mức giá dưới 6.000 đồng/cp khi đánh giá cổ phiếu ngân hàng này bị giao dịch dưới giá trị thực. Năm 2019, SHB đã hoàn tất việc mua lại các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước hạn, ngân hàng này đã đủ điều kiện chia cổ tức. SHB đã phát hành 250 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 20,9% năm 2017 và 2018, số cổ phiếu này dự kiến giao dịch trong tháng 3. 

Bên cạnh phương án chia cổ tức trên, SHB cũng đã có phương án phát hành 300,78 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1. Trong tổng số hơn 5.500 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm, SHB dự kiến sẽ dùng hơn 4.684 tỷ đồng để mở rộng quy mô cho vay, còn lại 850 tỷ đồng để đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, tài sản cố định cho việc phát triển mạng lưới kinh doanh đồng thời triển khai đẩy mạnh chiến lược hiện đại hóa hướng tới Ngân hàng số. 

Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, SHB đã và đang làm việc với các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới nhằm định hướng chiến lược phát triển khác biệt và bền vững trong trung và dài hạn của Ngân hàng cũng như chiến lược hiện đại hóa Ngân hàng hướng tới Ngân hàng số.

Năm 2019 SHB đạt kết quả tăng trưởng tích cực với lợi nhuận đạt 3.077 tỷ đồng, ROE đạt 17,56%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,7%, nợ xấu giảm mạnh còn 1,8%.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của SHB đạt 366.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2018. Vốn điều lệ đạt 14.551 tỷ đồng. Huy động vốn đạt 337.000 tỷ đồng. Cùng với tăng trưởng về quy mô hoạt động và huy động vốn, tổng dư nợ cho vay khách hàng của SHB đạt 265.000 tỷ đồng.

Với VPBank, lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2019 của ngân hàng này đạt 10.334 tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm 2018. Trong đó, lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ là 5.835 tỷ đồng, chiếm 57% lợi nhuận hợp nhất. Sự phục hồi tăng trưởng lợi nhuận trong năm qua đã giúp VPBank lần đầu tiên vào danh sách các ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã cải thiện đáng kể chất lượng tài sản, với tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát ở mức 2,95%, đồng thời hoàn thành việc tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu tại VAMC. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của VPBank dự kiến tăng từ 25%-30% so với năm 2019, như vậy con số có thể lên tới 13.000 tỷ đồng, củng cố vị trí của VPBank trong top các ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận.

Với ngân hàng ACB, năm 2019 lãi trước thuế hợp nhất đạt 7.516 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018. Tổng tài sản đến cuối năm ở mức 383.000 tỷ đồng, tăng 16,5%. Tín dụng đạt 266.000 tỷ đồng, tăng 17% và huy động tăng 14% đạt 308.000 tỷ đồng.

ACB đang dẫn đầu chất lượng nợ xấu, với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành ở mức 0,54% và tỷ lệ bao nợ xấu 165%. Ngân hàng dự kiến chia cổ tức 2019 tỷ lệ 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Năm 2020, ngân hàng dự kiến sẽ trình cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 8.700 tỷ đồng, tăng 15%. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 25%. 

Sóng cổ phiếu ngân hàng còn được thúc đẩy nhờ thông tin Ủy ban chứng khoán đã cấp giấy phép cho 2 công ty quản lý quỹ là SSIAM vận hành quỹ Finlead, quỹ ETF dựa trên chỉ số các cổ phiếu ngành tài chính có quỹ mô khoảng 20-30 triệu USD, và VFM vận hành quỹ Diamond, quỹ ETF dựa trên chỉ số các cổ phiếu hết room ngoại. Các quỹ này ra đời tạo kỳ vọng sẽ kéo dòng vốn ngoại gia tăng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu ngân hàng lội ngược dòng virus Corona: Ăn đứt tiền gửi tiết kiệm và các kênh đầu tư khác - Ảnh 5.

Cổ phiếu ngân hàng lội ngược dòng virus Corona: Ăn đứt tiền gửi tiết kiệm và các kênh đầu tư khác - Ảnh 6.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM