Một thực tế hiển nhiên là giới trẻ ngày càng xa cách với những khu chợ truyền thống nhộn nhịp những hoạt động mua bán. Tại Trung Quốc, đã có một bảng thống kê cho biết 44% người trẻ tuổi ở thời điểm làm khảo sát nấu ăn ít hơn 3 lần/ tuần và 19% chọn ăn đồ ăn ngoài thay vì tự nấu ăn. Nhưng điều mà một bạn trẻ rất thích đi chợ như tôi muốn nói rằng: “Có những điều trong cuộc sống mà chỉ khi đi đến chợ bạn mới có thể nhận ra".
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi, sau khi thuê một căn nhà nhỏ ở rìa đường vành đai 5 phía Nam ở Bắc Kinh, tôi chỉ còn lại 800 tệ (khoảng 2.7 triệu) trong túi quần. Lúc đó, lương thử việc của tôi là 1.500 tệ (khoảng 5 triệu), nếu trừ tiền thuê nhà cũng không còn bao nhiêu. Trừ hết tất cả các chi phí điện, nước, đi lại… thì trong ba tháng thực tập, tôi sẽ chỉ có khoảng 500 tệ cho việc ăn uống. Và để có thể trụ lại được ở Bắc Kinh, tôi phải làm quen với những khu chợ truyền thống ồn ào, đông đúc với những thực phẩm tươi sống với giá khá rẻ.
Đầu ngõ chợ bày đủ các thể loại thực phẩm ngon mắt, tôi đã phải nuốt nước bọt liên tục khi nhìn thấy những hàng sạp đầy màu sắc với mùi thơm đặc trưng. Đi sâu vào chợ, anh chủ bán rau chưa gặp tôi bao giờ nhưng lại tỏ vẻ rất biết tôi, khi thấy tôi đến gần thì lớn giọng: “Lại mua rau đi em ơi!” Sau đó, anh ta liếm ngón tay cái và kéo một túi ni lông mỏng ra để đưa cho tôi và nói rằng: “Thích gì thì bỏ vào đây, anh tính tiền nhanh cho.”
Tôi cầm dưa chuột lên xem sắc xanh của vỏ, bóp nhẹ quả cà chua để cảm nhận độ chín, chọn từng củ tỏi thay vì lấy nguyên một túi... Sau khi chọn đủ một lượt rau củ để nấu trong một tuần, tôi bỗng nảy ra ý định muốn ăn một chút dưa để tráng miệng sau bữa, tôi hỏi ông chủ rằng chỉ mua ¼ được không và ông chủ vẫn vui vẻ đồng ý. Tôi lấy thêm một chút rau thơm, hành lá, ông chủ lập tức dúi vào túi đi chợ của tôi mà không tính tiền. Chỉ ở chợ, cảm giác được cầm nắm, cảm nhận, lựa chọn và mua bỗng khiến tôi cảm thấy bản thân mình đang hoá thân thành một người giàu có. Sau khi lượn lờ quanh chợ, tôi đã tiêu một khoản tiền là 100 tệ (khoảng 350 ngàn), toàn là cá và thịt, và một bàn đầy đủ các loại rau, củ. Còn nếu ở trung tâm thương mại, tôi không thể mua bất cứ thứ gì với số tiền mà mình đang có, ngay cả lời mời chào của người phục vụ trong đấy cũng có thể khiến tôi cảm thấy lo lắng.
Khi bạn bước vào chợ rau, âm thanh của sự ồn ào hối hả sẽ khiến bạn chìm đắm trong đó. Những món ăn ngon mắt đập vào mặt chúng ta, khơi dậy ham muốn nguyên thuỷ nhất của con người - được ăn no. Nhưng bởi công việc bận rộn và giao tiếp giữa các mối quan hệ, sự thèm ăn thường bị chậm trễ hoặc thậm chí bị đẩy lùi đến bữa tiếp theo. Sống một mình tại một thành phố lớn, những khó khăn thay nhau đến gõ cửa. Nhưng muốn lần lượt xử lý từng cuộc khủng hoảng thì trước hết vẫn phải chăm lo cho sức khoẻ bản thân, nếu không đủ điều kiện để uống các loại vitamin bổ sung chất có cơ thể, thì tự nấu ăn cũng là một cách bạn trực tiếp quan tâm đến sức khoẻ của mình. Trong cuộc sống này, sẽ có những lúc bạn choáng ngợp và lo lắng không nguôi thì những lúc này, tôi lại đi chợ dù chẳng có nhu cầu mua một món hàng nào ở đây cả.
Tôi thấy người chủ bán rau buột miệng nói rau thơm, hành lá không đáng mấy đồng trong khi ông ấy đang hò hét những vị khách khác chọn nhiều vào. Tạp dề của ông chủ bán thịt dính đầy mỡ động vật với tàn thuốc trong miệng, tay cầm một con dao rất lớn nhưng trông nó chẳng có vẻ gì là đáng sợ. Những người bà bán trứng hay đồ khô như các loại đậu, gia vị đều háo hức chờ tôi đi ngang quầy của họ, đánh thức sự lười biếng và những cảm xúc hào hứng lẽ ra một người trong độ tuổi 20 nên có. Nếu bạn đang chuẩn bị nấu ăn, tiếng ồn ào của chợ sẽ nhanh chóng trở thành cụ thể. Bạn sẽ tự biết món ăn bạn định nấu sẽ có nguyên liệu gì, cần nêm gia vị gì, nên làm như thế nào cho ngon miệng. Tất cả sẽ trở nên rõ ràng và cụ thể trong tâm trí bạn.
Cuộc sống vốn dĩ là một mớ hỗn độn, nhưng khi bước ra từ một khu chợ truyền thống, dường như một nút thắt đã được mở ra, mọi sự trở nên rõ ràng, cụ thể và cuối cùng nỗi lo lắng cũng lắng xuống. Ngay cả ở Bắc Kinh, chỉ cần bạn sẵn sàng làm điều gì đó, thì sẽ luôn có thứ gì đó đáp lại. Đi làm vài năm, tuy không đeo vàng bạc châu báu, nhưng tôi chắc chắn sẽ chào tạm biệt hai bàn tay trắng.
Sau khi về nhà, nấu và ăn một bữa đơn giản, tôi lại ra đường để suy nghĩ về việc có nên rời Bắc Kinh, chuyển về một thành phố hạng 2 hoặc thấp hơn một chút hay không. Vì nếu tôi sinh sống và làm việc ở những thành phố đó, có lẽ cuộc sống của tôi sẽ chẳng đến mức bon chen không kể ngày đêm, muốn mua nhà hay xe cũng trở nên dễ thở hơn một chút. Đang trong guồng suy nghĩ, tôi bỗng chợt lại rẽ vào một khu chợ gần nhà. Bởi đã quá giờ cơm tối nên đa số các gian hàng đều đã đóng cửa, chỉ còn một vài hàng tạp hoá nhỏ nhưng thứ gì cũng có. Dù suy nghĩ đang cực kỳ hỗn độn, nhưng khi đi qua những gánh hàng rong, thấp thoáng nghe tiếng họ trò chuyện với nhau, suy nghĩ của tôi tự nhiên lại trở nên nhẹ nhàng hơn, những cảm giác tiêu cực cũng nhanh chóng biến mất. Bởi vậy, nếu có ai nói với tôi rằng: "Thay vì dành thời gian đi chợ, mày nên làm... hoặc..." thì đối với tôi, chợ là một nơi yên bình đến mức thần kỳ như vậy đấy.